Có cần thiết gia hạn cách ly y tế hơn 14 ngày?

BN2899 không phải là ca mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện sau khi hết thời gian cách ly 14 ngày.

 

Song theo các chuyên gia, việc thực hiện và giám sát y tế sau cách ly vẫn đảm bảo kiểm soát nhanh khi có dịch.

Bộ Y tế vừa đề nghị các tỉnh, thành phố tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).

Quyết định này được đưa ra do thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với virus SASR-CoV2, làm lây lan dịch. Thời gian bắt đầu thực hiện từ: 00h ngày 4/5/2021.

Trong đó, BN2899 tại Hà Nam đã trở thành “ca siêu lây nhiễm” khi không thực hiện đúng quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly tại địa phương làm lây lan dịch bệnh đến nhiều nơi. Thực tế, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về đảm bảo an toàn trong cả khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Với người cách ly tại nhà đã có quy định chi tiết như: Phải ở phòng riêng, không tiếp xúc với người bên ngoài, đồ ăn uống được mang vào phòng, không tiếp xúc với ai trong vòng 14 ngày…

Phong tỏa thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Đánh giá về ca “ca siêu lây nhiễm” - BN2899, các chuyên gia y tế khẳng định: “Trường hợp này vẫn gặp gỡ, ăn uống, tiếp xúc với người nhà, bạn bè là sai quy định. Chưa kể, việc người trong diện tự cách ly tại nhà khi trở về nhà phải khai báo với địa phương để được quản lý, giám sát. Với chính quyền không giám sát chặt cũng có lỗi vì đã không quản lý người cách ly theo quy định”.

Đây là trường hợp, là bài học cho tất cả mọi người phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp cách ly, nếu không sẽ làm lây lan dịch bệnh, rất nguy hiểm.

Đến nay, Việt Nam hiện đã ghi nhận chủng lây lan nhanh là chủng ở Anh, chủng ở Nam Phi, chủng Ấn Độ. PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không loại trừ ổ dịch xuất hiện tại nước ta lần này liên quan đến chủng lây lan nhanh. Trong đó, Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.

“Cùng với đó, các địa phương phải rà soát lại các khu cách ly. Bài học lây nhiễm trong khu cách ly của Yên Bái gần đây nhất chính là bài học của các địa phương khác trong vấn đề cách ly. Nếu lơ là, không tuân thủ mọi quy trình đã hướng dẫn thì có thể dịch bệnh sẽ lây lan ngay trong chính khu cách ly”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Ông Trần Đắc Phu nêu một số giả thiết về nguồn lây của BN2899 tại Hà Nam, trong đó, bệnh nhân có thể lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh. Bệnh nhân nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính. Bên cạnh đó, có thể nguồn lây từ trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.

“Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 do âm tính giả hay ủ bệnh trên 14 ngày, nhưng số này rất ít. Nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ, đảm bảo an toàn”, ông Phu nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Phu nhấn mạnh việc cần tăng cường lúc này là chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly, xem xét lại năng lực, trình độ của người quản lý, lực lượng phục vụ tại khu cách ly dân sự.

Theo ông Phu, ý thức thực hiện và việc giám sát sau cách ly là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Những trường hợp từ khu cách ly có thể kiểm soát và truy vết nhanh để khoanh vùng dập dịch: “Đây là thời điểm sau dịp nghỉ lễ 30/4-0/5, do đó, vẫn phải cảnh giác các ổ dịch khác, như trường hợp mắc ở Đà Nẵng mất dấu F0”./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận