193 người được Đại học Đông Đô cấp khống văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh không qua tuyển sinh, không qua đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng. Trong đó có đến 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Hành vi mua - bán này theo TS. Hoàng Ngọc Vinh không khác gì là tham nhũng học thuật. Do vậy cần công khai danh tính những người mua bằng để răn đe những người khác không muốn học, không muốn lao động vất vả nhưng lại muốn có bằng cấp để chạy chọt vào những vị trí chức quyền.
Cũng theo ông Hoàng Ngọc Vinh, bất kỳ ai mua - bán bằng cấp đều phải bị lên án và xử lý nhưng những người mua bằng tiếng Anh để làm tiến sĩ, tiếp tục theo đuổi con đường học thuật, giảng dạy là điều không thể chấp nhận được. Bởi hành vi của người mua sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh - sinh viên.
“Những người làm giảng viên ở trường đại học mà mua bằng thì thôi nên chuyển nghề khác mà làm. Không làm giảng viên được đâu. Bởi vì giáo dục để dạy con cái người ta làm người mà thầy giáo không trung thực thì còn dạy ai được. Sau này, có khi chính những người này lại tạo ra những tấm bằng giả”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Theo dõi sát sao vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường đại học Đông Đô, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, không vì lý do nào để bao che hành vi mua bằng cấp. Việc công khai những người mua bằng giả để hợp thức hóa hồ sơ cán bộ là điều mà dư luận mong chờ.
“Thậm chí nếu có đủ căn cứ thì cần xem xét khởi tố cả những người mua bằng. Vì anh biết bằng giả, biết vi phạm pháp luật mà vẫn thông đồng với nhà trường để thực hiện hành vi mua-bán. Nếu khởi tố cả người mua bằng thì việc công khai danh tính là đương nhiên”, ông Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Nguyên Phó vụ trưởng vụ Giáo dục đại học Lê Viết Khuyến cũng mong cơ quan chức năng xử lý triệt để vụ án tại trường ĐH Đông Đô để răn đe và làm gương đối với hành vi sử dụng bằng giả trong công tác, học tập và nghiên cứu. “Người thầy dạy cho học trò của mình là trung thực nhưng gian dối thế này thì làm sao có thể đứng trên bục giảng để giảng cho học trò mình được!”, ông Khuyến bức xúc.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ luật pháp, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc công khai danh tính người mua bằng cần phải thận trọng, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Hiện nay, pháp luật quy định bảo vệ quyền tự do hình ảnh, nhân thân của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do hình ảnh, nhân thân của công dân sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp vì an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích chung của cộng đồng… Bởi vậy, trong trường hợp người sử dụng bằng giả có dấu hiệu tội phạm thì việc công khai danh tính của họ sẽ đảm bảo cơ quan chức năng sẽ rà soát, kiểm tra, thu hồi bằng đó là cần thiết.
Nhưng đối với những người có hành vi chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ xử phạt hành chính, kỷ luật thì theo luật sư Đặng Văn Cường việc công khai danh tính chỉ nên công khai ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà những người có thể sử dụng bằng giả để phục vụ hoạt động cá nhân của họ.
"Việc công khai lên phương tiện thông tin đại chúng cần cân nhắc vì pháp luật không quy định công khai người vi phạm hành chính hay công khai người kỷ luật lên phương tiện thông tin đại chúng mà chỉ có những người vi phạm đến mức xử lý hình sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng mà việc không công khai sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng thì mới công khai", Luật sư Đặng Văn Cường cho hay./.
Theo VOV.VN