Giải pháp phát triển bền vững làng nghề ở Nam Định

  • 17/12/2020 11:01:42
  • Vân Hồng
  • Xã hội
  • 0

Phát huy hiệu quả kinh tế, giữ gìn giá trị mảnh đất 'trăm nghề' với lịch sử hàng trăm năm, Nam Định luôn định hướng phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

 

1% tổng chi ngân sách để bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 142 làng nghề với tổng số hộ làm nghề khoảng 16.000 hộ, trong đó nhóm làng nghề chiếm tỷ lệ cao nhất hiện nay là nhóm làng nghề trồng cây, kinh doanh sinh vật cảnh, trồng cây dược liệu với 36 làng tập trung chủ yếu ở huyện Hải Hậu, Nam Trực và thành phố Nam Định. Còn lại là các nhóm ngành nghề khác như: dệt chiếu, đan cói, sơn mài thủ công mỹ nghệ có 27 làng; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan có 22 làng; nhóm chế biến bảo quản nông, lâm thủy sản 11 làng; nhóm sản xuất cơ khí, cơ khí đúc, tái chế kim loại có 11 làng.

Tất cả những làng nghề đó đã tạo nên bức tranh đa sắc trong kinh tế địa phương góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách… Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp đó, hoạt động sản xuất của các làng nghề vẫn còn tình trạng phát thải tiếng ồn, khói bụi, nước thải gây ô nhiễm cho môi trường.

Làng nghề góp phần tạo nên bức tranh kinh tế đa sắc của tỉnh Nam Định. 	Ảnh: T.C

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường các làng nghề. Tỉnh Nam Định đã dành trên 1% tổng chi ngân sách hằng năm cho công tác bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị. Trong đó đã hỗ trợ đầu tư cho các chương trình dự án mang tính cấp bách và các công trình xử lý rác thải, đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Thực hiện Thông tư 31/2016/TT-BTNMT; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 10/10/2013 về việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 15/7/2017 quy định trách nhiệm BVMT làng nghề đối với các cấp, ngành UBND tỉnh ban hành. Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án BVMT làng nghề và triển khai thực hiện. Đến nay, cơ bản các làng nghề đều đã lập phương án BVMT theo quy định và đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề lập thủ tục bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề; đôn đốc,thực hiện công tác BVMT làng nghề, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt...

Ông Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết, về thu gom, xử lý nước thải, hầu hết các làng nghề nước mưa, nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất được thu gom chung; nước thải của các cơ sở sản xuất được lắng lọc qua hố ga, sau đó thải trực tiếp ra kênh, mương, ao hoặc ruộng lúa xung quanh làng nghề.

Riêng làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh, huyện Nam Trực đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung do nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề (nay là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Làng nghề Vân Chàng, xã Nam Giang, huyện Nam Trực phát sinh nước thải sản xuất đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải. Toàn bộ nước thải được dẫn qua 2 hồ điều hòa, lắng cặn trước khi xả ra ngoài môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước trong làng nghề đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải. Tạo cảnh quan môi trường làng nghề có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt.

Về thu gom, xử lý chất thải rắn, công trình thu gom, xử lý chất thải rắn tại các xã, thị trấn được quan tâm, chú trọng xây dựng. Hiện nay, việc xử lý rác thải đang chuyển dần từ phương pháp chôn lấp sang phương pháp đốt trong lò đốt rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các làng nghề đều chưa có khu xử lý chất thải rắn riêng mà tất cả chất thải rắn của làng nghề được thu gom, xử lý tại khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã.

Về thu gom, xử lý khí thải, các hộ sản xuất tại làng nghề có phát sinh bụi, khí thải đã có biện pháp giảm thiểu bụi, khí thải bằng cách nâng cao ống khói, áp dụng các biện pháp thông thoáng nhà xưởng nhằm giảm tình trạng ô nhiễm cục bộ.

Các làng nghề đã thành lập tổ tự quản về BVMT làng nghề và được kết hợp với việc thành lập tổ, đội thu gom xử lý rác thải; hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề thuộc đối tượng lập hồ sơ pháp lý về môi trường đã có hồ sơ pháp lý BVMT được xác nhận.

Nhiều chỉ số báo động ô nhiễm

Mặc dù được đầu tư về hạ tầng BVMT làng nghề, nhưng chất lượng môi trường làng nghề vẫn tồn tại nhiều chỉ số báo động ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường định kỳ của Sở TN&MT đối với 22 làng nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho thấy: Nước thải của các hộ sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt của các hộ dân và thải ra kênh, mương thoát nước của địa phương sau đó thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề.

Bên cạnh đó, một số thông số vượt quy chuẩn cho phép như COD, BOD, photphat nhưng ở mức độ khác nhau. Ngoài ra, môi trường nước mặt tại một số làng nghề cơ khí còn bị ô nhiễm bởi thông số kim loại như làng nghề Bình Yên, Đồng Côi bị nhiễm Cr (VI), làng nghề Tống Xá bị nhiễm Fe…

Môi trường không khí tại các làng nghề chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi bụi lơ lửng. Tuy nhiên, một số làng nghề cơ khí, đồ gỗ tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép, nhưng ở mức thấp.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã có làng nghề thực hiện nghiêm BVMT làng nghề…

Ông Phạm Văn Sơn chỉ ra một số nguyên nhân của thực trạng đó là, hoạt động sản xuất của các làng nghề có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ thường chuyên sản xuất một chi tiết nhỏ, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động sản xuất theo thời vụ. Việc chuyển đổi, di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp làng nghề còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, kinh phí, quỹ đất và thói quen, tập quán sản xuất của người dân khó thay đổi.

Nguồn vốn thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, nguồn chi sự nghiệp môi trường chưa đáp ứng yêu cầu BVMT chung, trong đó có công tác BVMT làng nghề. Tổ chức bộ máy, năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề hiện chưa được quan tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, ý thức BVMT của người dân còn hạn chế.

Huy động mọi nguồn lực

Để kiểm soát chất lượng môi trường làng nghề, hằng năm, Sở TN&MT đã tổ chức quan trắc nước thải tại 13 vị trí, môi trường không khí và tiếng ồn tại 10 vị trí, tập trung chủ yếu đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Sơn đưa ra giải pháp, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tăng cường nguồn lực về bảo vệ môi trường cho khu vực nông thôn. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVMT đến cộng đồng và doanh nghiệp, thúc đẩy sự quan tâm giám sát của cộng đồng đối với việc chấp hành pháp luật BVMT của các doanh nghiệp.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã có làng nghề thực hiện nghiêm BVMT làng nghề. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Quy hoạch cụm công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường làng nghề ra khỏi khu dân cư. Đối với các ngành nghề không được khuyến khích phát triển nếu không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải thu gom, vận chuyển đảm bảo quy định có thể phải di dời vào khu, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung bên ngoài khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất và chấm dứt hoạt động sản xuất. Không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các xã có làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Tăng nguồn chi sự nghiệp môi trường do mức chi hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cần tăng cường năng lực về vật chất và nhân lực cho bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường ở các cấp. Đối với cán bộ chuyên môn cấp xã cần bố trí chuyên trách về môi trường, không để cán bộ cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ như hiện nay.

Cùng với đó, tăng cường xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải để huy động các nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận