Xuyên đêm làm thẻ căn cước công dân: 'Chỉ mong dân đến nhiều hơn'

Lượng người tới làm thẻ CCCD gắn chip khá lớn, nhiều điểm cấp thẻ phải làm việc hết công suất, bắt đầu từ 7h sáng đến khi 2h hoặc 5h sáng ngày hôm sau.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Công an Thành phố Hà Nội về triển khai cấp và quản lý thẻ CCCD, Công an các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm tập trung cấp CCCD điện tử cho: công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, công dân mới có số chứng minh nhân dân 9 số hoặc chưa được cấp lần nào và người dân sử dụng CMND 12 số cũng như là căn cước công dân cũ, hỏng có nhu cầu thay đổi.

Vào giai đoạn nước rút, các điểm cấp CCCD gắn chíp ở trụ sở chính của các Đội Quản lý hành chính hay các điểm lưu động tại các phường luôn sáng đèn từ 7h sáng cho đến đêm muộn.

“Xuyên đêm là chuyện bình thường”

Công tác triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chip ở quận Thanh Xuân triển khai trước Tết âm lịch, bắt đầu từ ngày 1/1. Quận cố gắng hoàn tất hồ sơ cho khoảng 120.000 người đến hết ngày 30/4. Đến thời điểm hiện tại việc cấp thẻ đã triển khai cho hơn 22.000 dân.

Chiến dịch mới về cấp thẻ CCCD gắn chíp hướng tới 100% người dân thực hiện, vì thế tình trạng quá tải luôn diễn ra. Tại trụ sở Đội Quản lý hành chính mỗi ngày tiếp nhận hơn 300 người. Chính vì thế công việc của các cán bộ, chiến sĩ làm xuyên trưa, chiều và tối.

Hiện tại, ngoài địa điểm cấp CCCD chính tại trụ sở quận còn có thêm các điểm lưu động khác. Chính vì thế việc chia nhỏ quân số xuống từng địa bàn là cần thiết. Mỗi điểm đảm bảo 6-7 đồng chí, làm liên tục không có thứ 7 và chủ nhật. Một ngày sẽ được chia làm 3 ca, làm từ sáng tới đêm để kịp tiến độ.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Đội trưởng, đội QLHC và TTXH, Công an quận Thanh Xuân trực tiếp hướng dẫn công dân đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Đội trưởng, đội QLHC và TTXH, Công an quận Thanh Xuân cho biết: “Tất cả các cán bộ chiến sỹ đều hướng tới việc hoàn thành công việc và các chỉ tiêu đề ra. Còn những vấn đề như làm ngoài giờ, sức khỏe, gia đình là phải sắp xếp, tập trung 100% cho công việc. Khi người dân cuối cùng ra về cũng là lúc có một tổ khác bắt tay vào điều chỉnh hồ sơ, nhập máy, chỉnh sửa thông tin, chuyển dữ liệu lên Cục quản lý hành chính đến 2h sáng mới xong. Có những lúc xuất dữ liệu mà máy tính không chạy nổi, nên phải làm việc đến 5h sáng hôm sau mới nghỉ. Vì thế ở lại làm việc xuyên đêm cũng là chuyện bình thường. Cũng may người dân hiểu và nắm bắt được tinh thần làm việc của mình cũng như các mục tiêu đã đề ra nên cũng nghiêm túc, tập trung trong suốt quá trình cấp thẻ”.

Vừa làm việc luôn tay, Thiếu tá Lê Trọng Nghĩa, cán bộ tăng cường thuộc Đội tham mưu tổng hợp, Công an Quận Thanh Xuân vừa chia sẻ: “Là cán bộ công an, công dân đến bất kể lúc nào thì chúng tôi cũng đều sẽ tiếp nhận hồ sơ. Sau khi người cuối cùng về cũng đã là 12h đêm. Nói chung mọi người rất vui vẻ làm việc. Thực ra, thời gian đầu cũng hơi mệt. Tuy nhiên sau gần 2 tháng liên tục, chúng tôi đã quen với guồng máy làm việc, chỉ mong công dân đến làm thẻ nhiều hơn”.

“Cố gắng để không quá tải”

Tại quận Ba Đình, ngoài điểm cấp CCCD gắn chíp trực tiếp tại trụ sở chính 116 Quán Thánh. Công dân có thể thực hiện cấp đổi, cấp lại thẻ mới tại một điểm cấp lưu động hằng ngày được bố trí luân phiên tại 14 điểm công an phường. Chiến dịch này của công an Ba Đình bắt đầu từ 7h30 sáng, kết thúc 22h30 hoặc 23h, tùy vào số lượng người dân đến làm thủ tục.

Để không diễn ra tình trạng quá tải, người dân ùn ứ tại một điểm, quận Ba Đình đã tổ chức bố trí khá phù hợp và khoa học. Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng, đội QLHC và TTXH, Công an quận Ba Đình cho biết: “Qua công tác điều tra cơ bản của công an quận đối với 14 công an phường thông qua điều tra lượng người dân phù hợp theo giờ có thể đến cấp CCCD. Từ đó công an phường chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực cũng như tổ dân phố gửi giấy mời công dân theo giờ làm việc thích hợp để đảm bảo người dân lên phù hợp với thời điểm cũng như giờ cấp CCCD gắn chíp điện tử được tối ưu nhất. Do đó việc quá tải hầu như đã được kiểm soát hiệu quả”.

Quận Ba Đình có khoảng 130.000 công dân trong diện cấp CCCD gắn chip điện tử. Quận đang nỗ lực phấn đấu theo đúng tinh thần của Giám đốc công an thành phố Hà Nội vào khoảng giữa tháng 5 thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Anh Đặng Trần Thắng (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Xin nghỉ phép, tôi tranh thủ đi làm thẻ CCCD mới. Bản thân tôi thấy cách sắp xếp của lực lượng công an quận rất khoa học, đi theo từng tổ nên không quá đông đúc. Khi tới đây, tôi được các chiến sĩ công an hướng dẫn viết phiếu khai nên cũng không có gì quá khó khăn. Chỉ có ngồi chờ hơi lâu còn làm các thủ tục cũng chỉ mất khoảng 20 phút thôi. Tôi trước giờ chỉ dùng chứng minh thư nhân dân 9 số, với thay đổi này tôi nghĩ sẽ thuận tiện hơn trong việc làm các thủ tục hành chính sau này”.

“Chỉ mong công dân đến nhiều hơn”

Mặc dù là điểm lưu động nhưng từ 7h sáng lược lượng cán bố chiến đã có mặt tại điểm số 20 đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để phục vụ công dân đến làm thẻ CCCD gắn chíp. Những ngày gần đây, người dân xung quanh phường Mỹ Đình 2 đã quen với địa chỉ này, nên dù đã 11h đêm vẫn mang sổ hộ khẩu đến làm phiếu.

Để thực hiện nhiệm vụ này, trước đó lực lượng công an phường đã tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức từ lý thuyết tới thực hành ở công an thành phố, công an quận và qua các điểm lưu động. Sau đó, tham mưu cho Đảng ủy, UBND Phường phát động, tuyên truyền đến từng chi bộ, tổ dân phố để đảm bảo 100% người dân đều thực hiện thủ tục cấp CCCD mới.

Một ngày tại điểm lưu động này tiếp nhận khoảng 1000 hồ sơ yêu cầu cấp thẻ CCCD gắn chíp cho thấy việc làm này đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác của đông đảo mọi người.

Điểm cấp thẻ lưu động ở phường Mỹ Đình 2 sáng đèn làm việc đến 24h đêm.

Trung tá, Lê Quốc Vinh, Trưởng Công an phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Bên cạnh lực lượng tăng cường từ quận xuống đã được chia theo ca để làm việc, thì lực lượng ở phường trực 100% quân số. Bởi đặc thù cảnh sát khu vực quản lý địa bàn nên phải luôn luôn có mặt để hướng dẫn, phát phiếu cho dân tới làm thủ tục. Chừng nào người dân còn đến làm thì khi đó chúng tôi vẫn chưa nghỉ”.

Hai ngày làm việc liên tục tại điểm lưu động, Đại úy Trần Hữu Anh, Cảnh sát khu vực Phường Mỹ Đình 2 chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, anh em chúng tôi cũng đã quen hơn với công việc. Xác định khoảng 1 tuần nữa sẽ hoàn tất, chỉ mong người dân đến nhiều hơn để làm cho xong, đảm bảo các quyền lợi sau này”./.

Nguyễn Hà/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận