Covid-19: không được lơ là chống dịch

  • 07/01/2021 01:33:04
  • Thiên Bình
  • Xã hội
  • 0

Vừa qua, ở một số nơi đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không áp dụng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

Ngày 5/1, Thường trực Ban Bí thư có điện chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Bức điện của Thường trực Ban Bí thư đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, với biến chủng mới xuất hiện tại nhiều nước có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn. Dù đã có nhiều nước công bố vaccine COVID-19, song hiệu quả còn ở phía trước, vì thế vẫn cần tiếp tục tuân thủ triệt để các giải pháp phòng, chống dịch.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ ca nhiễm xâm nhập và lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do nguyện vọng của đồng bào ta từ nước ngoài trở về nước đón Tết Tân Sửu 2021 rất lớn. Đáng lo ngại là tình hình nhập cảnh trái phép tại các địa phương có đường biên giới giáp với các nước láng giềng. Vừa qua, ở một số nơi đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không áp dụng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của cấp trên và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV VOV.VN, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, nhận Điện của Thường trực Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Với đặc điểm địa bàn, Cao Bằng đặc biệt quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, thực hiện tốt công tác tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về.

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có rất nhiều người Việt từ Trung Quốc trở về, vượt quá khả năng tiếp nhận của địa phương. Tỉnh đã báo cáo Quân khu I và ngày 4/1/2021, đã chuyển hơn 200 công dân về Bắc Kạn để cách ly phòng dịch và ngày 5/1 cũng thêm các công dân đi cách ly. 

“Phó Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đã đi kiểm tra các cơ sở cách ly trên địa bàn để tiếp tục mở rộng, sẵn sàng tiếp nhận công dân trở về. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế để phòng dịch, chuẩn bị sẵn lực lượng cho công tác tiếp nhận công dân, chăm sóc y tế… trong dịp Tết và Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra”, ông Nông Tuấn Phong nói.

Đêm 4/1, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh (BCH Bộ đội Biên phòng Cao Bằng) đã phát hiện, thu dung 170 công dân từ Trung Quốc trở về.Theo GS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH Khóa 14, Tết Nguyên đán sắp tới, người dân xa xứ trở về rất nhiều. Đây là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng vì người Việt luôn hướng về cội nguồn, Tết phải đoàn viên với gia đình, về với quê hương. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, điều này trở nên rất nguy hiểm. Dịp Tết, cũng là khoảng thời gian của lễ hội, người dân tập trung, họp mặt gia đình và bạn bè rất nhiều… Những điều này dẫn đến nguy cơ cao dịch tái bùng phát tại Việt Nam, do vậy, cần phải có chỉ đạo cần thiết như vậy từ Thường trực Ban Bí thư để người dân chú ý, tuân thủ và cùng nhau đồng tâm hiệp lực chống đại dịch.

“Chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 đưa ra vào thời điểm này là đúng đắn và kịp thời. Bởi vì, dịch COVID-19 diễn biến trên thế giới vẫn rất nghiêm trọng và phức tạp, trong đó, có những nước người Việt đang sinh sống và làm việc rất nhiều như Anh, Đức, Mỹ hay Nhật Bản…”, GS Anh Trí nhấn mạnh.

Đánh giá tình hình dịch COVID-19, GS Anh Trí cho rằng, đại dịch còn rất phức tạp trên quy mô toàn cầu, kể cả trường hợp có vaccine thì cũng cần thời gian để vaccine có thể bao phủ đạt ngưỡng an toàn. Chưa kể hiệu quả của vaccine vẫn là vấn đề cần phải theo dõi thêm: “Người dân cần hiểu rằng, kể cả có vaccine thì vẫn cần thời gian từ 3-6 tháng để sinh ra kháng thể phòng chống virus. Với tất cả lý do này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, người dân không thể lơ là và chủ quan với tâm lý đã có vaccine. Do vậy, chủ trương 5K của Bộ Y tế là vô cùng đúng đắn, trong đó, đặc biệt lưu ý việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Trong 5k này còn việc dịp Tết này cần hạn chế thấp nhất việc tụ tập đông người. Đây là ý thức của người dân và nó mang giá trị cũng như hiệu quả hơn nhiều trong phòng, chống đại dịch COVID-19 so với trông chờ vào vaccine”.

GS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH Khóa 14.Nhận định của GS Anh Trí cũng là một phần trong yêu cầu của Thường trực Ban Bí thư. Theo đó, yêu cầu, hạn chế tổ chức các sự kiện đông người; hạn chế tổ chức các lễ hội; có giải pháp phòng, chống dịch đối với các khu phố đi bộ, các khu vui chơi tập trung đông người, hoạt động bắn pháo hoa…; quản lý chặt chẽ các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các quán bar, karaoke, vũ trường; thực hiện việc kiểm tra và xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

Tròn 1 năm trước, ngày 23/1/2020, hai ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam đúng thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Canh Tý. Ngay trong đêm 23/1 (tức 29 Tết), Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, cả hệ thống chính trị sẵn sàng bước vào cuộc chiến “chống giặc” Covid-19. Nhiều cuộc họp từ Trung ương đến địa phương được tổ chức với những chỉ đạo sát sao, cụ thể cho công tác phòng chống dịch.

Hình ảnh chen chân đi lễ ở phủ Tây Hồ ngày 28/1/2020, khi những ca bệnh đầu tiên đã được phát hiện ở Việt Nam. Ngày 29/1, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Công văn số 79 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trong đó nhấn mạnh “công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách” và “huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”.

Như vậy, trong công cuộc phòng, chống Covid-19, Đảng luôn đưa ra những yêu cầu rất sớm để cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao tinh thần cảnh giác và đoàn kết chống dịch, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của. 

Tết Nguyên đán đang đến gần. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng sắp diễn ra. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Bởi vậy, muốn có một cái Tết bình yên, muốn tổ chức thành công sự kiện lớn của đất nước, không có cách nào khác, chúng ta càng cần phải quyết tâm thực hiện tốt nhất các biện pháp chống dịch và xử lý nghiêm các hành vi làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng./.

Theo Thiên Bình/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận