Phóng viên VOV.VN trao đổi với PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng Khoa Du lịch & Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) về những lợi ích, rủi ro và cách thức để du lịch Việt Nam có thể hưởng lợi từ mô hình này.
"Chữa chạy" sớm để tăng cơ hội sống sót
"Hộ chiếu vaccine" đang được nhiều quốc gia ủng hộ và sốt sắng triển khai. Theo ông chính sách này có thể mang lại lợi ích gì?
Trước hết tôi đánh giá cao ý tưởng này, tạm gọi là "hộ chiếu vaccine" vì đây mới là một sáng kiến và mỗi quốc gia lại có một cách triển khai khác nhau chứ chưa thống nhất như hệ thống hộ chiếu hiện hành. Theo tôi ý tưởng này giống như một “liều thuốc” có thể giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến.
Hiện nay, hoạt động du lịch quốc tế gần như "đóng băng" hoàn toàn nên bất kỳ động tác giúp “đánh tan băng” đều nên được quan tâm, nghiên cứu. Đây là một vấn đề vô cùng cấp thiết. Nếu chờ đến lúc hết dịch mới áp dụng các biện pháp cứu trợ thì khi đó nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ. Càng tháo gỡ sớm, cứu chữa sớm thì cơ hội để doanh nghiệp sống sót và phục hồi ngày càng lớn. “Hộ chiếu vaccine” không chỉ giúp khôi phục kinh tế trước mắt mà còn tạo đà cho những năm sau này.
“Hộ chiếu vaccine” cũng sẽ là liều thuốc hữu hiệu để Covid-19 không để lại nhiều “di chứng” cho du lịch bền vững. Có thể nhiều năm sau du lịch cũng sẽ tăng trưởng lại, tuy nhiên sẽ có nhiều nơi sẽ không thể phục hồi lại nữa, do tài nguyên du lịch đã bị biến dạng hoặc phục vụ mục đích khác. Ví dụ những khu du lịch cộng đồng, thiên nhiên nếu thiệt hại quá lâu thì người dân, doanh nghiệp không làm du lịch nữa mà chuyển sang mô hình khác.
Ở góc độ hình ảnh điểm đến, khi nhiều nước khác đang lao đao vì dịch bệnh, thì Việt Nam - một quốc gia kiểm soát dịch thành công nên tranh thủ cơ hội để quảng bá. Nhiều nước đang dùng thành tích chống dịch để quảng cáo, thu hút khách du lịch và chính sách “hộ chiếu vaccine” cũng là một công cụ tốt. Việc Thái Lan nhiều lần tuyên bố mở cửa và có bước đi, lộ trình đã khiến dư luận quốc tế quan tâm hơn, mặc dù họ cũng chưa triển khai cụ thể.
Khi các nước khác mở cửa đồng loạt, du lịch Việt Nam không những phải mở cửa mà còn phải cạnh tranh. Vậy nên cần mở cửa sớm, trước những đối thủ khác. Mở cửa chậm tức là ngành du lịch trong nước phải “chịu đau” lâu hơn, thậm chí mất cơ hội vì nhiều du khách sẽ quen với hình ảnh của các điểm đến khác thay vì Việt Nam.
Không ít người hoài nghi và lo ngại rủi ro áp dụng "hộ chiếu vaccine" để đón khách quốc tế. Theo ông chính sách này ẩn chứa những nguy cơ gì?
“Hộ chiếu vaccine” vẫn đang được cân nhắc và có nhiều ý kiến trái chiều. Có thể thấy nguy cơ đầu tiên khi áp dụng chính sách này là rủi ro về y tế và sức khỏe cộng đồng. Nhiều quốc gia vẫn lo ngại về hiệu quả vaccine, khả năng lây lan, tác dụng của những loại thuốc khác nhau hoặc nguy cơ làm giả chứng nhận tiêm vaccine, làm giả thuốc…
Rủi ro tiếp theo khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” là nếu dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần so với việc không áp dụng. Khi đó ngành du lịch lại tụt lùi thêm, thay vì chỉ dậm chân tại chỗ như hiện nay. Ở góc độ thương hiệu điểm đến cũng sẽ tổn hại nghiêm trọng, từ hình ảnh điểm đến an toàn chuyển thành một điểm đến nóng vội, mất kiểm soát.
Vậy theo ông làm thế nào “hộ chiếu vaccine” có thể được triển khai một cách hiệu quả?
Sự thành công của “hộ chiếu vaccine” phụ thuộc vào hiệu quả hợp tác ở cả quy mô quốc tế và quốc gia. Quy mô quốc tế là hợp tác giữa thị trường gửi khách, nước nhận khách, các doanh nghiệp du lịch, hàng không… Quy mô quốc gia là giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương. Bài toán hợp tác rất quan trọng để phòng ngừa và khắc phục nhưng rủi ro có thể xảy ra.
“Hộ chiếu vaccine” có thể phát huy tốt hơn khi kết hợp với mô hình “bong bóng du lịch” hay “hành lang du lịch” mà một số nước đang thí điểm hiện nay. Đây là hình thức cho phép du khách đi lại giữa hai nước, trong một khuôn khổ, giới hạn nhất định, để nếu có xảy ra rủi ro thì cũng chỉ trong phạm vi này.
Để một quốc gia có thể áp dụng “hộ chiếu vaccine” thì ngành y tế đóng vai trò quan trọng nhất, vì đây là cơ quan hiểu rõ nhất về khả năng chịu đựng, kiểm soát rủi ro, cũng là ngành đưa ra khuyến cáo và giải pháp để mở của du lịch. Về phía ngành du lịch, vì đây là vấn đề cấp thiết nên phải tham gia nghiên cứu, tham mưu và là những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất để thúc đẩy quá trình triển khai nhanh chóng hơn.
Cần "phác đồ" tổng thể, lâu dài
Nhiều quốc gia đang "chạy đua" để triển khai "hộ chiếu vaccine" và đón khách quốc tế ngay dịp hè này, như các nước châu Âu hoặc Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực. Theo ông, ngành du lịch Việt Nam nên có động thái gì trong bối cảnh này?
Khi các nước triển khai “hộ chiếu vaccine” thì Việt Nam không nên ngồi im mà cần phải nghiên cứu, tính toán một kế hoạch tổng thế. Đương nhiên chúng ta không làm bằng mọi giá. Ở đây là bài toán lựa chọn, có làm thì tới mức nào mà không làm thì tới khi nào. Chúng ta đặt ra yếu tố lợi ích và chi phí để cân nhắc.
Chi phí tức là kinh phí khắc phục những rủi ro khi dịch bệnh bùng phát. Mở cửa càng mạnh thì chi phí càng lớn vì khi đó phải dập dịch còn kinh tế bị “đóng băng”; uy tín và hình ảnh bị thiệt hại thì cũng cần chi phí nhiều hơn để xây dựng lại.
Lợi ích ở đây là hoạt động lữ hành quốc tế sẽ được hồi sinh ở các mức độ khác nhau. Khi các doanh nghiệp được tiếp sức thì ngành du lịch nhanh chóng được phục hồi. Một lợi ích khác là về hình ảnh điểm đến. Có thể Việt Nam chưa áp dụng ngay nhưng nên nêu ra vấn đề, cho thấy sự định hướng, sự quan tâm để các đối tác và du khách thấy chúng ta nghiêm túc và có kế hoạch chứ không nóng vội theo phong trào. Còn nếu chúng ta từ chối “hộ chiếu vaccine” thì sự quan tâm của thị trường quốc tế cũng ngay lập tức chuyển hướng.
Rõ ràng chưa thể có cách giải quyết hoàn toàn dịch Covid-19 trong tương lai gần, vậy nên ngành du lịch chỉ hi vọng được tháo gỡ từng phần. Gỡ được phần nào thì cơ hội sẽ lớn hơn, khả năng phục hồi nhanh hơn trong tương lai. Dù thế nào thì “hộ chiếu vaccine” cũng sẽ có lợi cho ngành du lịch, tùy theo mức độ triển khai tới đâu. Nếu cân bằng được lợi ích và chi phí thì chúng ta sẽ thực hiện được.
“Hộ chiếu vaccine” mới chỉ là công cụ để đón khách tới, ngành du lịch còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết như nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức, nhân lực đã mai một và cần có độ trễ để phục hồi. Vậy du lịch Việt Nam cần chuẩn bị thế nào trước khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” và đón khách quốc tế trở lại?
“Hộ chiếu vaccine” sẽ cần một hệ thống để vận hành, và hệ thống này cần nhiều thời gian để hoạt động tốt trên quy mô lớn. Chính vì vậy nếu không sớm thí điểm thì sẽ rất lâu nữa mới có thể hoạt động được. Các nước khác cũng sẽ triển khai từng bước và theo hình thức linh hoạt, qua thời gian sẽ tiếp tục điều chỉnh và bổ sung. Ví dụ người có “hộ chiếu vaccine” có thể điều chỉnh mức độ cách ly 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày tùy theo từng quốc gia, theo tình hình dịch bệnh hiện tại. Nhà nước nên có định hướng trước, sau đó thử nghiệm dần để tính toán và điều chỉnh. Với chủ trương chung là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì rõ ràng du lịch – một ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ phải thực hiện theo.
Trước mắt, ngành du lịch cần phải tồn tại và duy trì thông qua việc thúc đẩy du lịch nội địa. Các doanh nghiệp du lịch cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn, còn không sẽ không chịu nổi sức ép.
Sau đó chúng ta dần mở cửa đón khách quốc tế, với các kịch bản ngắn hạn như 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng… và cách ứng phó với tình hình, diễn biến khác nhau của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh diễn biến khả quan thì tiếp tục triển khai, còn không thì lại áp dụng ở mức độ khác. Theo tôi, cách áp dụng thí điểm đón khách quốc tế tại một khu vực nhất định là một cách làm khôn ngoan. Chúng ta phải có khách quốc tế đã, rồi sẽ điều chỉnh dần theo thực tế.
Ngoài ra chính sách “hộ chiếu vaccine” cũng nên đi kèm với việc miễn thị thực nhập cảnh cho du khách quốc tế. Việt Nam vẫn rất đẹp, nếu như trước kia thì hạn chế một chút về visa chúng ta vẫn thu hút được nhiều du khách.
Tuy nhiên sau Covid-19, du khách sẽ có thêm nhiều nỗi băn khoăn khi cân nhắc chọn điểm đến, như chi phí du lịch, nguy cơ dịch bệnh, thời gian cách ly, mức độ an toàn… Nếu thêm cả khó khăn về visa thì thực sự họ sẽ “oải” và không muốn lựa chọn những điểm đến quá nhiều cản trở, mà ưu tiên những nơi thuận lợi hơn./.
Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN