Lắp lưới chắn lan can chung cư có đảm bảo an toàn?

  • 05/03/2021 09:00:00
  • Kim Thanh- Gia Linh
  • Xã hội
  • 0

Sự việc bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A của tòa nhà và thoát chết một lần nữa cho thấy những hiểm họa từ lan can nhà chung cư vẫn hiện hữu.

 

Nhiều người lo ngại khi các gia đình có con nhỏ ở chung cư vẫn chưa nhận thức rõ được mức độ nguy hiểm khi không rào chắn toàn bộ phần lan can ở ban công. Sau vụ việc xảy ra, nhiều gia đình có con nhỏ sống tại các khu chung cư vội vàng tìm mua lưới chắn ban công. Tuy nhiên, việc lắp lưới chắn có đảm bảo được an toàn cho cư dân tại các khu chung cư?

Sau vụ việc bé gái rơi từ tầng 12A một chung cư ở quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Thu Hương mới chuyển về khu chung cư ở Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội không khỏi lo lắng vì gia đình chị chưa kịp lắp đặt tấm lưới bảo vệ ở ban công.

"Tôi cũng có con ở độ tuổi đó, rời mắt một cái là bé có thể đi bò, chạy hay trèo đi lung tung rồi, nên gia đình tôi đã phải cho lắp đặt dàn dây lưới ngoài ban công luôn để đảm bảo an toàn", chị Hương cho biết.

Không chỉ gia đình chị Hương, nhiều gia đình có con nhỏ khi mua nhà chung cư đã chủ động lắp đặt lưới an toàn ban công để đảm bảo an toàn cho trẻ. Theo chị Phạm Thị Lý và anh Nguyễn Thế Trung cư dân tòa nhà T&T Riverside (quận Hoàng Mai) vẫn còn nhiều nhà có trẻ nhỏ mà không lắp lưới an toàn ở ban công.

“Hầu như mọi người đều lắp hết. Nhưng sau sự việc vừa qua, nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng, nhiều nhà chưa có cũng đã chủ động làm", chị Lý cho hay.

Theo khảo sát trên thị trường, giá của dịch vụ lắp đặt lưới an toàn ban công dao động từ 150.000-250.000/m2, tùy theo kích thước. Anh Lê Hoàng Tùng, chủ cửa hàng chuyên cung cấp dịch vụ lắp đặt lưới an toàn tại quận Hoàng Mai cho biết, sau khi xảy ra sự cố bé gái rơi ở chung cư thì đơn hàng của cửa hàng tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Ở nhiều chung cư cho phép người dân được lắp lưới an toàn nhưng không ít chung cư không cho lắp lưới chắn với lý do đề phòng hỏa hoạn. Do đó, nhiều gia đình lo lắng, nếu không cho lắp lưới an toàn sẽ có thể còn xảy ra những vụ việc gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Về vấn đề này, TS Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Đại học Xây dựng giải thích, theo quy chuẩn an toàn do Bộ Xây dựng ban hành, hầu hết lan can tại các chung cư đều đảm bảo độ cao an toàn là 1,4 mét. Tuy nhiên, trong quy chuẩn chỉ nói về độ cao lan can một cách chung chung mà không quy định cụ thể. Do đó, trong thực tế mỗi chung cư sẽ thiết kế khác nhau, nơi thì làm bằng thép, nơi xây bằng gạch chắn bằng kính chịu lực. Trên thực tế, việc lắp lưới an toàn chưa hẳn đã là giải pháp an toàn khi tại khu vực lan can, các gia đình thường kê thêm máy giặt hoặc làm nơi chứa đồ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ nghịch ngợm leo trèo, khám phá. Song sắt đôi khi đảm bảo an toàn nhưng lại cản trở việc thoát nạn khi có sự cố.

TS Trần Minh Tùng cho rằng: “Chúng ta cần có những hướng dẫn cụ thể hoặc những cẩm nang do chính những người quản lý hoặc nhà thiết kế họ soạn ra để cho các gia đình có thể sử dụng hoặc dựa vào đó để thực hiện theo. Ghi nhận từ thực tế, chúng ta có thể sử dụng các loại dây cáp. Về bản chất, dây cáp nếu căng có thể hạn chế được phần nào nếu trẻ nghịch ngợm leo trèo. Ngoài ra, dây cáp cũng giúp lính cứu hỏa cắt dây dễ dàng nếu xảy hỏa hạn. Dây cáp cũng có thể linh hoạt thu lại để vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ và đảm bảo cả tâm lý”.

Ngoài việc lắp đặt chấn song, lưới bảo vệ tại cửa sổ và ban công, thì phụ huynh cũng cần luôn để mắt đến trẻ.

Qua sự việc cháu bé rơi từ tầng cao xuống may mắn thoát chết, Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, các gia đình lơ là trong việc trông giữ trẻ, để con ở nhà một mình trong khi không kiểm soát được những vị trí dễ gây nguy hiểm cho trẻ. Mỗi hộ chung cư có cháu nhỏ, cần chú ý bảo vệ, các ô cửa cần làm thật chắc, chặt chẽ, đảm bảo không để lọt vừa người các cháu qua khe cửa.

Thượng tá Đinh Tuấn Thành cảnh báo: “Chúng tôi đã rà soát và tuyên truyền rất nhiều, mong rằng tất cả các gia đình nên chủ động, không những ở ngoài ban công, lan can mà còn phải rà soát cả bên trong nhà bao gồm ổ điện, những vật sắc nhọn như dao hoặc vật có thể gây nên thương tích thì phải để cách xa tầm tay của trẻ”.

Các nguyên nhân hàng loạt vụ trẻ ngã từ tầng cao chung cư xuống đất đến từ nhiều phía, từ đơn vị xây dựng đến ý thức của người dân khi sống trong căn hộ ở chung cư cao tầng. Do đó, ngoài việc lắp đặt chấn song, lưới bảo vệ tại cửa sổ và ban công, thì phụ huynh cũng cần luôn để mắt đến trẻ; kiểm soát những khu vực nguy hiểm trong căn hộ và đặt chốt an khóa an toàn tại các cửa sổ, cửa chính, khi để con ở nhà một mình./.

Kim Thanh- Gia Linh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận