Hà Nội: Vì sao chưa thể 'chốt' được quy hoạch hai bờ sông Hồng?

Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đến nay vẫn chưa thành hiện thực và ngày về đích của đề án vẫn chưa thể đoán định.

 

Chậm quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhiều diện tích đất đang ngoài tầm kiểm soát?

Việc Hà Nội chậm triển khai quy hoạch khu vực hai bờ sông Hồng đang để lại rất nhiều hệ lụy, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai, cuộc sống người dân... Phường Lĩnh Nam và Thanh Trì, quận Hoàng Mai, nơi có hàng chục ha đất ngoài bãi sông Hồng, với gần 4.000 hộ dân sinh sống là một dẫn chứng cho thấy những phát sinh từ thực trạng chậm triển khai quy hoạch. Chính vì thực trạng “lơ lửng” nên dù sinh sống bao đời nay, người dân khu vực ngoài bãi vẫn không được cấp phép, xây mới nhà cửa; việc thế chấp, vay vốn, chuyển nhượng cũng gặp rất nhiều khó khăn, tác động lớn đến đời sống dân sinh. Ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai cho biết: “Bây giờ người dân xin cải tạo sửa chữa nhà cũng là vấn đề khó khăn với chúng tôi. Cho làm hay không cho làm? Cho làm đến mức độ nào. Nếu để bà con xây dựng không có phép là mình có lỗi, mà không để cho bà con làm thì áy náy...”.

Nhiều vấn đề xã hội khác đang là một tồn tại dọc bờ bãi sông Hồng.  Ảnh: KT

Không chỉ cuộc sống người dân bị ảnh hưởng - khi “đi không được, ở không xong”, việc quy hoạch chưa được phê duyệt, chưa đưa đất vào sử dụng theo chức năng ô đất đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất. Dọc hai bên bờ sông Hồng, nhất là qua địa bàn các quận, tình trạng bỏ hoang, lấn chiếm đất đai; đổ trộm phế thải rác thải luôn “nóng”. Việc nhiều tổ chức, cá nhân “ôm” hàng chục ha đất được cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích dọc bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội đã làm “dậy sóng” dư luận nhiều năm trước như ở quận Hoàng Mai, quận Long Biên.

Kết luận thanh tra số 1316 của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội ghi rõ: “Việc cho thuê đất của UBND các phường (quận Hoàng Mai) là trái thẩm quyền và việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân là sai mục đích”. Hầu hết, mục đích sử dụng đất ghi trong hợp đồng là cải tạo, đưa vào sản xuất, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã biến những khu đất này thành bãi tập kết vật liệu xây dựng, sân đỗ xe và nhiều công trình xây dựng không phép, trong đó có những nhà xưởng nằm trong vùng thoát lũ.

Số liệu của Vụ quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ tháng 12/2019 đến 11/2020 trên địa bàn Hà Nội phát sinh 59 vụ vi phạm về đê điều, trong đó khu vực sông Hồng luôn là điểm “nóng”. Đơn cử như tại quận Tây Hồ là vi phạm tại khu vực cuối ngõ 1,5,9, 11 khu tập thể F361 An Dương. Cùng với đó là tình trạng trồng cây, dựng lều lán, xây dựng công trình tạm, xâm phạm công trình kè Phú Gia, phường Phú Thượng… Ông Công Minh Tuấn, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Tây Hồ nói: “Nhu cầu xây mới cải tạo nhà ở khu vực ngoài đê là nhu cầu chính đáng và đang trở thành vấn đề bức xúc. Việc này dẫn đến việc quản lý trật tự xây dựng là vô cùng khó khăn. Cho nên việc phê duyệt phân khu quy hoạch sông Hồng rất cấp thiết…”.

Từ thực tế hàng chục năm sinh sống khu vực bãi sông Hồng, ông Hồ Văn Tâm, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên cho rằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và nhiều vấn đề xã hội khác đang là một vấn đề bức xúc không chỉ riêng ở phường Bồ Đề, mà của nhiều địa bàn ven sông. Thực trạng chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đang kìm hãm sự phát triển của đô thị Hà Nội, nâng cao đời sống dân sinh.

ần 30 năm qua, một số dự án quy hoạch sông Hồng vẫn chưa thành hiện thực.

Từ năm 1994 đến nay đã có rất nhiều dự án, nghiên cứu liên quan đến quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng của các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vì những khó khăn, vướng mắc khác nhau, nên mục tiêu đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Vậy, những rào cản nào đã trì hoãn việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch hai bên bờ sông Hồng?

Vướng mắc từ đâu?

Dù đã rất quyết tâm, nhưng nhiều năm qua, Hà Nội vẫn chưa thể phê duyệt được quy hoạch phân khu hai bờ sông Hồng. Đặc biệt, đầu năm 2016, thực hiện Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, thành phố Hà Nội đã rốt ráo hoàn thiện đề án, nhưng một lần nữa quy hoạch phân khu vẫn không thể về đích. Vậy, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thể hiện sự sốt ruột khi nói về những tồn tại hai bên bờ sông Hồng, nhất là khu vực qua địa bàn Hà Nội mà nguyên nhân là do quy hoạch phân khu chưa thể thực hiện. “Về việc cải tạo chỉnh trang khu vực bãi sông, chúng tôi rất muốn vừa là làm sao phát triển khu vực bãi sông vừa đảm bảo đúng luật pháp để phát triển thủ đô. Chứ mỗi lần đi kiểm tra khu vực bãi sông là thấy những tồn tại mà chúng ta không thể để tồn tại mãi thế này được. Nhưng để đảm bảo được việc này, rất mong thành phố xây dựng phương án phòng chống lũ trong quy hoạch phát triển Thủ đô”, ông Hoài cho hay.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 8/7/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, vướng mắc quy hoạch đã kìm hãm phát triển ở khu vực này, các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều "án binh bất động”. Do không có quy hoạch hai bên sông Hồng nên nhiều nguồn lực bị lãng phí. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, muốn quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Vì vậy, Hà Nội xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương, hướng dẫn, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Dưới góc nhìn của Tư lệnh ngành, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong quy hoạch thiết kế đô thị, cùng với trục hai bên sông Tô Lịch, Láng Hòa Lạc, hồ Tây thì quy hoạch hai bên bờ sông Hồng vô cùng quan trọng trong quy hoạch và thiết kế đô thị của Hà Nội. Hiện quy hoạch hai bên sông Hồng đang vướng vào quy hoạch thoát lũ, nhưng nếu tất cả tập trung nghiên cứu, xử lý thì chúng ta vẫn đạt được yêu cầu của ngành nông nghiệp - là phòng, chống thiên tai, mà vẫn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hai bên bờ sông Hồng: “Khu vực hai bên bờ sông Hồng có thể nói rất quan trọng. Đây là khu vực nó đi sâu vào tiềm thức không chỉ của người dân Hà Nội mà là người dân cả nước khi đến Hà Nội. Về việc này chúng ta gặp nhiều cái khó, nhất là liên quan đến phòng chống thiên tai, Luật Đê điều phòng chống thiên tai, yêu cầu bảo vệ Thủ đô khi có mưa lũ, trường hợp bất khả kháng”.

Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thừa nhận, việc chậm quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đồng thời cho biết, sau khi quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 257 năm 2016), Hà Nội đã triển khai ngay quy hoạch chi tiết, nhưng đang làm dở thì theo Luật mới, phải bàn giao lại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do vậy quy hoạch hai bên bờ sông Hồng tiếp tục phải dừng lại. Ông Phạm Quốc Tuyến cho biết: “Giải pháp khắc phục thì trong thời gian vừa qua cả sông Hồng và sông Đuống đều liên quan đến vấn đề này. Chúng tôi đã đề xuất với UBND thành phố và chúng tôi đã gửi trước đề án quy hoạch sông Đuống, sau đó cố gắng trong tháng 1/2021 chúng tôi sẽ gửi tiếp quy hoạch sông Hồng để xin ý kiến trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cơ quan phụ trách vấn đề này. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những nội dung nào phù hợp chúng tôi sẽ làm, những nội dung nào vượt quá thẩm quyền thì chúng ta báo cáo Thủ tướng”.

Khu vực hai bờ sông Hồng qua địa bàn Hà Nội là khu vực có nhiều tiềm năng, với diện tích gần 11.000ha, khoảng 900.000 người dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến huyện Phú Xuyên. Việc sớm phê duyệt được quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ là bước đột phá, không chỉ giúp Hà Nội giải được bài toán quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển đô thị hiện đại, bảo vệ môi trường, mà còn tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân…/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận