Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định: Đột phá trong xây dựng dịch vụ công trực tuyến

  • 24/06/2021 02:43:12
  • Vân Hồng
  • Xã hội
  • 0

Sau nhiều thành công trong việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến, mới đây, vào 15 giờ ngày 17/6/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nam Định đã hoàn thành việc kết nối và đưa vào sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư, đưa Nam Định trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối này.

 

Đem lại nhiều lợi ích thiết thực

Sáng 21/6/2021, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, phường Bà Triệu, TP Nam Định làm thủ tục xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến. Sau khi tìm hiểu và được cán bộ một cửa của phường hướng dẫn qua điện thoại, chỉ trong ít phút bà Hoà đã đăng ký thành công tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến.

Bày tỏ sự hài lòng, bà Hòa chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ khi được Cổng thông báo tài khoản của tôi đã được xác thực thông tin. Hoàn thành quá trình nộp hồ sơ trực tuyến, tôi thấy có một số lợi ích sau: Thành phần thủ tục hành chính, việc khai thông tin cá nhân được đơn giản hóa. Tôi không phải xuất trình, cung cấp các giấy tờ liên quan đến thông tin cá nhân nên cắt giảm được việc công chứng (hoặc xuất trình) CMT và thẻ CCCD. Cổng đã hỗ trợ việc tự động trích xuất thông tin từ CSDL Quốc gia về Dân cư trong quá trình tôi khai thông tin cá nhân vào tờ khai điện tử trên Cổng (không phải khai các thông tin mà Cổng lấy trực tiếp về từ CSDL Dân cư).

Là người tiếp nhận hồ sơ, chị Bùi Thị Thu Thủy, cán bộ một cửa của phường cho biết: “Việc kết nối này giúp tiết kiệm thời gian trong đối chiếu các giấy tờ liên quan, đảm bảo tính chính xác và kiểm chứng được tính chính xác của các thông tin liên quan đến người dân ngay trên hệ thống. Giảm các tài khoản ảo, tài khoản không chính thức bởi tài khoản của công dân được xác thực từ CSDL công dân, nên mỗi người dân chỉ có duy nhất 01 tài khoản gắn với 01 số CMT, số thẻ CCCD”.

Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, đảm bảo minh bạch, chính xác, tiết kiêm...

Thống kê từ Sở TTTT Nam Định cho thấy, quá trình thực hiện việc kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với CSDL Quốc gia về dân cư có nhiều nổi bật:

Thứ nhất, đã hoàn thành việc lập danh sách của các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố, UBND 226 xã, phường thị trấn theo hướng dẫn của Bộ TTTT, Bộ Công an. Trong giai đoạn thử nghiệm đã đề nghị Bộ TTTT, Bộ Công an cấp tài khoản và cấp quyền khai thác cho các sở, ngành, 03 huyện và 25 xã, phường của TP Nam Định đối với 236 dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian tới sẽ hoàn thành 100% các đơn vị trong tỉnh.

Thứ hai, đã hoàn thành việc hướng dẫn các các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố, UBND 226 xã, phường thị trấn triển khai việc ký cam kết trong việc sử dụng, khai thác thông tin trong CSDL Quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Công an tại văn bản số 3395/C06-TTDLCD, ngày 08/6/2021.

Thứ ba, đã hoàn thành việc cung cấp thông tin về công tác đảm bảo an toàn thông tin về Cục Tin học hóa, Bộ TTTT và Cục A05, Bộ Công an. Phối hợp với PC06 Công an tỉnh triển khai công tác đánh giá an toàn thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, nơi quản lý, vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Thứ tư, đã triển khai kịp thời các giải pháp kỹ thuật điều chỉnh, nâng cấp, cập nhật nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh và Cổng DVC của tỉnh, đảm bảo tương thích, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của Nền tảng NGSP của Bộ TTTT và CSDL Quốc gia về dân cư và hoàn thành kết nối và đưa vào sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân từ CSDL Quốc gia về dân cư.

Nền tảng kỹ thuật, công nghệ hiện đại

Đánh giá về thành công trên, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT cho biết: “Đây là hình mẫu của sự phối hợp, không quản ngại giờ giấc của đội ngũ những người thực hiện tại Sở TTTT Nam Định”.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TTTT chia sẻ: “Chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần luôn luôn sẵn sàng, luôn tiên phong, đi đầu trong giải quyết các nhiệm vụ và thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ TTTT. Bên cạnh đó là sự ủng hộ, vào cuộc của tất cả các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố, UBND 226 xã, phường thị trấn và sự nhất trí, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng sự tin tưởng của lãnh đạo Cục Tin học hoá với sự hướng dẫn, phối hợp thường xuyên, kịp thời của cán bộ Cục”.

Nam Định là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành việc kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến với Cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an.

Nền tảng LGSP của tỉnh, Cổng DVC của tỉnh được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của pháp luật và hướng dẫn của Bộ TTTT. Các giải pháp công nghệ được lựa chọn khi thiết kế nền tảng LGSP của tỉnh, cổng DVC của tỉnh luôn tuân thủ khung kiến trúc Việt Nam 1.0, kiến trúc CQĐT tỉnh 1.0 và đã được kịp thời điều chỉnh nhằm tuân thủ khung kiến trúc Việt Nam 2.0. Do đó, nền tảng LGSP của tỉnh, cổng DVC của tỉnh luôn luôn sẵn sàng ở mức cao nhất và luôn đáp ứng đối với các yêu cầu kết nối, các API kết nối mà các nền tảng, phần mềm khác yêu cầu.

Sở TTTT thường xuyên phối hợp và tận dụng, khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao của các đơn vị phát triển phần mềm trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác nền tảng LGSP của tỉnh, cổng DVC của tỉnh. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đơn vị vận hành nền tảng LGSP của tỉnh, cổng DVC của tỉnh (là Trung tâm CNTT&TT) thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và luôn sẵn sàng tiếp thu để làm chủ công nghệ. Các cán bộ kỹ thuật quản trị, vận hành phần mềm có tinh thần hăng say làm việc không quản thời gian, giờ giấc và luôn luôn sẵn sàng, có trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ông Vũ Trọng Quế cho biết thêm, ngoài việc kết nối với CSDL Quốc gia về dân cư, cổng DVC của tỉnh Nam Định cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT hằng năm của Bộ TTTT, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh luôn được đánh giá, xếp hạng trong Top đứng đầu của các tỉnh, thành phố trên cả nước, cụ thể: năm 2019 xếp thứ 5 và năm 2018 xếp thứ 6/ 63 tỉnh, thành phố.

Nam Định là 1 trong 5 tỉnh và 4 bộ, ngành đầu tiên của cả nước hoàn thành việc kết nối chia sẻ dữ liệu với cổng cung DVC Quốc gia vào thàng 11/2019. Là tỉnh thứ 3 có số lượng DVC trực tuyến cung cấp trên cổng DVC Quốc gia sau Bình Phước, Tây Ninh.

Nam Định là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên hoàn thành mục tiêu cung cấp 30% DVC mức độ 4 vào tháng 4/2020; Là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên cùng với Tây Ninh, Bến Tre hoàn thành việc cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện ở mức độ 4.

Tính đến thời điểm hiện tại, cổng DVC Nam Định đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết theo đúng quy định 8.254 hồ sơ TTHC từ Cổng dịch vụ công Quốc gia. Có 192.296 hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời 17 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp từ hệ thống của Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cung cấp 1.626/1.678 DVC mức độ 3, 4 (trong đó: có 1.412 DVC mức độ 4 chiếm 84% và có 214 DVC mức độ 3 chiếm 13%). Trên 50% số lượng DVC mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh thường xuyên phát sinh hồ sơ. Trong 6 tháng đầu năm 2021, hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 là 21.718 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên Cổng đạt 99,34%.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 569 hồ sơ TTHC của người dân và doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến, tổng số tiền thực hiện thanh toán trực tuyến là 46.373.000. Trong đó đặc biệt UBND thành phố Nam Định và 25 xã, phường của TP Nam Định đều có hồ sơ phát sinh thanh toán trực tuyến./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận