So với năm đợt bùng phát dịch trước, đợt bùng phát dịch thứ sáu này có tâm dịch ở Hải Dương với đặc điểm nổi bật là hiện tượng lây lan ở các vùng nông thôn, chiếm 40% số bệnh nhân. Hiện tượng lây lan này xảy ra ngay cả ở những làng xã đang bị cách ly. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho số ca mắc trong đợt dịch này nhanh chóng áp đảo, với 679 ca, chiếm 50% ca lây nhiễm trong nước kể từ đầu đợt bùng phát dịch. Cẩm Giàng là một ví dụ điển hình.
Đợt bùng phát dịch thứ sáu này, có hai thành phố lớn với mật độ dân số đông nhất cả nước là TP HCM và Hà Nội. Tính đến ngày 16/2, tại TP HCM có tổng số 35 ca nhiễm, đều liên quan đến nhân viên của một công ty thuộc sân bay Tân Sơn Nhất. Hà Nội có tổng số 36 ca, nhưng mới chỉ ghi nhận 27 ca lây nhiễm liên quan đến ổ dịch khu trú từ một nhà máy ở vùng ngoại ô, còn lại 7 ca liên quan trực tiếp đến tâm dịch Hải Dương và 2 người đàn ông Nhật Bản mới phát hiện, chưa rõ nguồn lây.
Tại sao dịch lại bùng phát ở những ngôi làng nông thôn đáng lẽ phải là nơi an toàn với COVID-19?
Rõ ràng có một nghịch lí, dịch bệnh COVID-19 lây qua đường hô hấp, về nguyên tắc sẽ bùng phát mạnh mẽ ở các thành phố có mật độ dân số đông đúc, ít xảy ra ở nông thôn thưa thớt, bằng chứng là diễn biến dịch COVID-19 trên toàn thế giới đều tuân theo quy luật này. Nhưng đợt dịch thứ sáu ở Việt Nam đã ngược lại, TP HCM vẫn đang an toàn, Hà Nội cũng đang trong tầm kiểm soát, trong khi Hải Dương chỉ kiểm soát được ổ dịch thành phố Chí Linh, còn lại các làng xã dù đã cách ly nhưng đang diễn biến vô cùng phức tạp.
Nghịch lí này theo tôi có 2 điểm nổi bật. Điểm nổi bật đầu tiên, đó là các hoạt động tụ tập đông người, có liên quan đến văn hóa và lối sống, đặc biệt là những thói quen không phù hợp với quy tắc phòng chống nhiễm khuẩn của người dân.
Là người theo vết các ca bệnh cẩn thận, tôi thấy “đám cưới ở Hải Dương” là một trong số những từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong các bản tin truy vết F1, thậm chí thời điểm đầu bùng phát dịch, tôi liên tục thấy từ khóa này.
Người Việt, nhất là ở nông thôn, đám cưới thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Theo phong tục tập quán ở quê thường làm cỗ nhiều ngày. Khách mời cả làng, thậm chí cả xã, mời hết bạn bè từ nơi rất xa, quy mô đám cưới tính bằng đơn vị hàng trăm mâm cỗ, số lượng mâm cỗ thể hiện vị thế và uy tín của gia chủ.
Hãy thử tưởng tượng, đám cưới ở làng quê Bắc Bộ được tổ chức vào mùa đông, trời lạnh, số lượng khách lên tới hàng nghìn người tập trung dưới một khung bạt quây kín, bàn kê sát bàn. Rồi thì 1-2-3 dô! Sau đó có thể là màn bắt tay từng người?!
Người Việt có đặc điểm, nếu người bên cạnh nói to mình sẽ phải nói to hơn và nhiều hơn. Trong bữa cỗ ai cũng phải cố gắng nói to hơn và nhiều hơn và chẳng ai đi ăn cỗ lại đeo khẩu trang.
Tôi lấy ví dụ đám cưới diễn ra ngày 18/1, nhà trai đưa dâu từ huyện Nam Sách (Hải Dương) về Ba Vì (Hà Nội), chỉ riêng mỗi chiếc xe đưa dâu 16 người thì có 11 người dương tính, nên được ví là chiếc xe siêu lây nhiễm.
Đám hiếu cũng tương tự đám cưới. Hầu hết đám bốc mả diễn ra vào cuối năm âm lịch, chưa kể ma chay, đều phải tổ chức linh đình, ăn uống và tụ tập đông người. Những từ khóa như “liên hoan”, “tiệc tất niên”, đi “siêu thị” cũng nằm trong nhóm xuất hiện với tần số cao nhất truy vết F1 của đại dịch COVID-19 ở vùng nông thôn.
Cỗ bàn đám cưới hay đám hiếu không khó để khắc phục, chỉ cần chính quyền yêu cầu người dân không tổ chức, hoặc tổ chức trong giới hạn để phòng chống dịch bệnh, thì tôi tin chắc đa số sẽ chấp hành.
Nhưng thói quen sinh hoạt hàng ngày mới đáng lo. Thói quen nhỏ nhất mà tôi thấy, hầu hết các bà và các mẹ ở quê cho trẻ ăn, thường thổi thức ăn cho nguội và đút thức ăn vào miệng mình trước để thử. Trong đại dịch COVID-19, vấn đề lây truyền bệnh qua những phương thức nhấm nháp thức ăn, gắp chung đũa càng phải nghiêm túc xem xét.
Tôi thích cách làm của người Trung Quốc. Trong đại dịch COVID-19, chính quyền phát động “đôi đũa công cộng”. Nghĩa là, trong mâm cơm sẽ có một đôi đũa chung, dùng để gắp thức ăn vào bát từng người, đôi đũa ấy không được dùng riêng để tránh lây lan mầm bệnh.
Một thói quen ăn sâu vào gốc rễ của làng quê Việt, mà theo tôi đó có thể đó là nguyên nhân chính lây truyền dịch bệnh, đó là thói quen ngồi lê đôi mách. Nông thôn Bắc Bộ những tháng ngày mùa đông cuối năm đúng dịp nông nhàn, lại có nhiều hoạt động liên quan đến cỗ bàn, có thời gian tụ tập ăn uống hát karaoke, nên chuyện tụ tập từng nhóm người bàn tán là không tránh khỏi. Chỉ cần một người mắc, thì gia đình, những người hàng xóm gần xa, sẽ đều mắc thành chùm ca bệnh.
Điểm nổi bật thứ hai tôi muốn nói, đó là năng lực của hệ thống y tế địa phương, thực sự vẫn còn yếu trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo tôi, để phòng chống dịch hiệu quả cần có thế chân kiềng vững chắc, đó là chính quyền, y tế, cùng với người dân hợp nhau thành khối sức mạnh. Đã đến lúc Việt Nam nên chuyển sang chống dịch bằng sự hiểu biết tích cực, chống dịch bằng trí tuệ chứ không phải là nỗi sợ hãi để tìm cách xua đuổi virus bằng mọi cách./.
BS Trần Văn Phúc