Phong trào tỉnh nào cũng có sân bay
Tỉnh Ninh Bình vừa bất ngờ đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Tuy nhiên, Ninh Bình lại nằm rất gần sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá).
Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, hàng năm, Ninh Bình thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới. Năm 2019, Ninh Bình đón trên 7,6 triệu lượt khách. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8,0 - 9,0 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên.
Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài.
Khách du lịch và chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Trong khi mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao.
Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh, thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của Ninh Bình.
Được biết, hai vị trí mà tỉnh Ninh Bình đề xuất nghiên cứu là tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh.
Ninh Bình không phải là địa phương duy nhất đang đề nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch. Thời gian gần đây, nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng và mới đây nhất là Hà Nội đều có đề xuất xây dựng sân bay mới.
Khó khả thi
Liên quan tới đề xuất nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, trường Đại học Bách Khoa TP HCM cho rằng: "Việc các tỉnh đua nhau xin chủ trương đầu tư sân bay, thì cần phải đặt ra câu hỏi: Có cần thiết không?".
"Nếu có sân bay tại vị trí đề xuất thì vùng dân cư nào có nhu cầu sử dụng sân bay, hay là đón khách từ nơi khác đến sân bay đó. Như vậy, cần đặt ra nguyên tắc cho các sân bay hiện hữu cũng như quy hoạch trên toàn quốc", PGS.TS. Tống phân tích.
PGS.TS. Tống lấy dẫn chứng: Sân bay Nội Bài và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá) chắc chắn là đã được quy hoạch bao phủ cho cả dân cư vùng Ninh Bình rồi. Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình đang có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, khi các tuyến cao tốc đang được đầu tư, kết hợp với đường sắt, đường thuỷ đi qua tỉnh nối tới Thanh Hoá và Hà Nội thì việc đầu tư sân bay tại Ninh Bình là không cần thiết.
Hành khách tại Ninh Bình có 2 sựa lựa chọn, 1 là đi tới sân bay Thọ Xuân, 2 là đi tới sân bay Nội Bài rất thuận tiện. "Tôi cho rằng, nếu đầu tư sân bay Ninh Bình thì chắc chắn là lỗ vì sẽ không có khách đi, vì địa phương này có khoảng cách địa lý gần với sân bay Thọ Xuân và sân bay Nội Bài", PGS.TS. Tống phân tích.
PGS.TS. Tống cũng cho rằng: "Nếu chỉ đầu tư sân bay phục vụ cho dân cư tỉnh Ninh Bình thì rất nhỏ bé về số lượng dân cư sử dụng sân bay này. Đặc biệt, khoảng cách tại sân bay này quá gần với các sân bay hiện hữu, vì vậy đầu tư sẽ rất lãng phí và không hiệu quả".
Nhiều chuyên gia giao thông phân tích, nếu Ninh Bình chỉ dựa vào lượng khách du lịch theo mùa như hiện nay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất thấp.
Hơn nữa, Ninh Bình cũng chưa có những trung tâm lớn về đầu tư, trong khi lại quá gần các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Thọ Xuân (Thanh Hóa). Việc kết nối đến các sân bay lân cận cũng rất thuận lợi khi mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam đã và đang hình thành khá thuận tiện cho việc đi lại.
Đại diện Cục Hàng không Việt cho biết, việc bổ sung cảng hàng không Ninh Bình là khó khả thi vì quá gần với một loạt sân bay khác.
Trước việc tỉnh Ninh Bình đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Bộ GTVT đã nhận được văn bản đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình về việc xây dựng sân bay Ninh Bình. Đây mới chỉ là ý kiến đề xuất từ phía tỉnh Ninh Bình mà thôi, Bộ chưa có ý kiến về việc này".
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đang chỉ đạo Cục Hàng không tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Hiện nay, Bộ GTVT đang tổng hợp các đề xuất của các địa phương về quy hoạch sân bay, sau đó, sẽ có hội đồng đánh giá. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ lấy ý kiến các nhà chuyên môn xem xét, đưa ra những đánh giá về hiệu quả thì mới có thể trả lời các tỉnh được", đại diện Bộ GTVT cho biết.
Được biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về hồ sơ báo cáo cuối kỳ. Do vậy, việc nhiều địa phương cùng lúc đề xuất bổ sung sân bay địa phương vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không toàn quốc cũng là dễ hiểu.
“Trường hợp quy hoạch mạng cảng hàng không, sân bay đã duyệt, muốn bổ sung, phải được sự chấp thuận của Thủ tướng”, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT nói./.
Theo VOV.VN