Việt Nam giữ nguyên chiến thuật 'kiểm soát chặt' trước biến chủng nCoV

  • 07/01/2021 03:57:02
  • Thiên Bình
  • Xã hội
  • 0

Trước chủng mới của virus corona, Việt Nam giữ nguyên chiến thuật giữ chặt ở bên ngoài và bên trong, tiếp tục tăng cường các giải pháp đặc biệt là chiến dịch 5K

 

Tại cuộc họp sáng 7/1, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, tình hình chống dịch và diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới đang hết sức phức tạp. Trong khi, tại Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu và chuẩn bị sự kiện quan trọng là Đại hội Đảng, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các Chỉ thị phòng, chống dịch. 

(Ảnh minh hoạ)Các thành viên Ban chỉ đạo, cùng các chuyên gia y tế nhận định, mặc dù xuất hiện chủng mới của virus corona, song về cơ bản Việt Nam cần giữ nguyên chiến thuật giữ thật chặt từ bên ngoài và bên trong, tiếp tục tăng cường các giải pháp chống dịch hiệu quả thời gian qua, đặc biệt là chiến dịch 5K do Bộ Y tế phát động. Bên cạnh đó, mỗi ngành và mỗi địa phương phải đảm bảo mọi loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh… an toàn.

Hỗ trợ chi phí cách ly cho công dân có hoàn cảnh khó khăn

Với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, Ban Chỉ đạo khẳng định phải ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Ngoài việc tăng cường lực lượng biên phòng, an ninh và công an, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh hai giải pháp là tăng cường công tác nắm sát địa bàn của chính quyền cơ sở dưới sự tham mưu của cơ quan công an và y tế, để nắm rõ các gia đình có người ở nước ngoài. Qua đó thông qua gia đình kêu gọi, vận động công dân không nhập cảnh bất hợp pháp. Nếu về nước, công dân phải tuân thủ đúng chủ trương của Nhà nước, phải nhập cảnh hợp pháp và cách ly theo đúng quy định. 

Thứ hai, Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các địa phương phối hợp với cơ sở cách ly để nắm bắt các trường hợp công dân về nước qua đường bộ có hoàn cảnh khó khăn, để hỗ trợ về chi phí cách ly. Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ báo cáo với Thủ tướng giải quyết theo hướng xác định các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để Nhà nước có hỗ trợ chi phí cách ly và trước mắt chính quyền địa phương sẽ giải quyết hỗ trợ này. 

Các thành viên Ban chỉ đạo đề nghị lực lượng quân đội, ngành y tế, giao thông và ngoại giao rà soát lại năng lực cách ly và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhất là trong dịp giáp Tết Nguyên đán này. Khi các cơ sở cách ly đủ khả năng và tiến hành cách ly thật an toàn, Việt Nam vẫn từng bước giải quyết các nhu cầu về nước chính đáng của công dân theo tinh thần thật an toàn. 

Bịt lỗ hổng trong quy trình cách ly và sau cách ly

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 cũng lưu ý, thực tế diễn biến dịch COVID-19 ở trong nước đã có các trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm chính thức cuối cùng đã được cho kết thúc cách ly. Điều này cho thấy quy trình bàn giao và nhận người sau khi cách ly để về theo dõi y tế tại địa phương vẫn còn sơ hở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

“Yêu cầu Bộ Y tế chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành rà soát lại và có văn bản chỉ đạo thực hiện quy trình này để đảm bảo tất cả các trường hợp sau khi cách ly tập trung theo quy định, khi ra khỏi khu cách ly phải được bàn giao cụ thể, chi tiết, giữa khu cách ly với địa phương. Sau khi cách ly theo quy định, các trường hợp này cũng phải thực hiện các biện pháp theo dõi y tế nghiêm ngặt, để đảm bảo giữ tuyệt đối an toàn, không lây lan virus ra cộng đồng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu.

Với một số trường hợp có tính cá biệt, sau khi nhập cảnh hơn 14 ngày và phải xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, các lực lượng chức năng cũng phải rà soát, xem xét lại toàn bộ quy trình, các quy định cách ly để đảm bảo và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh trong các khu cách ly tập trung. Tại các khu cách ly ở khách sạn, giao Bộ Y tế chỉ đạo các lực lượng y tế tăng cường kiểm tra và kiểm soát.

Thông tin tại cuộc họp, các chuyên gia y tế đề cập trường hợp “dương tính giả”, theo đó, nguyên do có thể do các chủng virus khác và các test vẫn có xác xuất vì tỷ lệ chuẩn nhất đạt 98%. Do vậy, Ban Chỉ đạo khẳng định, khi xác định trường hợp nghi ngờ, các lực lượng chức năng vẫn triển khai ứng phó như phát hiện ca bệnh. Kể cả trường hợp “dương tính yếu” vừa ghi nhận tại TPHCM, các cơ sở y tế khi công bố thông tin phải nêu rõ đây là trường hợp nghi ngờ. 

Ban Chỉ đạo nhắc lại yêu cầu Bộ Y tế tăng cường hệ thống thông tin, cập nhật để đảm bảo giám sát y tế tất cả công dân Việt Nam từ khâu đăng ký về nước, đến khi về nước và thực hiện cách ly… Đặc biệt, khâu theo dõi y tế phải thực hiện nghiêm ngặt sau khi hoàn thành cách ly tập trung.

Thông tin về BN1498 phát hiện dương tính sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung và trở về nhà ở Quảng Ninh, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Trường hợp dương tính với COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại Chương Mỹ, Hà Nội, có một số quy trình thực hiện chưa đúng. Thứ nhất, trường hợp này chưa có kết quả xét nghiệm cuối cùng mà đã cho ra khỏi khu cách ly. Thứ hai, bệnh nhân khi ra khỏi khu cách ly lại không có những đơn vị, cơ quan chức năng đón để bàn giao về địa phương, mà trường hợp này lại là xe của gia đình đón về. Thứ ba, khi về nhà, bệnh nhân này đã cùng gia đinh ra ngoài ăn tối. Điều này không tuân thủ theo đúng hướng dẫn”.

Phân tích kỹ trường hợp này, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, sai phạm đầu tiên thuộc về CDC Chương Mỹ. Ngoài ra CDC địa phương - nơi cư trú của bệnh nhân, phải có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn và đặc biệt bản thân người bệnh không tuân thủ quản lý y tế, phải hạn chế tối đa tiếp xúc… 

Các thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia khẳng định, quy trình bàn giao, theo dõi y tế người cách ly phải được chấn chỉnh, không thể vì một số bộ phận lơi lỏng hay vì sự thoải mái một cá nhân mà gây nguy hại cho cộng đồng. 

Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Tất cả các quy định đã rất rõ ràng, cụ thể nhưng vẫn có trường hợp thực hiện không nghiêm. Do vậy, yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại tất cả các quy trình và nơi nào làm sai Bộ Y tế phải chính thức có văn bản kiến nghị xử lý”./.

Theo Thiên Bình/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận