Đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu đòi hỏi việc rà soát, loại bỏ những yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết đối với các ngành nghề khác.
Là một trong những giáo viên lâu năm, thầy Đặng Đức Thi, Trường Trung học cơ sở Tân Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên phải mất rất nhiều công sức để có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ để được xem xét nâng hạng giáo viên. Do đặc thù công tác ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên thầy Thi phải sắp xếp thời gian cuối tuần để học: "Để có 2 văn bằng đó, đặc biệt những người có tuổi như chúng tôi là cả quá trình rất vất vả , khó khăn. Nhưng tôi thấy, quy định bắt mọi người có 2 văn bằng đó mang tính hình thức, gây áp lực rất lớn cho tất cả, từ nhà trường sắp xếp người, thời gian cho chúng tôi đi học, rồi tiền của, công sức của mỗi cán bộ, giáo viên".
Không chỉ với giáo viên vùng sâu, vùng xa, việc yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng làm khó đội ngũ giáo viên ngay tại các thành phố lớn. Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt – Đức (Hà Nội) cho biết, để có đủ hồ sơ theo yêu cầu, không ít trường hợp phải mua chứng chỉ, tạo áp lực nặng nề trong công việc. Do vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên được coi là cần thiết: "Từ thực tế đòi hỏi và giáo viên phải tự bồi dưỡng và người ta phải tự trang bị kiến thức cho mình, tức là động lực từ bên trong của họ, tất nhiên cả từ yêu cầu chung của xã hội nữa. Còn áp đặt một chiều mà rõ ràng không cần thiết thì không có tác dụng".
Một số giáo viên bày tỏ, việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là cần thiết và việc đặt ra những yêu cầu những bằng cấp, chứng chỉ cần căn cứ trên nhu cầu thực tiễn: "Khi nghe tin Bộ xóa bỏ 2 chứng chỉ này thì giáo viên rất mừng bởi vì hàng ngày thực tế cũng không áp dụng nhiều đối với công việc chuyên môn của mình".
"Khi yêu cầu giáo viên có thêm chứng chỉ chuyên môn nào khác, cần quan tâm về chất lượng chứ không phải hình thức như bây giờ và bản thân tôi thấy là theo chủ trương mới nó rất cần thiết, nhưng đã là hơi chậm".
Từ câu chuyện bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên, TS Lê Viêt Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, không chỉ yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên, hiện nhiều ngành nghề cũng yêu cầu những loại bằng cấp, chứng chỉ không thực sự gắn với công việc cụ thể.
Bởi khi nhu cầu đòi hỏi mỗi người trong hoàn cảnh, vị trí công việc khác nhau đòi hỏi được đào tạo, bồi dưỡng khác nhau chứ không phải một chương trình cứng nhắc cho tất cả mọi người: "Cách làm tốt nhất là để cho người ta tự quyết định lấy cái nào họ thấy cần và những cơ quan, đơn vị tuyển dụng, sử dụng họ xem xét và có yêu cầu người đó phải bổ sung cái này bổ sung cái khác thì lúc đấy đi học về để làm việc, để đảm nhận công việc mới mà đơn vị giao cho thì học thì có hiệu quả".
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần hướng đến những cái người lao động cần.
Do vậy, những văn bằng, chứng chỉ nào không thực sự thiết thực với công việc thì cũng không nên đặt ra chỉ nhằm làm đẹp hồ sơ, bởi khi đã quá nặng nề về bằng cấp sẽ nảy sinh tình trạng chạy bằng cấp: "Tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm đôi khi mình phải chú trọng hơn về năng lực thực tế, hiệu quả việc làm mà người đó đã làm, chứ còn nếu chúng ta chỉ ngồi trong phòng đọc hồ sơ đẹp của họ thì có thể có nhiều bằng cấp chứng chỉ đấy, nhưng khi công việc được giao thì lại không hoàn thành".
Các ý kiến cũng cho rằng, từ việc bỏ yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, cần rà soát, đánh giá lại những yêu cầu bằng cấp không cần thiết đối với các lĩnh vực khác, qua đó loại bỏ những “rào cản” trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, từ đó lựa chọn người có năng lực phù hợp với vị trí việc làm theo yêu cầu đặt ra.
Câu chuyện bằng cấp, chứng chỉ đè nặng người lao động diễn ra khá phổ biến. Dưới góc nhìn của VOVGT, từ việc bỏ yêu cầu chứng chri tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên, cần mạnh dạn cởi bỏ tư duy tuyển dụng, lựa chọn cán bộ dựa trên bằng cấp. Bởi quan trọng nhất của một vị trí việc làm, một quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm cần căn cứ trên năng lực thực sự, dựa trên hiệu quả công việc.
Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận nhan đề: Hãy để hiệu quả chứng minh
Bỏ chứng chỉ tin học ngoại ngữ đối với giáo viên, đó chắc chắn là một thông tin vui đối với các thầy cô giáo, và cũng là niềm ao ước của nhiều viên chức trong các lĩnh vực khác nhau. Bởi ai cũng biết, lâu nay, đa số các chứng chỉ kiểu này chỉ nhằm mục đích duy nhất là đầy đủ bộ sưu tập cần phải có, chứ không có giá trị thực tế.
Việc duy trì một thứ không có giá trị chất kéo dài trong thời gian qua, không những gây phiền hà, tốn kém cho bản thân viên chức, người lao động, mà còn dẫn đến những hệ lụy khác trong khâu tuyển dụng, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ, có thể dễ dẫn đến cất nhắc nhầm, bổ nhiệm nhầm, dù vô tình hay hữu ý.
Vì thế, bỏ được chứng chỉ tin học ngoại ngữ cho giáo viên là một bước đi mạnh dạn, nhưng nên là điểm khởi đầu cho một loạt những sự mạnh dạn khác để cởi bỏ những giấy tờ thủ tục không cần thiết khác, trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp hiện nay.
Để được hưởng lương và thu nhập tăng thêm (nếu có), mọi viên chức đều được đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tháng, từng năm. Yêu cầu của công việc mỗi giai đoạn mỗi khác, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng tin học và ngoại ngữ ngày càng sâu rộng hơn, khiến viên chức không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không tự bổ sung các kỹ năng trên.
Điều đó có nghĩa, nếu cứ thực hiện nghiêm túc quy định về đánh giá mức độ hoàn thành công việc, thì chẳng cần đến các chứng chỉ kia làm gì.
Mặc dù đã có nhiều đổi mới, song môi trường công việc ở khối cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp vẫn được coi là kép hấp dẫn hơn so với khối ngoài quốc doanh. Mức thu nhập là một phần, nhưng sự cạnh tranh sòng phẳng mới là điều đáng kể làm nên khác biệt. Một nhân viên giỏi vẫn có thể bị sa thải ở công ty này vì không phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của người sử dụng lao động, nhưng một viên chức Tiếng Anh bập bõm, tin học lơ mơ vẫn có thể “rung đùi” khi đã sưu tầm đủ bằng cấp, chứng chỉ.
Một người không cần học đại học cũng có thể làm quản lý ở công ty ngoài, nhưng muốn có chút vị trí trong cơ quan nhà nước, buộc phải bổ sung đủ các chứng chỉ kỹ năng, mà đôi khi vị trí công việc của họ cả đời không cần dùng tới. Chính điều này cản trở nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả của khối các cơ quan hành chính sự nghiệp, và triệt tiêu động lực phấn đấu của những người thực sự có năng lực.
Vì thế, lược bỏ các chứng chỉ mang tính “thủ tục” là việc nên làm đối với viên chức, để họ yên tâm tập trung đầu tư cho chuyên môn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự thay đổi trong cách đánh giá viên chức, người lao động: lấy năng suất, hiệu quả và sự đóng góp thực tế cho tập thể làm đầu, chứ không ở sự phong phú của các giấy tờ trong bộ hồ sơ viên chức.
Sự chứng minh bằng hiệu quả cũng là thúc đẩy nhu cầu tự học, tự hoàn thiện của mỗi người lao động, đáp ứng các đòi hỏi ngày càng khắt khe của công việc, góp phần tạo nên dịch chuyển cho toàn bộ máy. Các chứng chỉ nếu thực sự cần thiết, sẽ được viên chức, người lao động tranh nhau đăng ký đi học, tìm học, chứ không phải gắng cho đẹp hồ sơ./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN