Trước thông tin TP.HCM triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sẽ giải quyết trong vòng 7 ngày làm việc, rất nhiều người dân bày tỏ niềm vui mừng và hy vọng tiền hỗ trợ sớm đến tay để phần nào vơi bớt nỗi lo toan, vất vả vì dịch bệnh hiện nay.
Sống bằng nghề thu mua ve chai, bà Trần Thị Tuyết (ngụ ở quận Phú Nhuận) cho biết, gần 2 tháng nay khi TP.HCM áp dụng các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, các nhà hàng, quán nhậu không được hoạt động nên lượng ve chai bà thu mua được mỗi ngày đều rất ít ỏi. Ngày nhiều nhất, bà Tuyết kiếm được cũng chỉ khoảng 30.000 đồng. Vì thế, khi nghe tin thành phố sẽ hỗ trợ cho lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó những người bán vé số, chạy xe ôm hay thu mua ve chai như bà sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày tính từ thời điểm TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp phòng chống dịch, bà Tuyết cảm thấy rất phấn khởi: “Nếu mà được nhận khoản hỗ trợ đó thì rất mừng. Những ngày mình đi buôn bán không được gì hay lỡ như khu mình bị giăng dây, không được đi chợ được sẽ đói. Nhưng nếu có 50.000 đồng hỗ trợ đó sẽ đỡ khổ, qua được cơn đói".
Cũng giống như bà Tuyết, ông Hà Thái Bảo, một người chạy xe ôm tại quận Bình Thạnh rất vui mừng và mong chờ khoản hỗ trợ này. Tuy nhiên, ông Bảo băn khoăn với những lao động tự do như ông làm thế nào để được nhận hỗ trợ: “Trước kia, tôi chạy xe ôm một ngày cũng kiếm được 300.000 đến 400.000 đồng. Còn bây giờ kiếm 100.000 đồng thôi cũng khó nữa. Xe ôm giờ cũng ít người đi vì ai cũng lo sợ dịch bệnh. Tôi cũng rất mong muốn sớm được nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên tôi chưa biết cách thức nào để được nhận".
Với những tiểu thương kinh doanh tại chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, thông tin về gói hỗ trợ có lẽ là tin vui hiếm hoi mà họ nhận được trong suốt hơn 1 tháng qua. Là chợ truyền thống nằm giáp ranh giữa Quận 1 và quận Bình Thạnh, chợ Thị Nghè luôn đông đúc, nhộn nhịp. Nhưng gần 1 tháng nay, chợ triển khai hình thức mở sạp hàng xen kẽ và bán cách ngày để hạn chế đông người, phòng dịch vì thế lượng khách đi chợ cũng thưa vắng, ảm đạm. Nhiều sạp hàng treo bảng sang nhượng. Khi nghe gói đợt 2 này của TP.HCM sẽ hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống, mọi người đều hy vọng khoản hỗ trợ này sẽ sớm tới tay bà con.
Bà Trương Bích Liên, một tiểu thương kinh doanh ở chợ Thị Nghè cho biết: “Nếu làm được như vậy quá tốt vì ở trong nhà lồng của chợ này, nhiều sạp đã đóng cửa 2 tháng nay, có những người phải lo cho con cái còn ăn học, họ cũng từng vô ban quản lý xin giảm thuế. Mình cũng hy vọng chính sách đó sớm hỗ trợ cho những tiểu thương không may mắn phải nghỉ bán ở nhà, phải lo toan nhiều thứ”.
Cũng là một trong những đối tượng thuộc gói hỗ trợ 886 tỷ đồng đợt này của TP.HCM, anh Phan Chánh Phi, chủ một cửa hàng kinh doanh điện lạnh ở quận Gò Vấp bày tỏ niềm vui khi nghe tin các hộ kinh doanh cá thể ở các khu vực từng áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chỉnh phủ về biện pháp phòng chống dịch sẽ được nhận 2 triệu đồng hỗ trợ.
“Hộ kinh doanh của chúng tôi ở Gò Vấp, chuyên bán đồ điện lạnh. Chúng tôi bị ảnh hưởng bởi dịch, không mở cửa hàng được. Cửa hàng có 4 lao động đều bị thất nghiệp và còn phải chi tiền trả mặt bằng hàng tháng. Tình hình rất khó khăn với chúng tôi. Nay chúng tôi nghe có gói hỗ trợ của nhà nước, dù ít dù nhiều gì thì cũng giảm được phần nào khó khăn lúc này. Rất mong được sự hỗ trợ của nhà nước”- anh Phi nói.
Gói hỗ trợ 886 tỷ đồng đợt 2 này của TP.HCM được triển khai thời điểm này là hết sức cần thiết. Người dân mong muốn các cấp ngành và chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng thực hiện để tiền hỗ trợ đến đúng tay đối tượng đang cần hỗ trợ, giúp họ vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra./.
Minh Thắm-Việt Hùng/VOV-TP.HCM