Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi nhận được văn bản của các Hiệp hội vận tải ô tô An Giang và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị lùi thời gian thực hiện lắp camera và đề nghị cho thí điểm, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Đến ngày 24/11 vừa qua, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải để xem xét giải quyết kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu việc xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container và xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, 1 lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông thực hiện theo đúng lộ trình đã được quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn loại camera và triển khai lắp đặt trên xe, truyền dữ liệu đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Để triển khai quy định lắp camera trên xe theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị của Bộ (Vụ Khoa học công nghệ phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam) nghiên cứu đề xuất nội dung hướng dẫn cụ thể việc lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải để tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải và các đơn vị cung cấp camera tham khảo thực hiện đảm bảo tình trạng hoạt động tốt của camera trong quá trình vận hành.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam thống kê rõ từng loại phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định. Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, đề xuất phương án đầu tư theo từng giai đoạn để đảm bảo khả thi và hiệu quả của dự án", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và đã có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020, trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin, ngày 25/9/2020, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có công văn số 99/HHVT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị điều chỉnh lộ trình lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ ngồi chở lên (kể cả người lái xe), xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo từ 1/7/2021 lên ngày 1/7/2023; hoặc xem xét dừng thực hiện quy định này để nghiên cứu làm rõ hơn về sự cần thiết, tính hiệu quả. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến vấn đề này./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN