Cụ thể, các chức danh mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ không còn được hưởng quyền nhân thân.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (gọi tắt là Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi) do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo đang đưa ra lấy ý kiến với nhiều quy định liên quan đến bảo vệ quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cũng như các thủ tục đăng ký quyền tác giả, thủ tục xác lập sở hữu công nghiệp
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học
Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi gồm 4 điều. Trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50 năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36 năm 2009 và Luật số 42 năm 2019. Điều 2: Bãi bỏ khoản 19 Điều 4, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Sở hữu trí tuệ. Điều 3: Điều khoản chuyển tiếp và Điều 4: Hiệu lực thi hành
Sau khi bổ sung 80 điều của 14 chương và 1 mục, Luật Sở hữu trí tuệ có 18 chương và 235 điều (giữ nguyên số chương và tăng 13 điều so với Luật hiện hành).
Mục đích của việc xây dựng Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi là nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 15 năm thi hành, đồng thời thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điểm đáng chú ý, Dự thảo đã luật hóa quy định tại Nghị định số 22 năm 2018 về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Theo đó, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học.
Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi một số quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu. Cụ thể, các chức danh mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ không còn được hưởng quyền nhân thân. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất để sáng tạo tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận về việc đặt tên, sửa chữa tác phẩm.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi, bổ sung thêm một số trường hợp được phép sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền như sử dụng tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập cá nhân, sử dụng cho người khuyết tật… Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Dự thảo Luật bổ sung thình thức nộp hồ sơ trực tuyến, đáp ứng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính,
Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm quy định, rút ngắn thời gian bảo hộ một nhãn hiệu từ 5 năm xuống 3 năm, nhằm tạo cơ chế để rút bỏ các nhãn hiệu đã không còn được quan tâm và trao cơ hội cho các nhãn hiệu trùng/ tương tự nộp sau được bảo hộ.
Hiện Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi đang trong quá trình lấy ý kiến và sau đó gửi sang Bộ Tư Pháp thẩm định. , dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2021 để xem xét cho ý kiến.
Bảo đảm một thị trường lành mạnh và hàng giả hàng nhái sẽ bị trấn áp mạnh mẽ
Để hiểu rõ hơn những điểm mới của Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng như hướng tác động nếu văn bản này được thông qua, phóng viên kênh VOVGT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bảy- Trưởng phòng pháp chế, Cục sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và công nghệ, đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự thảo Luật này.
PV: Xin ông cho biết về những điểm lớn của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ?
Ông Nguyễn Văn Bảy: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ lần này tập trung vào một số chính sách và vấn đề lớn:
Nội dung thứ nhất, chính là đảm bảo quy định rõ hơn về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan.
Thứ hai là, khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ sử dụng ngân sách nhà nước.
Thứ ba, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Thứ tư, chính là đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ năm là tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu tuệ mà chúng ta thường nói là từ thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Cuối cùng, dự thảo luật tập trung vào đó chính là bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ quyền trí tuệ trong quá trình hội nhập, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia rất nhiều FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
PV: Xin ông có thể cho biết rõ hơn về những chính sách khuyến khích, tạo ra khai thác và phổ biến những sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước?
Ông Nguyễn Văn Bảy: Hiện nay, theo quy định hiện hành đối với những sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước thì có quyền đăng ký để trở thành chủ văn bằng bảo hộ (thực hiện cái quyền của chủ sở hữu đó thuộc về chủ đầu tư), tức là các cơ quan Nhà nước đã đầu tư ngân sách để tạo ra 3 đối tượng đó.
Dự thảo luật lần này sẽ chuyển quyền đăng ký 3 đối tượng đó cho các đơn vị chủ trì, ở Việt Nam chủ yếu là các trường đại học và Viện nghiên cứu, trên cơ sở đó thì họ có động lực để triển khai việc thương mại hóa.
Tất nhiên, những sáng chế, thiết kế, bố trí mạch tích hợp và kiểu dáng công nghiệp được tạo ra từ ngân sách Nhà nước, dù sao nó cũng là một tài sản của Nhà nước. Do vậy là khi đã chuyển quyền đăng ký, pháp luật cũng phải quy định những tình huống nhất định để Nhà nước có thể sử dụng đối tượng đó cho những mục tiêu của Nhà nước. VD như những mục tiêu về quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, chủ văn bằng các đối tượng này khi được nhận quyền đăng ký đó thì cũng phải có số nghĩa vụ nhất định để sử dụng cũng như bảo vệ tài sản đó.
PV: Thưa ông dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ, nếu được thông qua thì những nhóm đối tượng nào thì sẽ hưởng lợi từ những chính sách?
Ông Nguyễn Văn Bảy: Với 7 chính sách như vừa đề cập, bao trùm tất cả các đối tượng. Điều đầu tiên, không những là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, các đối tượng sở hữu trí tuệ. Với các chính sách tăng cường bảo hộ quyền trí tuệ thì đương nhiên nó mang lại lợi ích cho đối tượng sở hữu trí tuệ, bên cạnh đó bảo vệ lợi ích của người tiêu dung.
Khi mà pháp luật tạo ra một cơ chế bảo hộ rõ ràng minh bạch thì người tiêu dùng cũng được bảo vệ, cái đó thể hiện rất rõ ở điểm là tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường thực thi quyền sở hữu tuệ sẽ được bảo đảm cho một thị trường lành mạnh và hàng giả hàng nhái sẽ bị trấn áp mạnh mẽ, trong trường hợp đó người tiêu dùng không phải đối mặt với một thị trường hỗn loạn của hàng giả nhái.
Tất nhiên, các sáng chế khoa học công nghệ, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tựu chung lại, nền kinh tế xã hội sẽ được hưởng lợi khi mà nó tạo động lực cho các nhà sáng tạo, cũng như các nhà kinh doanh và các đối tượng như người tiêu dùng hoàn toàn thể xã hội sẽ được hưởng lợi chung.
PV: Vâng xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Mở rộng đối tượng được sử dụng tác phẩm không phải xin phép, trả tiền bản quyền
Những quy định mới của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có thể bảo vệ quyền của người biểu diễn, quyền của các nhà sản xuất ghi âm, ghi hình như thế nào? PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Chức- Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành?
Ông Nguyễn Viết Chức: Việc bổ sung Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi là rất cần thiết vì mấy lý do. Lý do thứ nhất là, bây giờ sự phát triển của trí tuệ của nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng là rất khả quan, phát triển trí tuệ trong rất nhiều lĩnh vực thậm chí cả trí tuệ nhân tạo nữa.
Thứ hai, cuộc sống là vận động không ngừng và đặc biệt là trong thế giới hiện đại, cuộc sống thay đổi liên tục. Hệ thống pháp luật nói chung và bản thân một luật nói riêng cũng phải kịp thời thay đổi để cập nhật mới có thể phù hợp với sự phát triển của đất nước, Luật trí tuệ không nằm ngoài xu thế chung.
PV: Theo dự thảo Luật sở hữu trí tuệ, sửa đổi, việc bổ sung thêm một số quyền của nhà sản xuất ghi âm, ghi hình và quyền của người biểu diễn, sẽ tác động và ảnh hưởng như thế nào đến những đối tượng này?
Ông Nguyễn Viết Chức: Quy định này rất là đúng. Bởi vì nhà sản xuất đương nhiên phải có bản quyền. Ở góc độ kinh tế, người sản xuất ra nó, người đó phải có bản quyền. Tôi bán hay là tôi sử dụng thế nào là quyền của tôi.
Tại sao đặt vấn đề quyền lợi của diễn viên là bởi vì trong cái nghề nghệ thuật, bản thân các tác phẩm mới đều gắn liền với một diễn viên nào đó. Ví dụ như thời xưa, về nghệ thuật chèo, nói về Nàng Si-ta thì phải nói về Quốc Chiêm; nhắc đến Hồn Trương Ba da hàng thịt, người ta phải nói đến Trần Tiến, hay nghệ thuật dân tộc ca trù, phải nói đền Quách Thị Hồ, hát xẩm phải là Hà Thị Câu.
Những tác phẩm nghệ thuật thường gắn với những tên tuổi cụ thể, không chỉ là tác giả, đạo diễn, diễn viên bản thân họ như là một tài sản.
Quy định luật pháp nếu bao quát được tất cả những đối tượng là nhà sản xuất, diễn viên và những người làm khác nữa tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm trí tuệ. Tôi cho rằng, đó là một quan tâm đúng mức và rất cần thiết để không xảy ra những cái tranh chấp không đáng có.
Mặt khác, cũng được khuyến khích động viên những người ở mọi lĩnh vực khác nhau tham gia để tạo thành một sản phẩm trí tuệ và họ đều có quyền lợi chính đáng của mình./.
PV: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Hải Hà - Minh Hiếu/VOV giaothong.vn