Mặc dù Chính phủ đã có chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong đó có phòng chống đuối nước và hàng năm đều có các Chỉ thị tăng cường, đốc thúc các Bộ, ngành, địa phương về công tác này nhưng những vụ đuối nước thương tâm vẫn xảy ra. Vậy làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực tế, làm sao để phòng chống đuối nước trẻ em không còn là câu chuyện phải bàn mỗi khi đến hè về?
Mới đây nhất, ngày 28/5, một nhóm 4 học sinh tiểu học ở thị trấn Hương Khê huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh rủ nhau ra khu vực sông Tiêm tắm, 2 học sinh lớp 3 sẩy chân xuống chỗ nước sâu và bị nước nhấn chìm.
Trước đó, ngày 14/5, 2 em nhỏ ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vào rẫy cà phê chơi và bị ngã xuống suối chết đuối. Cùng ngày, trên địa bàn xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, một nhóm gồm 18 em học sinh lớp 7 rủ nhau ra khu vực biển giáp ranh giữa xã Giao Long và xã Bạch Long tắm biển, trong đó 5 học sinh ra khu vực cống biển số 8 để rửa chân, không may bị ngã xuống biển, 2 em được người dân cứu sống, còn 3 em mất tích dưới biển.
Đây chỉ là một vài vụ đuối nước thương tâm trong số hàng chục vụ đuối nước xảy ra trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua trên phạm vi cả nước. Bà Đoàn Thị Thu Hiền, Giám đốc quốc gia Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu cho biết, nghiên cứu tại 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, 66% trẻ tử vong do đuối nước vào mùa nắng nóng, 16% vào mùa mưa bão. Thời điểm trẻ em bị đuối nước nhiều nhất là vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6:
“Tỷ lệ trẻ sẽ tử vong không nhiều khi mưa bão mà đó là khi trẻ nghỉ hè. Mọi người đi làm thì các em tranh thủ chạy ra ngoài chơi với các bạn và bơi lội và có thể tử vong. Đó là lý do vì sao chúng tôi ngay từ tháng hè, ngay từ thời điểm nghỉ dịch COVID-19, dù trường học chưa có quyết định mở lại, chúng tôi đã phải tuyên truyền. Những nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, chúng ta cần phải tác động mạnh hơn công tác truyền thông và công tác về giáo dục cho trẻ. Truyền thông từ ngay khi kết thúc năm học và kéo dài cho đến tận tháng 9, tháng 10 - thời điểm trẻ quay trở lại trường học”, bà Hiền nói.
Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, địa phương đã có 119 vụ trẻ em bị đuối nước với 130 trẻ em tử vong. Ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An lý giải, hiện toàn tỉnh Nghệ An có hơn 1.000 trường học nhưng chỉ có 25 bể bơi, trong khi tỉnh có nhiều sông suối và đường bờ biển dài. Mùa hè, trời nắng nóng, trẻ em thiếu sự giám sát của cha mẹ thường rủ nhau đi tắm sông, suối và nhiều trẻ chết đuối ở những vùng nước sâu nguy hiểm do không biết bơi hoặc không có kỹ năng sống sót trong môi trường nước.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước, xâm hại trẻ em, hiệu quả có nơi còn hạn chế:
“Lâu nay, chúng ta nói tuyên truyền là quan trọng. Cơ quan nào ngành nào cũng nói “Chúng tôi cũng phối hợp tham gia, cũng tuyên truyền, tiếp tục tích cực đẩy mạnh kiểm tra”, nhưng tôi thấy không có việc gì cụ thể, không đi vào cuộc sống người dân, không đi vào từng đối tượng. Muốn nâng cao nhận thức của người dân thì trước hết phải từ nhận thức của cán bộ, mà muốn có nhận thức của cán bộ thì phải có thái độ, trách nhiệm của tổ chức. Trước hết là phải cấp ủy chính quyền, có yếu tố ràng buộc, phải coi đó là việc của mình thì lúc đó chúng ta mới sáng tạo được, phối hợp được, chủ động được, mới có điều kiện để thực hiện”, ông Dũng nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Hải Long, Phó Chủ tịch Hội đồng đội trung ương, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trước đòi hỏi của thực tiễn, cần tăng cường phối hợp, đưa hoạt động dạy bơi, học bơi vào trong các nhà trường: “Một trong những hạn chế trong công tác tuyên truyền chúng ta nhận thấy thời gian qua, đó là phần lớn các em chưa nắm được kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng bơi. Tôi đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những cơ chế để tạo điều kiện cho tổ chức đội trong nhà trường, đặc biệt là đội ngũ 26.000 giáo viên tổng phụ trách trong nhà trường, để cho các thầy cô trong những giờ sinh hoạt, chào cờ đầu tuần, trong tiết sinh hoạt trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường hay là trong những hoạt động của chi đội, liên đội thì lồng ghép việc tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước. Tôi thiết nghĩ, việc tuyên truyền trực quan trong nhà trường cũng rất quan trọng”.
Với mục tiêu đến năm 2025, 90% trẻ em cả nước sẽ có kỹ năng kiến thức phòng chống tai nạn thương tích, 50% trẻ em biết bơi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với 9 Bộ, ngành, tiếp tục triển khai các chương trình hành động cụ thể, khuyến nghị với các cơ quan cần phải hoàn thiện chính sách và tăng cường giám sát thực hiện, thực thi pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Bà Vũ Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến cáo: “Người lớn phải hướng dẫn cho trẻ các nguy cơ mà có thể dẫn đến đuối nước, để trẻ biết cách phòng tránh và phải thường xuyên rà soát các môi trường trong gia đình cũng như xung quanh nhà mình. Những nguy cơ gì có thể gây đuối nước trẻ em như: các gia đình có các chum, vại, bể nước… Các vị phụ huynh cũng cần tăng cường tìm hiểu để có thể cập nhật các thông tin, kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành đã triển khai, hướng dẫn”.
Để không còn xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nhất là dịp nghỉ hè, việc cần thiết nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở của các bậc cha mẹ với con em mình, giúp các em nhận biết những nguy cơ có thể gây ra tai nạn, chọn bơi lội ở đâu để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên trách trong việc kiểm tra, rà soát, kịp thời cảnh báo và khắc phục ngay các địa điểm, công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, dễ gây tai nạn cho trẻ... không để xảy ra những vụ tai nạn thương tích, đuối nước thương tâm, giúp trẻ em có một mùa hè đúng nghĩa./.
Kim Thanh/VOV1