Siết chặt các biện pháp phòng dịch dịp nghỉ lễ, không để dịch COVID-19 bùng phát trở

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch thì nguy cơ dịch bùng phát rất cao.

 

Ông Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã qua 1 tháng không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, cho thấy công tác chống dịch của chúng ta rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay người dân cũng bắt đầu có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang khi ra đường, không giữ khoảng cách hoặc đến những nơi đông người. Chuyên gia cho rằng, những yếu tố này dễ dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Ông Nguyễn Huy Nga cũng cảnh báo, nếu người dân chủ quan, lơ là, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Tại khu vực công cộng như nhà ga, bến xe, sân bay, người dân không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì nguy cơ dịch bùng phát rất cao.

Tăng cường kiểm soát tại các bệnh viện, cơ sở y tế

ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay tỷ lệ người bệnh không có triệu chứng lâm sàng rất cao, chiếm gần 80%. Vì vậy, các cơ sở y tế cần hết sức cảnh giác, đặc biệt trong thời gian này, tình hình dịch trên thế giới và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, càng không được chủ quan.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, trong bối cảnh một số quốc gia lân cận, các nước láng giềng đang bùng phát dịch, việc có ca bệnh lọt vào cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện được thì vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, việc chủ động tích cực chống dịch là hết sức quan trọng. Trong đó, vai trò của các cơ sở khám chữa bệnh phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ để có thể phát hiện ngay, cách ly ngay và điều tra các trường hợp tiếp xúc. Các cơ sở khám chữa bệnh có thể chủ động trong việc phát hiện sớm các ca nghi ngờ để có thể cách ly, điều tra các trường hợp tiếp xúc.

“Qua kinh nghiệm của 3 đợt dịch vừa rồi đều cho thấy các ca bệnh thường phát hiện đầu tiên ở cơ sở y tế, từ đó chúng ta mới điều tra được các ca tiếp xúc. Vì vậy các cơ sở y tế cần phải chủ động hơn”- ông Khoa cho biết.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian không có dịch vẫn phải kiện toàn, rà soát các kịch bản và ứng phó về cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, để khi có tình huống xảy ra thì hoàn toàn có thể chủ động và không bị lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, rà soát lại các nguồn lực, hậu cần, các trang thiết bị, xét nghiệm. Đồng thời đề nghị các địa phương tổ chức tập huấn, đào tạo các bác sĩ, nhân viên y tế ở các chuyên khoa khác nhau được đào tạo ngắn hạn về hồi sức cấp cứu để đáp ứng được trong vấn đề điều trị COVID khi có dịch xảy ra.

“Kinh nghiệm từ Đà Nẵng, Hải Dương là rất quý giá, vì vậy các địa phương cần học tập từ 2 tỉnh, thành phố này để có thể đáp ứng, chủ động triển khai khi có tình huống dịch xảy ra ở địa phương mình. Nguy cơ dịch rất cao, chúng ta cần sẵn sàng ứng phó, nhất là trong dịp tới 30/4, 1/5 được nghỉ lễ dài thì sự giao lưu đi lại rất lớn từ các địa phương thì nguy cơ dịch rất cao. Chúng tôi đề nghị các địa phương tích cực chủ động hơn”, ông Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ.

(Ảnh minh họa)

Thực hiện triệt để 5K của Bộ Y tế

Trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 chưa được bao phủ thì người dân không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác. Người dân cần thực hiện triệt để 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó, 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Người thuộc nhóm được tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên tiêm đầy đủ các mũi.

Các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh trái phép.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương. Bởi người nhập cảnh trái phép mắc COVID-19 không được phát hiện kịp thời, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Điều này hết sức nguy hiểm.

"Chúng ta càng phát hiện sớm bao nhiêu thì càng kiểm soát dịch nhanh chóng dịch bấy nhiêu. Đồng thời cũng phải chuẩn bị các kịch bản xấu như dịch lây lan ra cộng đồng trong thời gian rất ngắn để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bị động", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.

Minh Khánh/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận