Những ngày cuối năm, các tàu đánh bắt xa bờ ở tỉnh Bình Định hối hả vươn khơi sau thời gian dài nằm bờ do mưa bão. Trong khi đó, nhiều tàu vỏ thép 67 vẫn phải nằm bờ vì hết hạn bảo hiểm.
Ông Lê Ngô Hát, chủ tàu vỏ thép BĐ 99168 ở huyện Phù Cát cho biết, năm 2016, ông đóng tàu vỏ thép với kinh phí gần 21 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay 20 tỷ đồng. Năm 2017, tàu cá này ra khơi được 2 chuyến thì nằm bờ sửa chữa, không có tiền trả nợ Ngân hàng. Sau khi các công ty đóng tàu sửa chữa lại tàu cá, từ năm 2018 và đến giữa năm 2019, con tàu này hoạt động khá ổn định, nhờ đó ông Hát trả cho Ngân hàng được 700 triệu đồng.
Đây là 1 trong số những tàu cá hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nếu mỗi năm chỉ trả được khoảng 350 triệu đồng thì biết đến bao giờ chủ tàu cá này mới trả hết khoản vay 20 tỷ đồng. Bây giờ, những con tàu không mua được bảo hiểm, Ngân hàng không cho ra khơi, nợ treo “lơ lửng” trước mặt, ông Hát đành liều đi đánh bắt “chui”, lấy tiền trang trải cuộc sống.
“Năm tàu cá không có bảo hiểm nhưng nếu cứ để tàu nằm bờ thì khoản nợ ngân hàng không biết lấy gì trả, vì thế tôi vẫn phải cho tàu ra khơi. Hơn nữa, bảo hiểm đã trả lời là không bán cho tàu sắt nữa nên bà con ngư dân phải chấp nhận ra khơi. Giờ bà con ngư dân đề nghị các cấp, nhất là ngân hàng tạo điều kiện bán bảo hiểm cho bà con ngư dân”, ông Hát mong muốn.
Ông Nguyễn Hướng Nam, Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO - Chi nhánh tỉnh Bình Định) giải thích, việc đơn vị không bán bảo hiểm cho các tàu vỏ thép 67 vì rủi ro quá lớn. Theo ông Nam, từ năm 2015 - 2019, doanh thu từ bán bảo hiểm tàu cá ở tỉnh Bình Định hơn 140 tỷ đồng. Nhưng thời gian này phát sinh 600 vụ phải chi trả bảo hiểm với tổng số tiền khoảng 120 tỷ đồng. Do đó, PJICO phải cân nhắc có nên tiếp tục bán bảo hiểm thân vỏ cho tàu cá vỏ thép 67.
Theo ông Nguyễn Hướng Nam, đơn vị nhận thấy có nhiều điểm “nghi ngờ” khi quá nhiều tàu vỏ thép bị “chìm” không rõ nguyên nhân. Cụ thể, tàu BĐ 99939 của ông Nguyễn Thư ở thị xã Hoài Nhơn ra khơi chuyến biển đầu tiên bị chìm, Công ty Bảo hiểm PJICO phải chi trả bảo hiểm 17,3 tỷ đồng. Ông Nam cho biết thêm, các tàu vỏ thép BĐ 99999 và BĐ 99047 cũng bị chìm không rõ nguyên nhân.
“Tàu sắt đóng mới gần 20 tỷ đồng khi ra khơi chuyến đầu tiên gặp sóng cấp 7 đã bị chìm nên ngân hàng phải xem lại. Dù biết kinh doanh là rủi ro nhưng ngư dân cũng phải hiểu cho đơn vị bảo hiểm những bất lợi chưa lường trước nhưng vẫn nhận bảo hiểm. Với những hợp đồng bảo hiểm ngân hàng chưa xác định chắc chắn ngân hàng sẽ phải có sự đánh giá lại”, ông Nam bày tỏ.
Triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, PJICO là 1 trong 4 công ty bảo hiểm được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm tàu cá đóng mới cho ngư dân. Kể từ năm 2015 - 2019, Công ty đã bán hơn 6.200 lượt bảo hiểm cho tàu cá và hơn 44.000 lượt bảo hiểm thuyền viên. Vậy mà khi ngư dân gặp rủi ro, có nhiều vướng mắc thì bảo hiểm lại từ chối trách nhiệm. Nhiều chủ tàu tiếp tục lo ngại khi sang năm 2021, các tàu vỏ thép 67 hết hạn bảo hiểm đành phải nằm bờ.
Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, câu chuyện “nợ chồng nợ” và ngân hàng tiếp tục khởi kiện chủ tàu ra tòa vẫn chưa có hồi kết. “Theo các quy định của Luật và Nghị định trong lĩnh vực thủy sản, bảo hiểm thuyền viên là bắt buộc và bảo hiểm thân tàu không bắt buộc. Nhưng với tất cả các tàu đóng mới đều là vốn vay của ngân hàng, nên ngân hàng đưa ra điều kiện tàu không mua bảo hiểm sẽ không cho khai thác. Vấn đề này hiện nay rất khó giải quyết nếu các bên, đặc biệt là các ngân hàng và công ty bảo hiểm không có hướng tháo gỡ”, ông Phúc cho biết.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, Nghị định 67 là chủ trương lớn và đúng đắn, góp phần đẩy nhanh lộ trình hiện đại hóa tàu đánh bắt xa bờ của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Sau những sự cố đáng tiếc, tỉnh đã vào cuộc quyết liệt để bảo vệ ngư dân, bảo vệ tính đúng đắn của chương trình. Đến nay, chính sách này vẫn đang phát huy hiệu quả, nhiều chủ tàu hoạt động có lãi.
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, trước những khó khăn của một số chủ tàu vỏ thép 67 liên quan đến việc trả nợ, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để hỗ trợ địa phương và chủ tàu.
“Việc tàu vỏ thép Bình Định nằm bờ là điều đáng tiếc. Tỉnh Bình Định đã vào cuộc rất quyết liệt để bảo vệ ngư dân và luôn tìm mọi giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để ngư dân có thể tiếp tục ra khơi bám biển, cũng như bù đắp thiệt hại của ngư dân. Chính sách Nghị định 67 là chính sách rất tốt, thời gian tới đề nghị Chính phủ, các bộ ngành hỗ trợ tạo ngư dân có nguồn lực tiếp tục ra khơi bám biển”, ông Dũng khẳng định.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân cả nước đã đóng hơn 1.000 tàu cá, trong đó 355 tàu vỏ thép. Hiện nay, khoảng 50 tàu vỏ thép nằm bờ và chủ tàu bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho biết, những vướng mắc của ngư dân tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung đang được Bộ NN&PTNT tập trung tháo gỡ. Theo đó, các cơ quan liên quan đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ vướng mắc như đề nghị ngân hàng có chính sách chuyển đổi chủ sở hữu tàu vỏ thép khi bị thu hồi, hoặc chủ tàu bị chết; thực hiện các chính sách hỗ trợ khác như cho vay chuyển đổi, cải hoán tàu...
Đối với chính sách bảo hiểm, đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi các chính sách bảo hiểm, nguyên nhân bất khả kháng được hưởng bảo hiểm để công ty bảo hiểm tiếp tục tham gia vào chính sách... Ông Nguyễn Văn Trung cũng cho biết, dự kiến Quý II/2021 sẽ ban hành Nghị định sửa đổi này.
“Bộ NN&PTNT thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao, đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67 để xử lý các tồn tại, đặc biệt là vấn đề tàu nằm bờ, vấn đề không trả được nợ. Phương hướng sẽ thay đổi lại trình tự thủ tục và phương án chuyển đổi chủ tàu, chuyển đổi nghề và xử lý rủi ro phù hợp với tình hình điều kiện mới. Nút thắt thứ 3 là duy tu, sửa chữa tàu hỗ trợ một lần sau đầu tư việc duy tu, khoảng 70% số tiền đã bỏ ra duy tu để đảm bảo tàu sắt được bảo dưỡng, duy tu. Chính sách về bảo hiểm bây giờ được nâng lên 70% theo Dự thảo mới”, ông Trung cho biết.
Nghị định 67 của Chính phủ là một chủ trương đúng đắn nhằm hiện đại hóa nghề cá ở nước ta. Điều đáng nói là sau 5 năm hoạt động, nhiều tàu cá đánh bắt không hiệu quả, không ít tàu phải nằm bờ từ năm này qua năm khác dẫn tới nhiều chủ tàu cá nợ nần chồng chất, không có tiền trả nợ ngân hàng theo cam kết. Nhiều chủ tàu bị kiện ra Tòa đứng trước nguy cơ mất tàu, mất nhà, cuộc sống không yên ổn.
Bà con mong chờ Nhà nước sớm thay đổi một số chính sách cho phù hợp thực tế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Thành Long/VOV-Miền Trung