Báo cáo lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam được nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một sự điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright sau hơn 1 năm thực hiện.
ĐBSCL đang đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu
Trong thập niên qua, ĐBSCL đứng trước những thách thức lớn do tác động của biến đổi khí hậu như: hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng. Cùng với đó là các vấn đề: chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, tình trạng di dân gia tăng. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội của ĐBSCL.
Trong khi đó, quan điểm khi nhìn nhận về ĐBSCL luôn gắn liền với những cụm từ trù phú, lợi thế tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào nhưng thực tế quá trình phát triển trong hơn 2 thập niên qua cho thấy không phải là như thế. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và Logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.
Ngoài ra, chất lượng giáo dục vùng ĐBSCL không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân thấp. Lợi thế địa hình, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ôn hòa đã không còn do tác động từ thiên tai và con người tạo ra. Những thế mạnh về cải cách, cải thiện công tác điều hành kinh tế địa phương đang mất dần so với các vùng kinh tế khác. Những thách thức và hạn chế đang đẩy vùng ĐBSCL vào tình thế nan giải.
Một vấn đề đặt ra là vai trò kinh tế của ĐBSCL đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP. HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược.
Ở một góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP.HCM và Đông Nam Bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo và kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn.
Trong 10 năm qua tỷ lệ tăng dân số ĐBSCL gần như 0%
Di dân là câu chuyện nhức nhối của ĐBSCL, tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP. HCM và miền Đông Nam Bộ đáng báo động. Báo cáo Kinh tế Thường niên đưa ra số liệu mà nhiều người nhìn vào cũng phải giật mình khi số lượng di cư khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong Vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả Vùng. Trong khi đó, tỷ lệ nhập cư thấp nhất, vì vậy, vùng ĐBSCL là vùng duy duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009 – 2019.
Một số liệu đáng quan tâm là cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL trong thập niên 2010 – 2019 chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ ở ĐBSCL. Tỷ trọng khu vực I đã giảm từ 39,6% trong năm 2010 xuống chỉ còn 28,3% trong năm 2019, nhanh hơn hẳn tốc độ dịch chuyển cơ cấu trong hai thập niên trước đó.
Tương tự như vậy, cơ cấu công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ cũng đang thay đổi mạnh mẽ, hội tụ ngày càng gần hơn so với cơ cấu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, dư địa chuyển đổi cơ cấu không phải là vô hạn. Với đặc điểm tự nhiên vốn có, không thể và không nên yêu cầu ĐBSCL có cơ cấu kinh tế tương tự như cả nước.
ĐBSCL công nghiệp phụ thuộc vào thu hút đầu tư khu vực FDI
Điểm yếu của ĐBSCL là năng suất công nghiệp phụ thuộc vào đầu tư của khu vực FDI, đây chính là mấu chốt mà công nghiệp chưa thực sự bức phá. Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của vùng ĐBSCL là chế biến thủy hải sản lại có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn và nhiều yếu tố khác khiến công nghiệp ĐBSCL khó phát triển.
Không thể một vùng kinh tế với nhiều tiềm năng và đóng góp lớn như ĐBSCL cứ mãi manh mún và thiếu động lực phát triển như hiện nay, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong các lĩnh vực thể chế, chính sách, kinh tế, xã hội, quy hoạch, môi trường, giao thông.
Báo cáo đã đúc kết thành tựu trong một thập niên qua và nêu bật những hạn chế trong quá trình phát triển, đồng thời phác họa những cơ hội và thách thức đang và sẽ diễn ra đối với ĐBSCL.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBSCL thấp hơn so với mức trung bình cả nước
Một trong những điểm nổi bật của ĐBSCL trong 2 thập niên trở lại đây đó là kết quả giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của Chính phủ ở ĐBSCL đã giảm từ mức 36,9% vào năm 1998 xuống chỉ còn 12,6% vào năm 2010 và 5,2% vào năm 2016, và tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ nghèo của vùng luôn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước đã chứng tỏ lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ rộng rãi, người nghèo cũng được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế chung của toàn vùng.
Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên vùng ĐBSCL gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; Nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; Năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của Vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.
Từ những phân tích trên, Báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL