TPHCM sẽ mở cao điểm để xử lý vấn nạn karaoke tự phát

Từ nay đến cuối năm, TPHCM sẽ mở cao điểm xử lý triệt để vấn nạn tiếng ồn, karaoke tự phát, sau đó sơ kết để bổ sung quy định, trở thành việc thường xuyên.

 

Sáng nay (9/3), UBND TP.HCM họp bàn giải pháp xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn với quyết tâm từ nay đến cuối năm, TP sẽ tổ chức cao điểm tập trung xử lý triệt để vấn nạn tiếng ồn, karaoke tự phát. 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận tiếng ồn là vấn nạn, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, làm giảm chất lượng cuộc sống người dân TP. Quan điểm của TP là xử lý triệt để vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.

TP.HCM họp bàn giải quyết vấn nạn karaoke.

Từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ mở cao điểm tập trung xử lý triệt để, sau cao điểm sẽ sơ kết để bổ sung quy định, trở thành việc thường xuyên. Giai đoạn 1 từ nay đến hết tháng 5/2021, chính quyền các cấp sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vi phạm tiếng ồn.

Cụ thể, ông Võ Văn Hoan đề nghị các khu chung cư phải có quy định “không cho hát karaoke trong chung cư”, bổ sung vào quy chế và trực tiếp chịu trách nhiệm. Với các khu dân cư thì địa phương có thể chọn một số gia đình thường xuyên tổ chức hát để nhắc nhở; với các cơ sở sản xuất kinh doanh, bán hàng, quảng cáo, quán ăn có ca hát… thì vận động cam kết thực hiện đúng theo tinh thần quản lý quán karaoke, đảm bảo về mức độ âm thanh.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Giai đoạn 2, từ tháng 6/2021 trở đi TP sẽ tập trung xử lý vi phạm tiếng ồn. Trong xử lý, ông Võ Văn Hoan đề nghị không bàn đến việc  phải đo cường độ âm thanh bởi việc này không thể áp dụng ở không gian công cộng, mà có thể áp dụng theo nhiều quy định của pháp luật, có thể theo 4 Nghị định của Chính phủ là Nghị định 100/2019, Nghị định 167/2013, Nghị định 155/2016 và Nghị định 98/2020. Trong đó, có thể áp dụng một số biện pháp mạnh như “tịch thu phương tiện”.

"Giai đoạn 1 chúng ta tập trung kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền, cam kết. Giai đoạn 2 thực thi pháp luật. Đây là việc không khó nhưng đòi hỏi phải có quyết tâm đề cao trách nhiệm các cơ quan, các địa phương. Tôi đề nghị từng ngành theo chức năng nhiệm vụ có hướng dẫn cho cơ sở thực hiện và ngành Tài nguyên - Môi trường là thường trực của xử lý vụ tiếng ồn, chấn chỉnh tình trạng này để góp phần xây dựng đô thị văn minh và hiện đại".

Hát karaoke tự phát gây phiền hà cho người dân.Trước đó, báo cáo tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, hiện nay có một số khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm tiếng ồn là ý thức người dân chưa cao; việc hát karaoke bằng loa kéo xảy ra trong khu dân cư thường kéo dài sau 22 giờ, ngoài giờ làm việc nên khó khăn trong kiểm tra xử lý. Loa kéo hát gây ồn không cố định, dễ di chuyển, người vi phạm hay đối phó bằng cách ngưng hoặc giảm âm lượng, quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay không quy định đo độ ồn nền để làm căn cứ xác định mức độ ồn… Tổng hợp từ 17/22 quận huyện có báo cáo, trong hai năm 2019, 2020 đã tiến hành xử phạt 141 trường hợp vi phạm tiếng ồn với số tiền phạt là 818 triệu đồng. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư với số tiền xử phạt là 2,6 triệu đồng./.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận