Kỳ nghỉ lễ 30/4 và mùng 1/5 đã trôi qua không trọn vẹn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều người lo lắng, bất an. Covid-19 không chỉ bủa vây tứ phía mà đã chính thức quay trở lại Việt Nam sau 30 ngày không xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng. Ổ dịch ở Hà Nam hay các ca lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc… đã xuất hiện vào chính thời điểm nhạy cảm nhất: Thời điểm mà hàng triệu, triệu người di chuyển với mục đích thăm thân và tham quan, du lịch. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát rất cao.
4 ngày nghỉ lễ, Thủ tướng 2 lần chủ trì cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ, trong đó chỉ rõ: Diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh quay trở lại chính là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Nếu không xử lý nghiêm minh, sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có thể dẫn đến hậu quả khó lường”.
Sau hai cuộc họp, Chính phủ đã ban hành công điện về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh việc biểu dương một số địa phương kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Thủ tướng cũng chỉ đích danh một số địa phương lơ là trong công tác chống dịch, đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.
“Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên thực tế, dù là kỳ nghỉ lễ nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương đã tiến hành họp khẩn, đưa ra các biện pháp mạnh để khoanh vùng, dập dịch. Một số tổ chức, cá nhân đã bị xử lý. Ngay tại ổ dịch ở Hà Nam, chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính và xem xét xử lý hình sự bệnh nhân 2899, đình chỉ công tác đối với Trạm trưởng Trạm y tế xã Đạo Lý và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân. Còn tại Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái để kiểm điểm trách nhiệm và tiến hành quy trình xử lý kỷ luật theo quy định do có vi phạm khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là việc quản lý khu cách ly tập trung của chuyên gia nước ngoài.
Chừng nào chưa xử lý được trách nhiệm cá nhân thì chừng ấy còn sự lơ là, chủ quan. Bãi biển đầy ắp người với những biện pháp phòng dịch lỏng lẻo, người nhập cảnh trái phép không bị chặn từ biên giới, chứa chấp và dung túng cho những người nước ngoài cư trú trái phép không bị phát hiện… Trách nhiệm ấy phải được "chỉ mặt, đặt tên" để không thể tái diễn.
Chúng ta không thiếu các quy định về phòng, chống dịch. Cái thiếu ở đây chính là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, là sự nhập nhằng giữa trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể. Bởi vậy, để đối phó với dịch bệnh quay trở lại lần này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó là sự phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tròn một năm trước, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và mùng 1/5, người dân háo hức được trở lại với cuộc sống thường nhật sau một thời gian dài giãn cách. Người lớn được trở lại công sở, nhà máy, học sinh lại được cắp sách đến trường… vì dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Còn nay, sau kỳ nghỉ lễ, một số địa phương lại thực hiện giãn cách, học sinh tạm dừng đến trường để học online.
3 lần xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, chúng ta với tinh thần quyết tâm cao độ đã khiến dịch bệnh phải lùi bước. Tại thời điểm này, dù đã chuẩn bị kịch bản cho đợt dịch thứ tư, đã lường trước nếu xuất hiện 30.000 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng…. nhưng ai cũng hy vọng, kịch bản đó sẽ không xuất hiện.
Chúng ta đang bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng trên bước đường phát triển. Các tổ chức tài chính quốc tế cũng đưa ra những dự báo lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng từ 6-7% trong năm nay và năm sau. Đặc biệt, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm nay có tổ chức thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Triển vọng tốt đẹp đó đang đợi chúng ta ở phía trước. Tất cả phụ thuộc vào sự quyết tâm, nỗ lực của cả cộng đồng, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp./.
Theo VOV.VN