Sáng 16/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19” với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 năm 2021 là hết sức khó khăn với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn với ngành y tế của nước ta.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã trải qua 3 mùa dịch, trong đó đợt dịch gần đây nhất là ở Hải Dương. Bộ Y tế đánh giá cao sự nỗ lực của các ban ngành, địa phươmg trong việc triển khai phòng chống dịch. Nhờ có các biện pháp quyết liệt, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch. Đến nay, đã 21 ngày nước ta không có ca nhiễm trong cộng đồng, các hoạt động gần như trở lại bình thường. Đây là nỗ lực lớn của các địa phương, đặc biệt là những vùng có dịch.
Đúc kết nhiều bài học, kinh nghiệm chống dịch
PGS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, các đợt dịch vừa qua đã giúp Việt Nam đúc kết được một số kinh nghiệm, bài học trong phòng chống dịch.
Theo Bộ trưởng, đối với Hải Dương vừa qua, kinh nghiệm quý báu là cách ly và cách ly tập trung thay vì lúng túng. “Việc chuẩn bị cho cách ly và cách ly tập trung là hết sức quan trọng, chỉ có cách ly tập trung mới ngăn chặn được mầm bệnh lây nhiễm cho cộng đồng. Bài học đắt giá của chúng ta là cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Đà Nẵng, Hải Dương và nhiều địa phương khác triển khai rất quyết liệt vấn đề này. Nếu cách ly các trường hợp tiếp xúc gần tại nhà thì việc ngăn chặn nguy cơ là rất khó khăn”.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, trong đợt dịch vừa qua, chúng ta đã tiến hành khoanh vùng diện rộng, xét nghiệm diện rộng nhưng phong tỏa diện hẹp. Nhưng trong tình huống cụ thể, chúng ta không ngần ngại phong tỏa, như tình hình ở Chí Linh. “Việc phong tỏa rất nhanh Chí Linh đã giúp chúng ta kiểm soát tốt tình hình dịch ở Chí Linh” - ông Long cho biết.
Bên cạnh đó, chúng ta triển khai quyết liệt vấn đề truy vết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời điểm đầu của dịch chỉ có một số trường hợp nên việc truy vết dễ dàng, nhưng khi nhiều trường hợp, khả năng truy vết cũng khó khăn hơn. Tỉnh Hải Dương đã giao lực lượng công an thực hiện truy vết. Bộ Y tế cho biết, đây là kinh nghiệm quý báu và nhiều địa phương đã áp dụng. Được biết, thời gian tới, Bộ Y tế trao đổi với Bộ Công an tập huấn cho lực lượng công an trong việc triển khai truy vết tại tất cả các tình thành, vì vậy nếu xảy ra dịch, lực lượng y tế, công an, tổ covid dựa vào cộng đồng sẽ phát huy hiệu quả.
Bài học về xét nghiệm cũng được lãnh đạo Bộ Y tế đề cập đến và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đối với các địa phương khi xảy ra dịch bao giờ cũng lúng túng. Vì vậy, một trong những yêu cầu của chúng ta là cần phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian ngắn, làm càng nhanh khống chế xét nghiệm càng sớm. Đối với các địa phương có dịch, khi xét nghiệm là phải xét nghiệm trên diện rộng.
Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian qua, các địa phương có bệnh nhân tăng nhanh, biện pháp sử dụng các cơ sở y tế sẵn có, cơ sở vật chất sẵn có để thiết lập bệnh viện dã chiến để đảm bảo khám, chữa bệnh ở các khu vực khác không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, điều quan trọng là tập trung lực lượng điều trị. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, kinh nghiệm quý báu với các địa phương khi có dịch xảy ra trong phương án của mình đều phải tính tới bệnh viện dã chiến thì mới yên tâm.
Không thể chủ quan, lơ là
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định hiện nay, tình hình dịch tại các nước láng giềng, trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong khi chúng ta vẫn phải tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân về nước thì nguy cơ dịch xảy ra ở Việt Nam là rất lớn. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan, lơ là.
“Kiểm soát dịch năm 2021 là thách thức, khó khăn mà chúng ta cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa” - ông Long nêu rõ.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tới đây, Bộ sẽ thành lập các đoàn công tác đi vào những khu vực này, đồng thời tăng cường chỉ đạo các khu vực này, trong đó có lực lượng biên phòng chỉ đạo giữ thật vững, chắc khu vực biên giới.
Việc ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, thực hiện cách ly đảm bảo là đóng góp quan trọng trong vấn đề kiểm soát dịch thời gian tới. Nếu chúng ta chỉ buông lỏng, lơ là, để xảy ra trường hợp nhập cảnh lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là biến chủng của Anh, Nam Phi thì việc kiểm soát tại cộng đồng là khó khăn.
“Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt là đối với các tỉnh có biên giới với Campuchia hết sức lưu ý, cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tăng cường kiểm soát đường biên giới. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tăng cường các lực lượng lên các chốt biên giới. Đề nghị các địa phương khi có người nhập cảnh về báo ngay cho địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện cách ly ngay các trường hợp này và xử lý nghiêm trường hợp nhập cảnh trái phép”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Đồng thời, tăng cường tầm soát để phát hiện các ca nhiễm. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương lên kế hoạch xét nghiệm những khu vực, đối tượng có nguy cơ. Đồng thời thực hiện nghiêm việc cập nhật bản đồ an toàn COVID-19 từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, giáo dục, sở y tế các địa phương (đặc biệt là các phòng khám, phòng khám tư nhân). Bộ Y tế cho biết, các phòng khám nào không thực hiện thì sẽ xử lý và thực hiện đình chỉ ngay lập tức./.
Theo VOV.VN