Sau hơn 1 giờ đồng hồ mở cửa trở lại, điểm test nhanh Covid-19 của Bệnh viện TP. Thủ Đức đặt tại Trường mầm non Tam Phú trở nên quá tải. Từ ngoài cổng trường đến sân trường ở phía trong, hàng trăm người dân ở TP.HCM nhưng làm việc các tỉnh giáp ranh và ngược lại, rồng rắn xếp hàng, ngồi chờ xét nghiệm. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các nhân viên y tế khá vất vả khi vừa tiếp nhận làm thủ tục, vừa sắp xếp bố trí chỗ ngồi cho người dân và liên tục nhắc mọi người giữ khoảng cách an toàn.
Sáng qua (6/7), bệnh viện tạm ngưng tiếp nhận người dân để bố trí điểm xét nghiệm mới rộng rãi hơn, thông thoáng hơn tránh ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh như hôm qua, nên không ít người phải xin nghỉ việc cả ngày để test nhanh Covid-19.
Tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, lượng người tới xét nghiệm nhanh Covid-19 trong hôm 6/7 cũng khá đông. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ hôm 5/7, bệnh viện đã chuẩn bị nhân sự đảm bảo công tác trật tự, xếp hàng nên không còn xảy ra tình trạng người dân chen lấn, đảm bảo khoảng cách. Bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Miền Đông cho biết, tình trạng người dân đến test nhanh Covid-19 đang là áp lực đối với bệnh viện.
Phải mất khá nhiều thời gian xếp hàng, ngồi chờ và tốn khoảng 300.000 - 500.000 đồng (tùy bệnh viện) người dân mới có được giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, để qua các chốt kiểm dịch của các địa phương. Thế nhưng, “giấy thông hành” chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 3 ngày đối với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là 5 ngày và Đồng Nai là 7 ngày, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Gọi là test nhanh Covid-19, nhưng nhiều bệnh viện phải mất một buổi mới trả kết quả. Trường hợp đến xét nghiệm buổi chiều thì sáng hôm sau người dân mới nhận được kết quả. Điều đáng nói, phiếu trả lời kết quả xét nghiệm lại ghi theo thời gian lấy mẫu, hiển nhiên “giấy thông hành” bị mất 1 ngày giá trị sử dụng, chỉ được dùng trong 2 ngày. Chị Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, ở TP.HCM làm việc tại TP. Dĩ An, Bình Dương (xét nghiệm tại bệnh viện TP. Thủ Đức) buồn bã: “Để có giấy này, tôi phải nghỉ việc một buổi chiều để xếp hàng chờ đợi. Kết quả thì hẹn đến sáng hôm sau mới có, mà lại ghi ngày hôm trước. Trong khi tờ giấy chỉ sử dụng được có 3 ngày mà mất phí hết 440.000 đồng. Không biết một tháng sẽ phải tốn bao nhiều tiền để ra vào Dĩ An, Bình Dương”.
Quy định có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính là sẽ được vào địa phương nhưng điều này cũng không chắc chắn, khi mỗi nơi quy định mỗi kiểu. Anh Hà Văn Đại tài xế ở TP.HCM thường đi giao hàng các đến các tỉnh Tây Nguyên cho biết, ngay sau khi đọc được thông tin bắt buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào các tỉnh, anh đã chủ động đi làm xét nghiệm. Nhưng ngay cả khi đã chuẩn bị giấy “thông hành” thì anh và các tài xế khác vẫn không được qua chốt kiểm dịch của tỉnh Bình Dương - Bình Phước, phải quay xe ngược trở lại. Theo anh Đại, lý do không được qua chốt mà lực lượng chức năng giải thích là do bệnh viện sử dụng dấu vuông của khoa khám bệnh đóng vào tờ kết quả xét nghiệm, còn địa phương thì yêu cầu dấu tròn. Anh Đại bức xúc: “Khi có quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính vơi Covid-19, tôi cũng chỉ biết đến bệnh viện TP. Thủ Đức để xét nghiệm. Nhưng bệnh viện lại đóng dấu vuông, khi đi đến chốt kiểm dịch Bình Phước với Bình Dương thì họ lại yêu cầu phải có dấu tròn của bệnh viện. Đi làm xét nghiệm tốn gần 450.000 đồng, chờ mất một ngày, trục trặc như hôm nay nữa chạy đi chạy về hết 2 ngày. Nào là tiền xăng dầu, tiền đóng 6 trạm thu phí cả đi và về, thiệt hại rất nhiều”.
Biết rằng quy định xét nghiệm Covid-19 để lấy “giấy thông hành” trên là nhằm mục đích kiểm soát, hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, quy định này vô hình chung lại tạo áp lực và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh viện. Chưa kể, mỗi địa phương lại quy định mỗi kiểu đang gây tốn kém, phiền hà cho người dân. Lợi đâu chưa thấy nhưng dân đã thấy… phiền./.