Từ chối phục vụ nếu hành khách không tuân thủ chống dịch
Sáng 29/4, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải tại các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội trước dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Sau khi thị sát công tác phục vụ vận tải, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời gian qua, thông tin bùng phát dịch tại một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ đã tạo tâm lý phòng dịch thận trọng hơn với người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong bối cảnh lượng hành khách đến bến xe tăng cao khi dịp nghỉ lễ cận kề, ban quản lý các bến xe tuyệt đối không được lơ là, liên tục quán triệt lái xe, phụ xe phải nhắc nhở hành khách đeo khẩu trang đúng cách, dùng nước sát khuẩn khi lên xe. Phải coi nhân viên nhà xe là đối tượng số 1 quán triệt công tác phòng, chống, dịch bệnh. Tiếp đến là yêu cầu quán ăn tuân thủ quy định về giãn cách, giữ vệ sinh đồ dùng, sát khuẩn khu vực bán hàng.
“Cán bộ, nhân viên các bến cũng phải nâng cao trách nhiệm phòng dịch. Chỉ cần một người nghi nhiễm là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đi lại của nhân dân, gây thiệt hại KT-XH nặng nề khi phải đóng bến. Các bến xe cũng phải bố trí lực lượng hướng dẫn người dân khai báo y tế thông qua ứng dụng trên điện thoại, thu thập những dữ liệu cơ bản về thông tin hành khách, biển số xe, phải hình thành thói quen khai báo minh bạch cho người dân để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trên các chuyến đi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đối với các phương tiện công cộng vận chuyển hành khách đến bến xe như: xe buýt, taxi, đặc biệt là “taxi công nghệ”, ông Hùng đề nghị Sở GTVT Hà Nội yêu cầu đến các đơn vị vận hành ứng dụng vận tải gửi thông điệp chống dịch ngay khi hành khách thực hiện thao tác đặt xe để nâng cao hiệu quả truyền thông.
Về phía hành khách, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia khuyến cáo người dân phải kiên trì thực hiện quy định khai báo y tế ngay cả khi lượng khách đến bến tăng cao. “Đặc biệt, người dân cần vào bến đi xe để đảm bảo quyền lợi về giá vé, tránh trường hợp bị “chặt chém”, bán khách. Quá trình đón xe, nếu thấy phương tiện nào không còn chỗ ngồi thì tuyệt đối không lên để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và nguy cơ tai nạn do quá tải hành khách”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đánh giá, công tác triển khai phòng dịch và tổ chức hoạt động vận tải đang được các bến xe triển khai tương đối tốt.
Tuy nhiên, quá trình kiểm tra vẫn có tình trạng hành khách đeo khẩu trang không đúng quy định; Hành khách nhiều người có khẩu trang quá cũ.
Ngoài ra, công tác khai báo y tế điện tử đối với hành khách đi lại bằng phương tiện vận tải khách đường bộ còn yếu. Nguyên nhân một phần do khả năng sử dụng điện thoại thông minh của một bộ phận người dân còn hạn chế.
“Trước thực trạng đó, ban quản lý các bến phải yêu cầu nhà xe luôn sẵn sàng trang bị khẩu trang cho hành khách, đảm bảo 100% chuyến đi có danh sách hành khách khai báo; Cử lực lượng hướng dẫn người dân đẩy mạnh khai báo y tế điện tử, tối ư trong việc tổng hợp dữ liệu, hỗ trợ Bộ GTVT trong việc phối hợp truy vết các đối tượng nghi nhiễm.
Các bến xe cũng phải kiên quyết từ chối trường hợp hành khách cố tình không tuân thủ quy định phòng dịch khi vào bến.
Ngoài ra, quá trình kiểm tra thân nhiệt tại bến xe nêu phát hiện một người có thân nhiệt cao hoặc dấu hiệu bất thường thì phải liên hệ ngay với cơ quan y tế để kịp thời cách ly, xét nghiệm”, bà Hiền yêu cầu.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Tổng cục Đường bộ VN cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác khai báo y tế và trực tiếp khuyến cáo nhân viên nhà xe, hướng dẫn hành khách các kỹ năng phòng dịch khi lên xe trên một số chuyến xe chuẩn bị xuất bến. Đồng thời, nhắc nhở các chủ quán ăn trong nội khu bến xe các biện pháp phòng, chống dịch an toàn.
Lượng khách có thể tăng tới 250% vào ngày cao điểm
Trước đó, báo cáo về công tác tổ chức vận tải phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, theo dự báo, lưu lượng hành khách đến các bến xe trọng điểm của Hà Nội sẽ bắt đầu tăng cao từ ngày 29/4 đến hết ngày 30/4.
“Trong đó, tại BX Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong ngày cao điểm sẽ tăng từ 200 - 250% so với ngày thường. Lượt xe dự kiến là hơn 1.000 lượt, tăng khoảng 130%. Khách tập trung chủ yếu trên các tuyến: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng hơn 120% so với ngày thường với lượt xe dự kiến 1.050 lượt, tăng khoảng 130% chủ yếu trên các tuyến: Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái.
Tại BX Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm dự báo tăng khoảng 200% so với ngày thường với lượt xe dự kiến là 700 lượt, tăng 120%, chủ yếu tập trung ở các tuyến: Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh”, ông Toàn thông tin.
Cũng theo ông Toàn, hiện, Công ty CP Bến xe Hà Nội đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội cấp 400 phù hiệu xe tăng cường để đảm bảo thuận tiện cho việc giải tỏa hành khách.
Đối với bến xe Nước Ngầm, ông Trịnh Hoài Lam, PGĐ bến xe Nước Ngầm cho biết, trong buổi sáng nay, lượng hành khách đổ về bến này đã tăng khoảng 20% so với ngày thường. BX Nước Ngầm cũng đã dự phòng 100 lượt xe tăng cường, đảm bảo kịp thời giải tỏa lượng khách tăng đột biến vào thời gian cao điểm.
Ông Đào Việt Long, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về phòng dịch Covid-19, Sở GTVT Hà Nội đã bố trí 7 tổ công tác thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh tại các bến xe trên địa bàn. Đồng thời, bố trí 62 điểm trực chốt trên khắp các tuyến đường cửa ngõ để kiểm soát, phân luồng, đảm bảo trật tự ATGT trong dịp nghỉ lễ.
“Quá trình triển khai hoạt động vận tải, các nhà xe phải đặc biệt chú trọng công tác phòng chống cháy nổ. Chỉ được tiếp nhận vận chuyển xe máy khi đảm bảo trong bình nhiên liệu không còn xăng”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh./.
Theo Phi Long/VOV.VN