Nhưng sung sướng chẳng thấy, chỉ thấy những chuỗi ngày chịu cảnh đói khát, bị đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người.
Vượt biên và những chuyện đau lòng chưa có hồi kết
Anh Chảo Láo Sử, dân tộc Dao, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là một trong những nạn nhân của vụ lật xe tại huyện biên giới Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) cách đây hơn 3 năm, khiến 21 lao động làm thuê là người Việt thương vong. Nghĩ lại thời khắc xe lật xuống vực, anh Sử vẫn còn bàng hoàng, sợ hãi. Khi đó, anh vừa hoàn thành chương trình đại học, nghe mọi người rủ qua biên giới vác chuối thuê sẽ kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng, tiền chưa thấy đâu thì đã gặp nạn, mất cánh tay phải, giờ chỉ ở nhà chăn nuôi, tấm bằng Đại học Thủy lợi đành cất trong tủ.
Cuộc sống khó khăn, người lao động tìm cách vượt biên mong được đổi đời
Chồng mất chưa lâu, người con trai duy nhất cũng vừa bỏ mạng nơi xứ người, bà Trần Thị Chinh, xã Tuy Lộc, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái gần như đã cạn kiệt nước mắt. Ân hận, day dứt, giờ bà chỉ mong thời gian quay trở lại để bà kiên quyết ngăn cản không cho con mình vượt biên trái phép ra nước ngoài lao động.
Nằm bất động trên giường bệnh tại Khoa Ngoại - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, anh Khoàng Văn Khu ở bản Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu kể: Tối hôm vượt biên, nhóm lao động người Việt được một người đàn ông Trung Quốc sang dẫn qua đường mòn hơn 4 tiếng đồng hồ. Điểm dừng chân là một dãy nhà lán nằm bên vệ sông. Công việc hằng ngày của họ là bốc vác hàng từ tàu lên ô tô. Buổi sán, người quản lý ở đó gọi mọi người dậy ăn cơm để đi làm rồi phát cho mỗi người một tép hê – rô - in. Sau 2 ngày hãi hùng và không chịu được công việc nặng nhọc, lợi dụng buổi sáng sớm đi vệ sinh, anh cùng một người khác bỏ trốn và bị nhóm quản lý ở đó truy đuổi. Dù bị rơi từ trên vực xuống, mất máu nhiều, nhưng anh vẫn bơi được qua sông về Việt Nam và được người dân giúp đỡ nên thoát nạn.
Bố mẹ tìm cách vượt biên trái phép, khổ nhất là những đứa trẻ
Lỗ hổng ở các đường tiểu ngạch
Cách thức để người dân vượt biên sang Trung Quốc dễ dàng nhất, không phải đi qua các cửa khẩu, lối mở thông thương chính thống của địa bàn, mà chủ yếu đi qua các đường tiểu ngạch, hoặc thông qua gia đình bạn bè tại các địa bàn giáp biên của Lào Cai, Hà Giang với lý do thăm thân. Điều này khiến các cơ quan chức năng của Trung Quốc và Việt Nam rất khó quản lý.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 6.000 trường hợp qua Trung Quốc làm thuê. Các lao động này đều vượt biên trái phép vì không muốn bị gò bó bởi thủ tục, vị trí xuất cảnh hay những quy định về thời gian. Đại tá Nguyễn Văn Thái, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, do đặc thù đường biên giới dài gần 200km với nhiều lối mòn, lối mở, có nơi biên giới chỉ phân định bằng con suối hoặc đoạn sông cạn, nên nhiều người lợi dụng lực lượng chức năng sơ hở là trốn đi.
Dọc tuyến biên giới hơn 265km giữa tỉnh Lai Châu với Trung Quốc có hàng trăm lối mở, đường mòn. Chỉ cần một vài bước chân là người dân địa phương đã có mặt ở bên kia biên giới. Dòng suối Nậm Cáy, xã Ma Ly Pho, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là một trong những con đường như vậy. Nhiều năm nay, dù lực lượng của Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, để sớm phát hiện, ngăn chặn, nhưng tình trạng người dân vượt biên qua đây vẫn diễn ra. Để đi sang bên kia biên giới, người lao động chui phải kết nối được với người quen đang có mặt tại nước bạn, nếu không, họ đành phải nghe theo các đối tượng xấu, và việc bị lợi dụng là không thể tránh khỏi.
Nếu có công ăn, việc làm ổn định tại quê nhà, người lao động sẽ không còn tìm cách vượt biên
Đối tượng Triệu Đức Cường, sinh năm 1979, trú tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ về hành vi “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, Triệu Đức Cường đã 3 lần móc nối với một đối tượng đang làm ăn ở Trung Quốc để tổ chức đưa 40 công dân ở các xã Phù Nham, Thanh Lương, huyện Văn Chấn vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Sau một thời gian, do bị chủ lao động Trung Quốc quỵt tiền lương, nên một số người đã trở về tố cáo hành vi của đối tượng này.
Thượng tá Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lí xuất nhập cảnh tại địa phương. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chí để tuyên truyền pháp luật đến người dân, để họ nâng cao nhận thức, cảnh giác với các hoạt động môi giới, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài”.
Giải pháp nào ngăn chặn vượt biên?
Ông Khoàng Văn Quán, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên khẳng định: Qua khảo sát thực tế, nhu cầu của các hộ dân từng vượt biên đi lao động trái phép ở nước ngoài về thì phần lớn cho rằng tại địa phương chưa thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đường giao thông đi lại khó khăn khiến sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra không tìm được đầu ra, không có thu nhập khiến người dân chán nản, muốn ra nước ngoài lao động.
Trước thực trạng này, tỉnh Điện Biên cũng xác định việc đồng bào xuất cảnh sang các nước lao động nếu hợp pháp thì cũng rất tốt, vì giải quyết được việc làm, tăng thêm thu nhập và cũng giải quyết một phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Do đó, tỉnh cũng đang có ý kiến với các bộ, ngành, Chính phủ xem xét ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa Điện Biên với các tỉnh của Trung Quốc và Lào. Từ đó đảm bảo tối đa quyền lợi cho công dân.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị: “Để đảm bảo quyền lợi cũng như việc tổ chức cho công dân Việt Nam đi xuất cảnh lao động ở Trung Quốc và Lào được hiệu quả, đảm bảo quyền của công dân, chúng tôi đề nghị Chính phủ sẽ ký kết một hiệp định với Trung Quốc và một hiệp định với Lào để chúng ta chính thức hóa, pháp lý hóa việc người lao động của Điện Biên và các tỉnh khác sang Trung Quốc và Lào lao động một cách hợp pháp”.
Ông Đinh Quang Phửa, Phó Trưởng phòng An ninh đối nội Công an tỉnh Sơn La cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là tạo việc làm ổn định cho người dân tại quê hương.
Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai khẳng định, tìm kiếm việc làm có thu nhập cao là nhu cầu chính đáng của người lao động nên việc nhiều người dân sang Trung Quốc làm thuê cũng là xu hướng tất yếu bởi thu nhập hấp dẫn hơn ở quê nhà. Để tạo điều kiện cho người dân, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, tỉnh Lào Cai đã triển khai thí điểm cho hơn 300 lao động của tỉnh sang làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học - Kỹ thuật Huệ Hồng ở Hà Khẩu, bước đầu đã có kết quả khả quan. Cùng với việc tạo điều kiện cho người dân qua biên giới đi làm, tỉnh Lào Cai cũng tăng cường thực hiện chính sách đào tạo nghề, chú trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động tại địa bàn khó khăn; tiếp tục tìm kiếm, phát huy các nguồn lực tại địa phương để giữ chân ở lại làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương.
Giữ chân người lao động vùng cao miền núi ở lại quê hương trong bối cảnh cuộc sống vất vả khó khăn là bài toán không dễ. Nhưng sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều nếu các địa phương tìm ra được hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho từng bản làng, từng gia cảnh. Cơm đủ no, áo đủ mặc, cuộc sống ngày một sung túc hơn thì không ai nỡ rời bỏ bản làng./.
6 tháng đầu năm nay, số lao động vượt biên trái phép mà lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả cao gấp nhiều lần so với vùng kỳ năm trước, với gần 100 trường hợp. |