Sức khỏe là vốn quý nhất
Trên con đường rẽ vào chợ Long Biên, ngập mùi tanh của cá, có túp lều của ông Nguyễn Đức Hùng (sinh năm 1945, Khoái Châu, Hưng Yên) được lắp ghép chi chít các tấm bạt rách, lấy gốc cây làm trụ đỡ. Trong cái ổ chuột đấy, có một cái lỗ vuông để chui ra, chui vào.
Trong trí nhớ của ông Hùng chẳng còn lưu lại ngày nào, năm nào tha phương lên Hà Nội làm ăn nữa, mà chỉ mang máng nhớ rằng “ngày đó cầu Chương Dương vẫn đang xây dựng”.
Ở Hà Nội, công việc chủ yếu của ông là lượm nhặt ve chai, giấy báo để kiếm sống. Hoàn cảnh đẩy đưa, ông Hùng “đèo bòng” thêm bà Lê Thị Bích, từ đó ông có vợ. Chẳng cưới xin, hai người già nương tựa vào nhau. Hằng ngày ông bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng đến trưa về nấu cơm cho bà, hoặc ai cho gì thì ăn nấy rồi lại đi làm, nhiều nhất ông cũng chỉ kiếm được 70.000 – 80.000 đồng/ngày.
Thấm thoắt ông cũng đã trải qua 8 cái Tết ở căn lều này cùng với vợ của mình. Với ông Hùng “Tết năm nào mà chẳng giống năm nào. Trong khi mọi người về đoàn tụ với gia đình, thì tôi vẫn đi làm, có “món” nào thì tích cóp lại để ra Tết bán lấy tiền. Làm mệt thì về nhà ngủ”.
Mặc dù cuộc sống vất vả, nhưng với ông Hùng mọi thứ thật nhẹ nhàng, ông Hùng tâm sự “Tôi vẫn đón Tết như mọi người, trước Tết có đoàn tình nguyện cho gạo, cho thuốc men, rồi hàng xóm ở đây cho bánh chưng, kẹo, chẳng thiếu thứ gì. Sống đến độ này, chỉ lo nhất lúc ốm đau bệnh tật không ai biết, chứ chẳng ao ước gì hơn nữa”.
Cùng cảnh ngộ với ông Hùng, ông Hậu (sinh năm 1951, Vân Đình, Hà Nội) cũng chẳng biết làm gì ngoài nghề nhặt ve chai, ai thuê gì làm nấy. Trước đây, ông Hậu cũng có gia đình, có vợ con, nhưng sau biến cố vợ chồng ly hôn, ai đi đường nấy. Buồn bã, ông rời quê lang thang một mình, lấy vườn hoa Hàng Đậu, chợ Đồng Xuân làm chỗ trú thân.
Hàng ngày cứ đi lượm nhặt ve chai, tối về chỗ nào yên tĩnh thì ngả lưng. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại cho đến khi có nhóm thiện nguyện đứng ra thuê cho ông một căn nhà ở phường Phúc Xá, có chỗ tránh mưa, tránh rét.
25 năm cô quạnh một mình “tôi quen rồi”, ông Hậu tâm sự. Bản thân thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa khi “Tết năm nào cũng đủ bánh chưng, giò và có vài lon bia của các nhóm từ thiện mang đến”.
Với những người lao động tự do có tuổi như ông Hùng, ông Hậu chẳng dám mơ ước điều gì lớn lao, bởi thực tại chỉ cần có sức khỏe là đủ vui với đời rồi.
Chia sẻ về công tác chăm lo đời sống của những người lao động tự do sống gần khu chợ Long Biên, bà Phạm Thị Nết, Phó Chủ tịch UBND Phường Phúc Xá (Ba Đình) cho biết: “Người lao động tự do ở khu vực Long Biên luôn nhận được sự chăm lo của chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Việc thăm hỏi, tặng quà động viên đến người lao động khó khăn đã trở thành hoạt động thường niên của Phường. Vừa rồi, phường cũng tổ chức tặng quà cho 44 hộ gia đình không có khả năng có Tết, với mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Hiện tại Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên của phường cũng đang tổ chức nấu bánh chưng, khoảng 100 cái để phát cho những người lao động khó khăn ở khu vực chợ Long Biên”.
“Tết đến, bố mẹ có thể nhịn, nhưng con cái không thể nhịn”
Lúc chào đời, chị Trịnh Thị Phước (sinh năm 1990, quê Bắc Giang) là một đứa trẻ xinh xắn, khỏe mạnh. Tuy nhiên số phận trớ trêu, năm lên 9 tuổi chị sốt cao, lúc đưa tới bệnh viện được bác sỹ chẩn đoán bị ép xe cột sống. Kể từ đó chị trở nên tự ti, thui thủi một mình.
Duyên phận đẩy đưa, năm 2016, chị Phước bén duyên cùng anh Lê Văn Bình (Mỹ Đức, Hà Nội). Anh Bình cũng thuộc dạng hẩm hiu với khuyết tật ở mắt mà gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì. Bởi ngày anh chào đời cũng là ngày người bố bỏ đi vì không thể chấp nhận được đứa con tật nguyền. Từ đó, mẹ anh một mình vất vả lo cho 2 chị em.
Về sống với nhau, chị Phước chuyên tâm sửa quần áo ở nhà, còn chồng đi hát rong bán tăm bông, thỉnh thoảng đi tẩm quất ở hội người mù. 4 giờ sáng chị Phước chở anh Bình trên con xe mô tô 3 bánh tự chế ra chợ. Vợ bán tăm bông, chồng hát rong. Chịu khó làm việc là vậy nhưng cũng chỉ được “bữa đực, bữa cái”, không đủ tiền sữa cho các con”, chị Phước tâm sự.
Đến thời điểm hiện tại, 2 anh chị đã có với nhau 2 đứa con. “Niềm vui lớn nhất của cả gia đình là cả 2 đứa sinh ra đều khỏe mạnh, bình thường. Dù nghèo, dù đói thế nào, tôi và chồng cũng cố gắng để cho các con được đi học đến nơi đến chốn”, chị Phước nói.
Nhớ lại đợt dịch Covid-19, khi Hà Nội bị giãn cách, chị Phước không khỏi bùi ngùi: “Dịch Covid-19 là nỗi ám ảnh đối với chính tôi và cả gia đình. Đó là khi hai vợ chồng chỉ biết ăn rau, cá muối mặn, con thì không có sữa vì không còn tiền nữa. Phòng tẩm quất đóng cửa, chợ thì không mấy người đi, còn sửa quần áo thì chẳng mấy ai đi sửa… Lúc đó, cả gia đình bước vào giai đoạn kiệt quệ, mọi con đường mưu sinh như bị cắt đi vậy. Tôi đi vay tiền để sống qua ngày, cũng có người thương biết gia cảnh khó khăn quá nên cho vài trăm. Thế là cũng qua được những ngày dịch dã”.
Kinh tế của những người bình thường đã khó, kinh tế của người khuyết tật với công việc bấp bênh lại càng khó khăn hơn bội phần. Tuy nhiên không vì cuộc sống, thử thách trước mắt mà anh chị chùn bước. “Tôi và chồng tôi luôn nuôi mơ ước cố gắng làm để mở được tiệm tẩm quất của riêng mình. Cho đến hiện tại, từ 4 giờ sáng tôi vẫn đưa chồng đi đến các khu chợ để hát và bán tăm bông, tôi về tiếp tục công việc rồi đến trưa lại đón chồng về làm tẩm quất. Nghe tin dịch Covid-19 lại bùng phát, nhà tôi cũng hạn chế đi lại hơn, bản thân tôi chỉ mong công việc luôn có đều để các con còn có Tết. Dù thế nào đi nữa, tết đến, bố mẹ có thể nhịn, nhưng con cái không thể nhịn”./.
Nguyễn Hà/VOV.VN