Hà Nội tiêm miễn phí vaccine Covid-19 cho người dân từ 18 đến 65 tuổi

Hà Nội sẽ tổ chức tiêm miễn phí theo đối tượng ưu tiên và tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế.

 

Ngày 7/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân Hà Nội giai đoạn 2021-2022.

Mục tiêu là 95% đối tượng nguy cơ và người dân Thủ đô được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ vaccine. Để triển khai, Hà Nội sẽ huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các sơ sở y tế trên toàn thành phố, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng.

Ảnh minh họa.

Đối tượng triển khai tiêm chủng gồm, đối tượng 1: (Đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ): Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, bao gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tế, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội, công an.

Tiếp đó là nhân viên, cán bộ ngoại giao làm việc tại Việt Nam và của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước... Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Người sinh sống tại các vùng có dịch. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài. Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.

Đối tượng 2: Người từ 18 đến 65 tuổi không thuộc các nhóm đối tượng nêu trên.

Tiêm cho đối tượng khác (đối tượng 2) sẽ được triển khai trên cơ sở nguồn cung vaccine (nguồn nhập khẩu hoặc nguồn sản xuất trong nước).

Kế hoạch cũng yêu cầu các đơn vị liên quan giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi xảy ra sự cố tai biến nặng sau tiêm chủng thực hiện điều tra, báo cáo, xử lý trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

Theo kế hoạch, Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc tiếp nhận, sử dụng vaccine phòng Covid-19 theo kế hoạch của Bộ Y tế (theo từng đợt phân bổ).

Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn tiếp nhận bảo quản vaccine, tổ chức tiêm tại các cơ sở, giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng và kế hoạch truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, biểu mẫu lập danh sách đối tượng cần tiêm, thu thập ý kiến đối tượng tiêm chủng, biểu mẫu báo cáo, theo dõi tiến độ triển khai kế hoạch sau khi phê duyệt.

Kinh phí tiêm vaccine được lấy từ nguồn trung ương (kinh phí do Bộ Y tế mua vaccine và phân bổ cho thành phố). Kinh phí nguồn ngân sách thành phố gồm: Mua vaccine theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (ngoài phần vaccine do Bộ Y tế phân bổ theo từng giai đoạn); vận chuyển và bảo quản vaccine; hoạt động tập huấn; mua dụng cụ, vật tư tiêm chủng; hoạt động truyền thông, in ấn biểu mẫu, báo cáo; công tiêm, kiểm tra giám sát tiêm chủng.

Ngoài ra còn là nguồn tự nguyện chi trả của tổ chức, cá nhân và nguồn viện trợ, hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận