'Cải tạo kiểu gì thì cũng phải làm cho Tô Lịch là sông có dòng chảy'

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: 'Các dòng sông tất yếu phải có dòng chảy, trong khi mặt sông Tô Lịch lại lặng như tờ, có chăng thì chảy từ cống nước thải ra

 

Tô Lịch đang là dòng sông “lặng như tờ”

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Tương lai nào cho sông Tô Lịch?” do Chuyên trang Quản lý Môi trường thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết: “Dòng sông Tô Lịch trong lịch sử có vị trí cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và cảnh quan môi trường đô thị. Chúng ta cần phân biệt cái gọi là sông Tô Lịch bây giờ và sông Tô Lịch ngày xưa. Sông Tô Lịch bây giờ khác rất nhiều so với ngày xưa, nhưng cũng không thể làm hồi sinh được về nguyên hiện trạng như ngày xưa nữa và chỉ còn là mơ ước”.

Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, hiện nay các các bên mới chỉ nói đến việc tách nước thải và đưa nước từ sông Hồng vào mà tương lai nào cho đáy sông Tô Lịch đang ô nhiễm nghiêm trọng lại chưa thấy bàn.

“Vấn đề của sông Tô Lịch không chỉ có ô nhiễm mà còn có dòng chảy, nguồn nước, lớp ô nhiễm lắng đọng. Tất cả các dòng sông tất yếu phải có dòng chảy, nhưng hiện tại mặt sông Tô Lịch phẳng lặng như tờ, có chăng thì chảy từ cống nước thải ra”, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nêu vấn đề.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, KTS Phạm Thanh Tùng - Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chánh Văn phòng Hội, đưa ra quan điểm, cần quy hoạch cải tạo dòng sông Tô Lịch đang ô nhiễm như hiện nay thành dòng sông thoát nước mưa; có giải pháp bổ cập nước thường xuyên cho dòng sông; tiếp tục thực hiện việc cống hoá hai bên dòng sông để thu gom nước thải; quy hoạch cảnh quan kiến trúc hai bên dòng sông; học tập kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh về cải tạo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè.

“Khác với TP.HCM, Hải Phòng hay các thành phố khác trên thế giới như Bắc Kinh,… TP Hà Nội gắn với các dòng sông, việc quy hoạch dòng sông giống như quy hoạch đô thị, cần xem xét kĩ lưỡng những yếu tố văn hóa - lịch sử vốn có của nó. Ngoài ra, cần phải quan tâm đến an sinh xã hội, những vấn đề này đã được TP HCM làm rất tốt khi kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè hoàn thành, những người hưởng lợi đầu tiên là những người nghèo sống ở hai bên bờ sông”, KTS Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

KTS Phạm Thanh Tùng - Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chánh Văn phòng Hội.

Đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ thu được lợi ích kép

Đồng quan điểm với KTS Phạm Thanh Tùng, GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thuỷ Lợi cho rằng, cần phải trả lại chức năng chính cho dòng sông Tô Lịch đó là thoát nước mưa. KTS Phạm Thanh Tùng kiến nghị các đơn vị của thành phố cần giải quyết được bài toán dòng sông liên tục có nước chảy nhất là vào mùa cạn; những giải pháp cụ thể để bổ cập nước thường xuyên cho sông Tô Lịch.

“Sông Tô Lịch trước kia là dòng sông đúng nghĩa, sau này trở thành dòng thoát nước. Số ngày thoát nước mưa thì ít, nước thải thì nhiều”, GS.TS Dương Thanh Lượng nhấn mạnh.

GS.TS Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Thuỷ Lợi.

GS.TS Dương Thanh Lượng đánh giá, kế hoạch bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch khả thi, tuy nhiên ở mức nào thì cần tính toán kĩ.

“Việc đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ thu được lợi ích kép, vừa làm sạch sông vừa làm cho khu vực hạ du như sông Nhuệ, Đáy có thêm nước để tưới,…Ngoài ra, đưa nước vào sông Tô Lịch với tốc độ dòng chảy khoảng 5m3/s, so với các dự án khác chi phí sẽ thấp hơn nhiều. Phương án 1, lấy nước sông Hồng từ trạm bơm Liên Mạc, qua trạm bơm Xuân Phương, tôi đánh giá là khá tốn kém với đường đi hơi dài với khoảng 8,1km mà không bổ cập từ đầu nguồn con sông. Phương án 2 là lấy nước sông Hồng từ An Dương vào Hồ Tây sau đó bổ cập vào sông Tô Lịch, với khoảng cách khoảng 2km vừa ngắn hơn và rẻ rất nhiều. Tôi đánh giá cao phương án này hơn vì giải quyết được cả Hồ Tây và bổ cập nước từ đầu nguồn sông Tô Lịch”, GS.TS Dương Thanh Lượng phân tích.

Chưa chắc thu gom được hết nước thải xuống sông Tô Lịch

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông nhất là sông Tô Lịch, GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng, để làm sạch dòng sông này, trước tiên cần phải thu gom, xử lý nước thải, sau đó tính đến xử lý ô nhiễm lòng sông, mới đưa nước sạch vào tạo dòng chảy, tạo cảnh quan cho sông,…

GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, toàn bộ dòng Tô Lịch có 456 điểm xả thải nhỏ, phân tán, chưa chắc thu gom được hết bằng hệ thống ống thu gom đang được xây dựng hiện nay. Ước tính mỗi ngày số điểm này xả ra khoảng 8000-12000m3/ngày đêm”, GS.TS Trần Đức Hạ thông tin.

Để cải tạo, khôi phục dòng sông Tô Lịch, GS.TS Trần Đức Hạ kiến nghị: Cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch 725, trong đó có việc đưa một phần nước thải lưu vực S3 về nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và đưa nội dung thu gom, xử lý nước thải phân tán đảm bảo quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông; thực hiện dự án bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch cũng như các sông hồ khác của Hà Nội từ nguồn nước sông Hồng và nước thải sau xử lý.

Nghiên cứu các giải pháp tăng cường khả năng tự làm sạch sông Tô Lịch và các sông hồ nội đô khác có kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí trên mặt nước; xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thuỷ văn của sông Tô Lịch và sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập và kiểm soát hoạt động các nhà máy và công trình xử lý nước thải xả vào sông; xây dựng chế tài bảo vệ môi trường sông Tô Lịch và sông hồ nội đô, trong đó có việc giáo dục tuyên truyền cộng đồng./.

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14,6km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống thoát nước chính của thành phố Hà Nội.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực 77,5 km2 với lưu lượng 30m3/s. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận