Xã hội hóa để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

  • 04/02/2021 05:05:28
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án trọng điểm sẽ được TP.HCM tập trung phát triển, kết nối hạ tầng đồng bộ.

 

Giai đoạn này, cần giải quyết được bài toán về huy động nguồn lực, xã hội hóa đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đưa các dự án về đích hiệu quả.

Theo Sở GTVT TP.HCM, năm 2021, hàng loạt các dự án giao thông lớn, góp phần tăng khả năng kết nối đô thị và thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế xã hội sẽ được thành phố đầu tư, thực hiện. Điều này đã thu hút nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân thành phố: "Giao thông sắp tới được đẩy nhanh các dự án, có nguồn tín dụng tốt, vốn vay, xã hội hóa thì sẽ thúc đẩy hơn nữa và cũng có hành lang để các dự án giao thông tiến triển hơn".

Tình trạng ùn ứ giao thông ở TP.HCM ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Ảnh: Thanh niên

"Đường Trường Chinh đang mở rộng ra là tốt. Nhưng thành phố phải làm nhanh, gọn lẹ, nếu kéo dài ra thì cực kỳ khó khăn cho người dân lưu thông".

"Kẹt xe sẽ càng tăng lên nếu không cải thiện hạ tầng. Tôi thấy một số nút giao cần thêm cầu vượt để tránh xung đột giao thông".

"Khó nhất là tuyến đường Cộng Hòa, khúc đường Trường Chinh, ngã ba Bà Quẹo kẹt xe 2 chiều lên xuống. Nếu có thêm đường thì càng tốt. Vì hạ tầng giao thông bây giờ đường xá có nhiêu đó mà dân cư càng ngày càng đông, xe càng ngày càng tăng".

Thách thức của TP.HCM hiện nay vẫn là vấn nạn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, do áp lực về gia tăng dân số. Do đó, Sở Giao thông vận tải thành phố nghiên cứu đề án “Phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”.

Các dự án bao gồm cả lĩnh vực đường bộ, đường thủy. Trong đó, năm 2021 ưu tiên dự án có tính liên kết vùng như tuyến metro số 1, số 2; xây các tuyến cao tốc mới và hiện hữu; khép kín đường Vành đai; mở rộng các tuyến quốc lộ cửa ngỏ thành phố gồm quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50; khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái; dự án thành phố Thủ Đức...

Ông Võ Khánh Hưng – Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: "Đẩy mạnh các dự án như dự án vành đai, các cầu kết kết nối giữa quận này sang quận kia. Những công trình cấp bách có thể thực hiện ngay, ngắn ngày dưới hình thức như là đảm bảo giao thông là duy tu, sửa chữa. Cái này phải thường xuyên theo dõi, cập nhật tình trạng và xử lý ngay".

Cầu vượt nút giao thông Mỹ Thủy vẫn đang trong quá trình thi công.

Ngoài các dự án lớn, mang tính chiến lược, theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, trong năm 2021, thành phố sẽ cố gắng hoàn thành và đưa vào sử dụng 45 dự án, gói thầu như dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, mở rộng đường Đồng Văn Cống, đường Cộng Hòa - Trường Chinh – Hoàng Hoa Thám, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2…

"Bên cạnh dự án hoàn thành trong năm 2021, cũng chuẩn bị những dự án mang tính chiến lược lâu dài. Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở GTVT, các sở ngành liên quan; đặc biệt là sự lãnh đạo của địa phương và người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, để chúng ta sớm có được mặt bằng thuận lợi. Chúng tôi sẽ cố gẳng đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình để phục vụ người dân tốt hơn nữa".

Theo Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, đây đều là các dự án có ý nghĩa quan trọng kết nối các tỉnh và phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cũng theo tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, các dự án nêu trên có kế hoạch đầu tư từ lâu nhưng chưa triển khai, khiến khu vực chưa phát huy thế mạnh vốn có. Do đó, điều quan trọng bây giờ là huy động nguồn vốn để hiện thức hóa các dự án.

"Khi vẽ trên giấy những bản vẽ thiết kế phải đi liền với kế hoạch chính sách thu hút đầu tư. Thành phố phải quyết liệt trong việc thương thảo với trung ương, các cấp bộ ngành có cơ chế đặc thù để thành phố quyết mọi việc, những việc như đầu tư hạ tầng, các công trình trọng điểm tạo thành bộ khung của thành phố.

Tiếp theo là về sự phối hợp phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng cũng là một trong những khâu phức tạp, vì vậy phải có những chính sách đền bù giải phóng rất mở về vấn đề này".

Để thực hiện đề án, Thành phố đặt mục tiêu giải ngân 95% tổng vốn được giao, tạo điều kiện chính sách thuận lợi kêu gọi đầu tư; đồng thời duy trì chế độ giao ban thường xuyên giữa các Sở ngành để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang thi công sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Khoa học đời sống.

Cùng với việc thành lập thành phố Thủ Đức, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhiều dự án trọng điểm sẽ được TP.HCM tập trung phát triển, kết nối hạ tầng đồng bộ, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực.

Giai đoạn này, thành phố cần giải quyết được bài toán về huy động nguồn lực, xã hội hóa đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đưa các dự án về đích hiệu quả.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “TP.HCM: Xã hội hóa để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”.

Việc đầu năm mới 2021, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định “Phê duyệt đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030” là một tin vui đối với mỗi người dân thành phố.

Nhiều năm qua dù luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi tập trung nguồn năng sáng tạo của nhiều ngành nghề tiên tiến và hiện đại nhưng TP. HCM Minh luôn mắc trong thế kẹt xe, ùn tắc giao thông triền miên, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của thành phố.

Mặc dù các cấp, các ngành của thành phố đã có nhiều nỗ lực nhưng không sao giải quyết được nút thắt này khiến mỗi người dân khi ra đường đều thấy ngao ngán. Các công trình giao thông dù có được triển khai nhưng cũng chằng thấm là bao so với nhu cầu đi lại của người dân và phương tiện mỗi ngày một gia tăng, vượt xa so với dự đoán.

Chưa kể các công trình vừa thiếu vốn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên liên tục bị lùi tiến độ kéo theo hệ lụy đội vốn, đắp chiếu, trùm mền thường xuyên diễn ra.

Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố trong 10 năm tới với nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Trong đó có các giải pháp về chính sách quản lý, nhóm giải pháp huy động về vốn và lộ trình thực hiện.

Các nhóm này đều đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ khá cụ thể. Trong đó riêng việc huy động vốn sẽ thực hiện từ nhiều nguồn như vốn từ Trung ương, vốn vay ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, vốn doanh nghiệpvv...

Thành phố dự kiến đầu tư các dự án đường bộ như Vành đai 3, 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ...Các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.

Như vậy, đường hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của TP. HCM Minh trong thời gian tới đã được thể hiện rõ bằng quyết định, thể chế cụ thể và có tầm nhìn. Vấn đề còn lại lúc này là thành phố phải ban hành được các chính sách cụ thể, chi tiết đủ sức hấp dẫn và thông thoáng để các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư.

Thực tế nhiều khu đô thị; con đường, cây cầu của thành phố mang tính đột phá góp phần làm thay đổi diện mạo của thành phố thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ việc xã hội hóa các nguồn lực đầu tư như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đại lộ Đông Tây, cầu Phú Mỹ vv… Đây không chỉ là nhưng công trình dân sinh thiết thực mà còn cho thành phố nhưng bài học kinh nghiệm rất lớn trong việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để áp dụng trong nhiều năm tới.

Một nút thắt nữa trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của TP. HCM hay Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước là ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều con đường, cây cầu đã quy hoạch, có vốn đầu tư nhưng trầm ê, trôi hết từ năm này qua năm khác vì không có mặt bằng để thi công.

Đây là khâu yếu của công tác quản lý nhà nước mà thành phố và các địa phương khác cần khắc phục nếu muốn hạ tầng giao thông thay đổi. Cách cởi bỏ nút thắt này là ở đâu người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành sâu sát, làm tới nơi tới chốn, công khai, minh bạch; làm cho dân hiểu, dân tin thì nơi đó mặt bằng luôn được bàn giao sớm; công trình đi vào xây dựng tạo được sự đồng thuận và phấn khởi lớn trong nhân dân và ngược lại.

TP. HCM Minh đang trên đà tăng trưởng với sức bật mới khi xây dựng chính quyền đô thị, thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập và là nơi dẫn dắt nền kinh tế của cả nước. Do vậy kết cấu hạ tầng giao thông cần một sự đầu tư nhiều hơn nữa để đi trước một bước.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố phải chỉ rõ và ràng buộc trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; tổ chức làm nhanh, làm kịp thời; đồng bộ; tạo cơ chế thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế tham gia. Có như vậy mới tạo bước đột phá cho kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố vượt lên, thay đổi, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế- xã hội trong nhiều năm tới./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận