Tính đến 16 giờ ngày 14/3/2021, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho 11.605 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 14/3/2021 Chương trình TCMR đã ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng, trong đó 1 trường hợp có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm vaccine AstraZeneca. Trường hợp thứ hai được chẩn đoán sốc phản vệ độ III với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Cả hai trường hợp này được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại sức khoẻ đã ổn định.
Sáng nay (15/3), GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay có 12 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, đều được theo dõi, xử lý kịp thời, sức khỏe ổn định. "Các trường hợp rải rác nhiều đối tượng khác nhau. Chúng tôi có thăm khám ban đầu, không có bệnh nền nghiêm trọng. Phản ứng này chủ yếu sốt cao, tăng huyết áp. Các trường hợp này đã được điều trị kịp thời, sức khỏe tốt, tiếp tục ổn định công tác"- GS Đặng Đức Anh cho biết.
Cũng theo GS Đặng Đức Anh, khi xuất hiện các phản ứng nặng sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế và các địa phương theo dõi, đồng thời thành lập các hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân.
Đối với trường hợp được ghi nhận chẩn đoán sốc phản vệ độ III sau khi tiêm vaccine vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế thông tin trong sáng 15/3, ông Đặng Đức Anh cho biết, trường hợp này trước khi tiêm đã có thăm khám cẩn thận, hiện chưa có thông tin cụ thể trường hợp này có bệnh lý nền hay không. “Chúng tôi yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá, họp hội đồng để có báo cáo cụ thể”- ông Đặng Đức Anh cho biết.
Cũng theo GS Đặng Đức Anh, tiêm vaccine sẽ có 1 tỷ lệ nhất định phản ứng sau tiêm. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 của AstraZeneca. WHO và các đơn vị cũng khuyến cáo nên cân nhắc về lợi ích của vaccine và nguy cơ của dịch bệnh từ đó đề xuất phương pháp, phương án tốt nhất để có thể phòng dịch cho người dân tốt nhất.
Hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia tiêm vaccine phòng COVID-19. Nhiều loại vaccine khác nhau nên tỷ lệ cũng khác nhau nhưng nằm trong giới hạn, khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như WHO và các tổ chức có liên quan đến đánh giá an toàn cũng như hiệu quả của vaccine.
“Chúng ta vừa triển khai tiêm và cũng vừa đánh giá tính an toàn, tiếp tục theo dõi số liệu báo cáo về tính an toàn ở các nước khác trên thế giới cũng sử dụng vaccine này”- GS Đặng Đức Anh cho biết./.
Minh Khánh/VOV.VN