Lắp camera giám sát trên xe vận tải: Đừng lấy cớ dịch COVID-19 để bàn lùi

Việc lắp camera giám sát hành trình phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, làm thế nào để giảm khó khăn cho DN chịu tác động của dịch COVID-19.

 

Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp thiết bị camera giám sát trước ngày 1/7/2021. Sắp đến hạn chót, bắt buộc các xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát thì cũng đúng vào thời điểm đợt dịch COVID-19 bùng phát, các Hiệp hội vận tải đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT xin lùi thời hạn lắp camera. Nhiều kiến nghị được cho là có cơ sở, nhưng cũng có ý kiến cho rằng viện cớ dịch để “tát nước theo mưa”, xin kéo dài thời gian thực hiện.

Camera phát hiện và cảnh báo khách không đeo khẩu trang

Trước đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Chính phủ, Bộ GTVT đã có những giải pháp để hạn chế lây lan dịch trên các phương tiện vận tải công cộng, như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện 5k…

Cũng tại thời điểm đó, có một doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam đã ứng dụng quản lý hệ thống camera lắp trên xe để giám sát lái, phụ xe và hành khách không tuân thủ việc đeo khẩu trang để phòng dịch.

Nhiều hình ảnh hành khách, thậm chí có cả lái phụ xe, chủ quan lơ là không đeo khẩu trang trong khi dịch đã bị phát hiện và xử lý nghiêm.

Lắp camera giám sát hành khách và nhân viên nhà xe vi phạm, không tuân thủ đeo khẩu trang phòng dịch.

Sau đó, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, chấn chỉnh việc đeo khẩu trang trên xe khách và phương tiện vận tải công cộng. Cùng đó Tổng cục ĐBVN yêu cầu đẩy mạnh lắp camera trên ô tô theo đúng lộ trình, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tự giám sát qua màn hình và cấp tài khoản để cơ quan quản lý kiểm soát người không đeo khẩu trang qua camera.

Nhiều nhà xe thấy việc lắp camera mang lại nhiều tiện lợi nên đã chủ động lắp trước dù chưa đến hạn, thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Tại Bắc Giang, điểm nóng nhất về COVID-19, nhiều xe trong đó xe chở công nhân cũng đã lắp và phát huy hiệu quả. Hiện nay, Bắc Giang bắt đầu cho phép một số lượng xe chở công nhân hoạt động trở lại.

Ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng phòng Vận tải và quản lý phương tiện, người lái, Sở GTVT Bắc Giang cho rằng, trong phòng chống dịch, môi trường xe chở công nhân vốn dĩ khép kín, bật điều hoà, yếm khí nên dễ lây nhiễm, khó truy vết khi có ca Covid-19, nhưng khi có camera giám sát, cơ quan chức năng, doanh nghiệp đều có thể giám sát được việc này.

“Có camera rất tốt để kiểm soát người đeo khẩu trang, giãn cách trên xe, hơn hẳn việc giám sát bằng con người. Nhưng, Chính phủ quy định hạn cuối đến 1/7/2021 các doanh nghiệp mới phải lắp, nên chúng tôi biết là tác dụng nhưng không thể yếu cầu lắp trước”, ông Hanh nói.

Đa dạng thiết bị giám sát cho doanh nghiệp vận tải lựa chọn

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên xe như công ty Cổ phần HC, Công ty thiết bị điện tử Bách Khoa, Công ty TCT cho thấy, hiện nay mẫu camera khá đa dạng do nhiều đơn vị cung cấp nên giá rẻ hơn nhiều.

“Hiện tại camera góc rộng trên 120 độ loại tốt có giá 4-5 triệu đồng. Nhưng không hiểu sao nhiều thông tin phải nói vống giá lên 9-10 triệu, cao gấp nhiều lần giá thực tế. Trên xe chỉ cần lắp 1 camera góc rộng là đủ đáp ứng theo quy định cho mọi loại xe, kể cả xe khách cỡ lớn. Nếu muốn nâng cao nhu cầu quản lý, lắp thêm 1 mắt camera nữa ở khoang hàng lý cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng”, đại diện một đơn vị cung cấp camera cho biết.

Lắp camera giám sát sẽ hạn chế tình trạng đón trả khách trên cao tốc.

Nhiều nhà xe đã lắp camera góc rộng loại này cho biết, chỉ mất từ 4-6 triệu đồng/xe và lắp được mọi loại xe mà không cần bổ sung thêm mắt camera. Gói này đã gồm simcard và máy chủ năm đầu. Những năm tiếp theo, chỉ phải trả trọn gói khoảng 100.000 đ/tháng để duy trì simcard và máy chủ.

Theo đại diện Tổng cục ĐBNV, việc xây dựng hệ thống giám sát bằng camera đối với hoạt động kinh doanh vận tải nếu được tích hợp với các hoạt động khác, tập trung quản lý về một đầu mối và được chia sẻ cho các cơ quan quản lý Nhà nước cùng khai thác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tránh được lãng phí lớn cho toàn xã hội.

“Thực tế thì việc lắp camera giám sát theo quy định tại Nghị định 10 là rất cần thiết. Nhưng hiện nay có một số đơn vị có tình tìm cách trì hoãn. Thậm chí đưa giá lắp camera lên gấp 2, gấp 3 lần để gây “sức ép” lên cơ quan xử lý”, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết.

Giám sát bằng camera tại các nước trong khu vực ASEAN rất hiệu quả

Trước khi quy định lắp camera giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo Nghị định 10/2020 được ban hành, nhiều tỉnh, thành phố đã lắp đặt camera giám sát giao thông, nhằm nâng cao công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Còn tại các nước trong khu vực ASEAN, camera giám sát rất hiệu quả việc quản lý giao thông, quản lý xã hội qua hệ thống camera giám sát.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Điều tra giải quyết tai nạn, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, hiện nay việc chia sẻ thông tin quản lý vận tải bằng thiết bị công nghệ giữa các cơ quan hữu quan còn hạn chế. Do đó, chúng ta phải có sự kết nối hệ thống để đảm bảo ATGT, không chỉ ngành giao thông, lực lượng công an và các ngành khác.

“Khi xây dựng hệ thống giám sát này sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt hơn xử lý đúng người đúng việc, hạn chế lực lượng ra đường", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo quy định, hình ảnh từ camera giám sát sẽ được truyền về doanh nghiệp, sau đó đưa về Tổng cục ĐBVN quản lý. Vì vậy, để đáp ứng theo quy định thì doanh nghiệp sẽ phải lắp thiết bị hình ảnh, xây dựng đường truyền về Tổng cục ĐBVN.

“Trên cơ sở dữ liệu hình ảnh truyền về chúng tôi sẽ xây dựng các phầm mềm phân tích dữ liệu để quản lý, từ đó sẽ đưa ra cảnh báo trên hệ thống. Lợi ích lớn nhất của việc lắp camera là xác định được ngay các trường hợp lái xe ngủ gật cần phải cảnh báo ngay lập tức", ông Thủy nói.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, văn bản pháp luật không yêu cầu lắp tất cả xe trước 1/7/2021, chỉ phải lắp đặt những xe tham gia giao thông. Vì thế, những xe ngừng hoạt động do nghỉ dịch thì không bắt buộc lắp.

“Nếu doanh nghiệp có 100 xe, giả sử số lượng xe hoạt động là 10% do dịch bệnh, vậy có 10 xe chạy thì doanh nghiệp chỉ phải đầu tư 50 triệu để lắp camera giám sát, chứ không phải đầu tư ngay 100% tất cả các xe. Sau khi dịch ổn định, xe nào chạy thêm thì mới phải lắp thêm xe đó”, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết.

Theo số liệu tháng 5/2021 của Tổng cục thống kê, dịch Covid-19 tác động tiêu cực khiến vận tải hành khách sụt giảm 14.9% so với tháng 4/2021, nhưng lại khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh. Cụ thể, khối lượng vận chuyển hàng hóa liên tục tăng, đạt 103.436 nghìn tấn, tăng 2.9% so với tháng 4/2021 và tăng 5.9% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, một số kiến nghị đã đánh đồng tất cả để xin lùi lắp camera vì lý do khó khăn dịch bệnh COVID-19, trong khi vận tải hàng hóa vẫn phát triển, việc này cũng cần phải tính toán phù hợp để một chủ trương lớn, đảm bảo an toàn giao thông đi vào cuộc sống./.

Phi Long/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận