Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại Hội thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực phía Nam do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tại Cần Thơ ngày 16/12.
Tại Hội thảo một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự nêu rõ là giao thông ở khu vực phía Nam đang tắc nghẽn, chưa đồng bộ, khó khăn trong kết nối, giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhiều dự án đã có kế hoạch khởi công nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, kết nối Miền Đông và Miền Tây bị chậm và không thể liên kết vùng một cách mạnh mẽ, đây là yếu điểm trong thời gian qua: "Kết nối vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ tạo thành một vùng kinh tế trọng điểm mở rộng để xóa dần khoảng cách thu nhập giữa các tỉnh miền Đông và miền Tây đi. Quan điểm của tôi là như thế này thôi, chúng ta làm liên kết vùng làm sao cho nó chặt chẽ, ta tập trung từ nay đến năm 2025 và 2030 xử lý cho xong và bằng được trục dọc, muốn gì thì muốn phải về đến Cà Mau đến năm 2030 bởi vì hướng tuyến và nền đường có hết rồi, từ Cần Thơ đi quản lộ Phụng Hiệp có rồi và giai đoạn này đang thảm, thế thì ổn định câu chuyện đó".
Nêu thực trạng tại địa phương, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, quãng đường từ Tây Ninh đi Cần Thơ cho chiều dài khoảng 230 km nhưng đi mất đến 6 giờ mới tới Cần Thơ. Địa phương chỉ có con đường độc đạo kết nối với TP. HCM là quốc lộ 52 bình quân một ngày có hơn 27.000 xe qua lại đã dẫn tới quá tải: "Chúng tôi hôm rồi để làm cao tốc TP. HCM - Mộc Bài đo lưu lượng xe quá mức, container mà đi qua của khẩu quốc tế Mộc Bài một ngày khoảng 600 xe, chỉ có sự cố một chút thôi thì nó tắc đường 5 - 10 cây số".
Trong quy hoạch đường bộ quốc gia đến 2030 tầm nhìn đến 2050 thì hoạch định ra xấp xỉ 5.300km đường cao tốc trên toàn quốc. Trong đó, vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đưa quy hoạch vừa điều chỉnh, vừa bổ sung thì dự kiến xấp xỉ 2.300 km đường cao tốc.
Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc kết nối giữa Đông Nam bộ và Tây Nam bộ hiện nay đang là điểm nghẽn về giao thông và điểm nghẽn này đã được giải quyết trong quy hoạch lần này: "Nếu mà chúng ta thông được tuyến từ TP. HCM đến Cà Mau năm 2030 thì đấy là nước đột phá lớn của vùng, đặc biệt là lễ tết chúng ta nhìn thấy điểm tắc nghẽn ở tại cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu chúng ta nhìn thấy ám ảnh khi mà lễ tết. Thì đến 2025 thì chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh nó khác hoàn toàn và như thế nó sẽ thu hút được tất cả nhà đầu tư".
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, vùng ĐBSCL không thể tách rời với TP.HCM, việc hoàn thiện hệ thống kết nối cao tốc sẽ tạo động lực liên kết vùng, khu kinh tế, đô thị và khu công nghiệp. Đây là quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và thể hiện tính liên kết vùng lớn, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho cả vùng: "Quy hoạch hôm nay tôi muốn các đồng chí nghiên cứu nên cho ý kiến về mạng lưới, khi mạng lưới đã rõ rồi thì mình xây dựng kế hoạch, ở đây quy hoạch này là mạng lưới đường bộ quốc gia thì nó thể hiện tính liên kết vùng cực kỳ lớn, tạo động lực cho một vùng chứ không phải một địa phương. Ngoài địa phương nó là liên kết vùng, vậy các đồng chí tính toán xem quy hoạch như thế, đầu tư như thế nào cho hiệu quả".
Trong dự thảo báo cáo Quy hoạch mạng lưới đường bộ cả nước, mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính, phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối, trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc hướng tâm khu vực phía Bắc và phía Nam./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN