Bố mẹ nên làm gì khi bắt gặp con xem 'web đen'?

Không ít phụ huynh hoang mang khi phát hiện con đang truy cập vào những website độc hại với nội dung không phù hợp như kích động bạo lực, xâm hại tình dục…

 

Làm gì để bảo vệ con trên môi trường mạng là vấn đề đau đầu của không ít bậc cha mẹ.

Trước tác động của dịch Covid-19, trẻ em đang phải trải qua mùa hè đặc biệt, không vui chơi ngoài chơi, không tụ tập bạn bè, không du lịch, mà chỉ có thể ở trong nhà. Khi ở nhà nhiều và thiếu sự tương tác trực tiếp, trẻ em có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn so với thời gian trong năm học.

Nguy cơ lừa đảo, xâm hại thật trên môi trường ảo

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), gần đây cơ quan này đã nhận được khá nhiều các thắc mắc, đặc biệt, trong riêng tháng 5 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vẫn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời cũng đã có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Chuyên gia giáo dục kỹ năng số cho rằng, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ vào mạng quá nhiều cũng tiềm ẩn những nguy hại hữu hình như lộ mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên môi trường mạng, nghiện game online, bắt nạt trên mạng xã hội. Nguy hiểm hơn nữa, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục trên mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng như trốn trong máy giặt, treo cổ… khuyến khích tự sát…

“Có rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng mà chúng ta không thể lường trước hay thống kê cụ thể. Việc cần làm của người lớn là tìm ra căn nguyên để phòng ngừa và bảo vệ trẻ. Ngày nay, trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số, các em rất giỏi các kỹ năng số, nhưng lại chưa đủ kinh nghiệm, tư duy phản biện để phân biệt những đúng sai trên mạng, cộng thêm sự tò mò của lứa tuổi, nên trẻ càng dễ bị tổn thương trên mạng và là đối tượng nhắm đến của những kẻ xấu”, bà Linh cho biết.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Chúng tôi ước tính đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức và đạo đức cho người sử dụng và trẻ em trên môi trường mạng. Người sản xuất nội dung phải chú ý nội dung phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Điều trên hết tôi cũng nhấn mạnh, đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ.”

Đồng hành với con để “online chuẩn”

Chuyên gia Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt, mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số.

“Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con”, bà Linh nói.

Tư vấn cho phụ huynh khi bắt gặp con xem chương trình không phù hợp, bà Linh khuyên phụ huynh không nên ngay lập tức nóng giận, phản ứng thái quá, mắng mỏ trẻ hoặc tịch thu thiết bị công nghệ, điều cần thiết là bình tĩnh nói chuyện, hỏi con xem lý do con xem các chương trình không phù hợp, vào nhóm chat kín, cũng như cảm xúc của con khi thực hiện điều này... Phụ huynh hãy cùng con phân tích và hướng dẫn để tự con đưa ra các giải pháp phù hợp, chính con là người giải quyết vấn đề mới có tác dụng lâu dài. Đương nhiên, nếu vấn đề đã nghiêm trọng cần các cơ quan chức năng vào cuộc thì phải báo ngay với các cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ về những rủi ro trên môi trường mạng với trẻ em.

Giải đáp các thắc mắc của phụ huynh về việc không biết học kỹ năng cho cha mẹ thời đại số ở đâu, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: “Trong thời gian đại dịch khó có các lớp học trực tiếp, nhưng cha mẹ thời đại số cũng cần tự trang bị những kiến thức cho mình. Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em hay các page của MSD, Lan toả yêu thương...

Nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7, ngoài ra có ứng dụng 111 cũng có thể tải về, tin nhắn trên Facebook Page của Tổng đài quốc gai 111 hay Zalo 111. Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình”.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều các công cụ và phương pháp cha mẹ có thể cùng đồng hành với con trong kỳ nghỉ hè hữu ích như nói chuyện hỏi han con hàng ngày, cho con thực hiện thử thách tự sử dụng công nghệ tìm hiểu và lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, đặt ra các tình huống chơi trò sắm vai hoặc xử lý tình huống có thể gặp phải trên môi trường mạng, lập 1 hợp đồng an toàn mạng cho cả gia đình... Trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm./.

Nguyễn Trang/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận