Trong thời gian nghỉ hè cũng là lúc trẻ em ở nhà tránh dịch, do đó, thời gian trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị công nghệ, xem tivi tăng lên rất nhiều. Nhất là năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên nhà trường công bố lịch nghỉ hè sớm. Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 6 một, trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy không phải học online, em cũng như các bạn của mình có nhiều thời gian truy cập mạng internet, lập nhóm trò chuyện trên mạng xã hội, cùng nhau chia sẻ những trò chơi trên mạng cũng như làm video clip đăng lên Youtube hay tiktok. Do bố mẹ đi làm cả ngày nên trẻ em có nhiều thời gian tham gia không gian mạng mà không phải chịu sự kiểm soát. Linh cho hay: “Con thấy một số video không phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ như có những video nội dung bạo lực động vật hoặc xúc phạm người nổi tiếng. Có những người kể chuyện kinh dị, chèn ảnh máu me vào nhưng con vẫn thích xem. Khi con dùng điện thoại thì con thích to chat với bạn bè, chơi tiktok và khi bị cuốn vào là con quên hết thời gian”.
Theo kết quả khảo sát “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em thực hiện năm ngoái, cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thiết bị kết nối internet. Vào thời điểm trước đại dịch, thời gian trung bình trẻ em sử dụng internet từ 2 - 3h/ngày, tuy nhiên, thời gian này tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 khi các em ở nhà tránh dịch. Trẻ em giỏi sử dụng công nghệ số nhưng các em chưa đủ tư duy để phân biệt đâu là thông tin tốt và đâu là thông tin xấu. Với bản tính tò mò và ham khám phá, trẻ em rất dễ gặp rủi ro trên môi trường mạng. Điển hình các clip nhảm nhí, độc hại trên kênh Thơ Nguyễn hay gần đây là Timmy Tivi. Nhiều chương trình còn xúi giục trẻ thực hiện các thử thách nguy hiểm như treo cổ, thử chơi với hoá chất, trốn trong máy giặt… Nhiều phụ huynh đã bàng hoàng khi phát hiện ra con cháu mình vô tình tiếp cận xem những clip này...
Số liệu thống kê của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, trong 16 năm, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 đã tiếp nhận hơn 4 triệu cuộc gọi trao đổi về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Chỉ riêng trong tháng 5 có khoảng 40 trường hợp gọi đến Tổng đài 111 phản ánh về trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng và có 4 trường hợp được hỗ trợ can thiệp do bị xâm hại trên môi trường mạng. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, những rủi ro trẻ em thường gặp phải trên môi trường mạng, đó là trẻ tiếp cận với quá nhiều thông tin giả trên mạng, bị bắt nạt trên mạng, nguy cơ bị lộ lọt thông tin của trẻ em trên môi trường mạng, bị gạ gẫm về tình dục qua mạng… Bà Nguyễn Thị Nga cho hay: “Từ giữa năm 2020 trở lại đây, khi các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 nhận được những báo cáo, thông báo phản ánh về tình trạng trẻ em đang là nạn nhân của các hình ảnh trên mạng xã hội hoặc có những kênh vi phạm bí mật đời sống riêng tư của các em, khi gọi đến Tổng đài 111, Cục Trẻ em đã kịp thời thông tin, phối hợp với Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã có những giải quyết rất kịp thời”.
Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin cho rằng, trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế xã hội như gia đình, họ hàng, người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên, trên môi trường mạng, hiện còn thiếu các thiết chế để bảo vệ trẻ em. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng đề án với những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết về giải pháp của Bộ trong thời gian tới đối với thực trạng này: “Rất cần thiết phải có một bộ kỹ năng số, hay có thể gọi là hệ miễn dịch số cho trẻ em. Để thực hiện được việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà quan trọng nhất ở đây là Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò nòng cốt. Ngay sau khi chương trình được ban hành, chúng tôi cũng thiết lập thêm mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nơi cũng có thể tiếp nhận phản ánh của xã hội, cá nhân, tổ chức về những vấn đề đang gây bức xúc hoặc nội dung không phù hợp hoặc là những việc mà trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng để từ đó phân loại kịp thời, sớm chuyển đến các cơ quan chức năng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn có được không gian mạng lành mạnh cho trẻ em, trước khi chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì phụ huynh cần chủ động bảo vệ con mình thông qua các biện pháp kỹ thuật, cài app trong máy tính, điện thoại. Đặc biệt, cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian, để đồng hành, làm bạn với con. Cũng cần quan tâm, lắng nghe những mong muốn của con em mình để có giải pháp phù hợp bảo vệ các con trên không gian mạng./.
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 6, được kỳ vọng sẽ tạo ra một “thiết chế” để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo./.
Kim Thanh