Khó xử lý hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, con số nợ BHXH bắt buộc 11.660 tỷ đồng là đáng báo động. Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH để có giải pháp phù hợp.

 

Tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng, trong đó, việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Năm 2020 ghi nhận sự gia tăng chậm đóng BHXH ở doanh nghiệp nhà nước. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.

Ảnh minh họa: KT

Tính đến cuối năm 2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng gần 1.600 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng hơn 15% so với năm 2019. Theo BHXH Việt Nam, số chậm đóng tập trung nhiều ở nhóm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng với tỷ trọng gần 19%. Số chậm đóng khó thu hồi năm 2020 là gần 2.200 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến số nợ năm 2020 tăng hơn so với năm 2019.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, con số nợ BHXH bắt buộc 11.660 tỷ đồng là đáng báo động. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần phân loại rõ từng loại nợ BHXH để có giải pháp phù hợp: “Chính phủ cần phân loại các loại nợ này, không thể gộp, loại nào do trây ỳ, loại nào do khó khăn, loại nào do phá sản, phải phân loại trước dịch hay sau dịch, tránh tình trạng không rõ ràng, người không bị ảnh hưởng dịch nhưng vẫn khai là bị ảnh hưởng để thành nợ nần. Do đó tôi đề nghị phân biệt rõ để có giải pháp cho phù hợp”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Như Ý, Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội, cần đánh giá thêm nguyên nhân công tác phối hợp giữa ngành BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của Liên đoàn lao động tại các địa phương chưa thực sự rõ nét, nhất là công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, chế tài quy định về tội phạm trong lĩnh vực BHXH còn định tính, chung chung, dẫn đến cách hiểu khác nhau. Vì vậy, trên thực tế, BHXH và Công đoàn chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra chưa khởi tố được vụ nào theo điều 216 của Bộ luật Hình sự.

Bà Nguyễn Thị Như Ý nêu ý kiến: “Tôi kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện trong tố tụng, tạo cơ sở cho tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ BHXH. Bởi trên thực tế thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở vì nhiều lý do khác nhau không thể đứng ra khởi kiện đòi quyền lợi cho người lao động. Chính phủ cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức đại diện cho người lao động ở cơ sở tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 nhằm phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm”.

Giải thích về số nợ BHXH lớn, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, số nợ năm 2020 có tăng nhẹ so với 2019, nhưng số đối tượng đã giảm hơn.

BHXH Việt Nam cũng đã phân tích kỹ về thời hạn nợ và các đối tượng nợ để có phương án đòi nợ hiệu quả. Trong thời gian qua, ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, như đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp kịp thời đối với các doanh nghiệp mới phát sinh nợ BHXH, BH thất nghiệp không để nợ kéo dài, hoặc nợ với số tiền lớn.

Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng BHXH đến nay chưa được thực hiện do việc thực thu thập hồ sơ, tài liệu xác định tội danh hình sự về trốn đóng gặp nhiều khó khăn như: báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị, đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu...

Ông Nguyễn Thế Mạnh nêu rõ: “Trong điều kiện dịch bệnh, trên cơ sở dữ liệu hiện có của BHXH Việt Nam, chúng tôi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để xây dựng các tiêu chí để nhận diện các rủi ro của các đơn vị có khả năng nợ, trây ỳ, trốn đóng. Trên cơ sở đó chúng tôi có cảnh báo, phân tích và đôn đốc, kiến nghị, nếu còn trây ỳ chúng tôi xuống thanh tra kiểm tra, vẫn đảm bảo theo chỉ thị của Thủ tướng, giảm số lượng các cuộc thanh tra để tránh dịch bệnh”.

Hiện pháp luật về BHXH chưa có quy định về nợ BHXH dẫn đến cơ quan BHXH phải tự xây dựng, ban hành các hướng dẫn về quản lý nợ, phân tích tình hình nợ và có giải giáp cụ thể để giảm nợ.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, đang trong quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện Hồ sơ dự án đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào quí IV năm 2021 để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023./.

Kim Thanh/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận