Những cái chết thương tâm do bắt chước YouTube

Bắt chước một clip trên YouTube, V.T.D (5 tuổi) tự treo cổ tại nhà dẫn tới cái chết thương tâm, tất cả chỉ diễn ra trong 5 phút ngắn ngủi.

 

Trong những năm qua, tình trạng trẻ chết thương tâm do bắt chước những video clip trên YouTube xuất hiện ngày càng nhiều. Cuộc đời của một đứa trẻ có thể vĩnh viễn bị tước đoạt nếu người lớn vẫn còn “thả nổi” con em mình trong biển rác thông tin.

Trong căn nhà cấp 4 lọt thỏm ở khu lao động nghèo thuộc quận Bình Thạnh (TP.HCM), chị N.T.H ngất lên ngất xuống mỗi khi nhìn di ảnh đứa con gái đầu lòng V.T.D (5 tuổi).

Ngôi nhà từng là tổ ấm của gia đình 3 thành viên, không lúc nào vắng tiếng cười. Niềm hạnh phúc của chị H. được nhân đôi kể từ ngày D. chào đời. Đứa trẻ bụ bẫm, ngoan ngoãn là động lực để anh chị bươn trải giữa đất khách quê người.

Chị H. không thể nào quên cái ngày định mệnh đau đớn cách đây hơn một tháng. Như bao ngày, chị H. cùng chồng đi làm tại nhà máy. Đứa con gái 5 tuổi được gửi chị N.T.N - em gái chị H. trông nom.

Khoảng 10h sáng, lòng chị H. nóng như lửa đốt. Linh cảm không lành, chị H. gọi điện về nhà nhưng không thấy ai nghe máy. Một phút sau, chị N.T.N gọi điện cho chị H. giọng nức nở: “Chị về ngay, em đang đưa cháu đi cấp cứu rất nguy kịch”.

Lập tức chị H. lái xe máy như điên cùng chồng vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1. Nhưng đó cũng là lúc D. ngưng thở, chết não, ngưng tim. Hai vợ chồng chị H đứng lặng, ôm con vào lòng khóc nức nở. Đứa con gái đầu lòng của anh chị mãi mãi ra đi.

Ngày hôm đó, vừa phơi quần áo xong, chị N. bước vào nhà thì giật mình khi thấy D. mặt mũi tím tái, mũi ngừng thở. Trên cổ D. là chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ.

Thì ra bé xem clip hướng dẫn thắt cổ tự tử nhưng không chết rồi bắt chước theo. Hằng ngày D. thi thoảng vẫn ngồi xem video trên các kênh YouTube và vài lần gia đình phát hiện cháu hay xem những kênh có nội dung xấu, bạo lực và nhắc nhở cháu. Nhưng cả gia đình lại không ngờ lại rơi vào tình huống mất con.

“Từ câu chuyện đau lòng của gia đình, tôi mong các bậc làm cha, làm mẹ hãy chú ý đến những nội dung mà các con xem hằng ngày”, chị H. chia sẻ.

Trẻ tử vong do bắt chước clip trên YouTube (Ảnh: Danviet).Năm 2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, huyện Nhà Bè, TP.HCM) được gia đình phát hiện trong tình trạng tử vong. Đ.T.K treo cổ bằng một chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất khá xa, người tím tái.

Theo anh Đ.V.T, bố của Đ.T.K, em K. hay xem những video trên YouTube rồi thực hiện theo. Việc K. thắt cổ tự tử là thực hành theo video "Treo cổ tự tử nhưng không chết" lan truyền trên mạng xã hội.

Hai năm trước, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai liên tục nhận được những cuộc gọi của nhiều phụ huynh lo lắng khi con cháu họ tham gia vào một thử thách trên Youtube có tên: Thử thách Momo (Momo challenge). Đây là trào lưu hướng dẫn trẻ em tự sát với nhiều thử thách quái gở thậm chí là kinh dị.

Lục lại những mảnh ký ức chắp vá, chị Vũ Thùy Dung (Hà Nội) cảm tạ trời đất vì không mất cậu con trai đầu lòng - N.B.T. Hai năm trước, T khi đó mới 8 tuổi tình cờ xem được clip thử thách Momo trên YouTube. Cậu bé hoảng sợ vì hình ảnh ám ảnh và âm thanh rùng rợn của clip.

Thời gian đó chị Dung thấy con có những biểu hiện lạ: lo âu, hay ngủ mơ hoặc tự nói chuyện một mình. Ôm con vào lòng, chị Dung mất một tiếng đồng hồ thuyết phục con trai mới dám nói.

T òa khóc nức nở kể cho chị mẹ nghe về đoạn clip ám ảnh và luôn miệng nói: “Những ai xem được clip này đều phải tham gia vào một thử thách tự sát nếu không Momo sẽ xuất hiện trong giấc mơ và đưa bạn xuống địa ngục”.

Quá hoảng sợ, vợ chồng chị đưa con đến bệnh viện Bạch Mai. T được trị liệu tâm lý trong 3 tháng, việc học tập cũng vì thế mà gián đoạn.

Gia đình chị Lê Thị Diệp (Hà Nội) từng mất ăn, mất ngủ một thời gian dài vì cậu con trai N.T.C (10 tuổi) phải điều trị tâm lý sau khi tham gia trào lưu trên YouTube – thử thách Cá voi xanh.

Chung thường xuyên thấy ác mộng, thậm chí còn tự làm đau mình bằng những hành động như cắn, cấu…thân thể. Tình trạng này kéo dài khoảng ba ngày gia đình mới đưa con đến thăm khám và điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai.

Chung được chẩn đoán có dấu hiệu trầm cảm nhẹ, nếu không điều trị căn bệnh sẽ biến chứng nặng ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của trẻ sau này.

Chị Diệp cho biết, do chị và chồng không có nhiều thời gian ở nhà với con, từ nhỏ cháu được ông bà nội chăm. Bé thường có thói quen sử dụng điện thoại và gia đình đã hạn chế hết sức có thể và nghĩ thi thoảng việc cho con xem clip ca hát thiếu nhi là bình thường.

Chỉ đến khi cháu phải nhập viện vì điều trị sau khi xem các clip Cá voi xanh trên mạng xã hội, gia đình chị mới nhận thấy sự nguy hiểm của những video độc hại trên YouTube.

Gần 2 tháng kể từ ngày nhập viện, N.V.A (9 tuổi) mới bắt đầu ăn được chút cháo. Cậu bé gầy sọp, đôi mắt hoảng sợ khi nhớ lại ký ức kinh hoàng. Đó là một ngày bình thường, sau khi đi học về, N.V.A bắt chước một video trên Youtube hướng dẫn thử thách: Ăn và nuốt tất cả.

A. nuốt một chiếc bấm móng tay có kích thước 6x1,6cm. Chiếc bấm móng tay đi vào ổ bụng nằm tại vị trí phình vị lẫn thức ăn, gây tổn thương xước niêm mạc dạ dày.

Em bắt đầu đau bụng và khóc thét. Sau khi xác định được nguyên nhân V.A đau bụng, gia đình tức tốc đưa em đến Bệnh viện Bạch Mai để nội soi gắp dị vật.

Trường hợp của N.V.A “may mắn” hơn so với 2 em V.T.D và D.T.K khi được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết chỉ diễn ra trong tích tắc như thời lượng của một chiếc video trên YouTube./.

Theo Vũ Ninh/VTCNews

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận