Hạng mục xây dựng nút giao thông Dầu Giây (tại ngã tư thị trấn Dầu Giây (thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) thuộc dự án đầu tư xây dựng khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, được khởi công từ tháng 3/2017.
Đây là công trình cầu vượt nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, là dự án trọng điểm, được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông Bắc Nam trên tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 1A qua khu vực này.
Thế nhưng, hiện công trình vẫn rất ngổn ngang, thi công cầm chừng. Điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và khiến khu vực trở thành điểm đen về tai nạn giao thông.
Anh Thời sống cạnh công trình này không khỏi bức xúc về việc thi công quá chậm, khiến việc lưu thông qua khu vực bị hạn chế. Mặt khác, các biện pháp phân làn, tổ chức giao thông không được đơn vị thi công thực hiện nên thường xuyên ùn tắc và cũng là nguyên nhân chính của những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại đây.
"Thứ nhất là thiếu khoa học, thứ 2 là cẩu thả. Cẩu thả là thiếu bảng báo, thiếu đèn. Hầu như ngày nào ở đây cũng có tai nạn, cuối năm vừa rồi và đầu năm nay là 2 vụ tai nạn lớn. 1 vụ là chết 2 người, 2 cha con, 1 vụ là chết 1 bà tại chỗ…", anh Thời nói.
Thuê nhà để bán nước gần ngã 4 Dầu Giây, chị Lê Kim Loan lắc đầu ngao ngán vì tiến độ thi công rùa bò của dự án: "Xe quá sức là đông, mà làm lâu quá thì cũng nguy hiểm. Làm cái đường này, mình đâu có buôn bán gì được đâu. Bây giờ không làm ăn được đâu chứ giảm bao nhiều phần gì? Làm cái đường này không làm ăn gì được, nguyên dãy này là không ai làm ăn gì được luôn".
Theo ghi nhận của phóng viên, phần cầu chính đã thi công hoàn thành từ mố M1 đến trụ T6, còn lại các trụ T7, T8, T9 và mố M2 vẫn chưa thấy đơn vị triển khai. Riêng các nhánh rẽ và phần mở rộng mặt đường đã cơ bản hoàn thành, nhưng phần mở rộng mặt đường bên trái tuyến đoạn từ ngã tư Dầu Giây về hướng thành phố Biên Hòa vẫn chưa thi công xong.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước dọc thuộc phần mở rộng mặt đường bên trái, đoạn từ ngã tư Dầu Giây về hướng thành phố Biên Hòa bị tạm dừng thi công mà không rõ lý do. Việc thi công, phân luồng, hướng dẫn giao thông và bố trí hệ thống báo hiệu cũng chưa hợp lý, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Đình Dũng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV - thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản đến chủ đầu tư yêu cầu phải đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Đồng thời, khẩn trương duy tu, sửa chữa và dặm vá ổ voi, ổ gà trên 2 tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20: "Vai trò quản lý nhà nước địa bàn thì vấn đề mất an toàn giao thông. Vấn đề này vấn đề kia thì đã cho anh em kiểm tra, lập biên bản và khắc phục mất an toàn giao thông. Bởi vì Cục chỉ quản lý vấn đề an toàn giao thông".
Lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất cho rằng, nguyên nhân chậm trễ của dự án nút giao cầu vượt Dầu Giây là do chủ đầu tư không cấp đủ vốn cho nhà thầu, nên thi công theo kiểu “cấp tiền đến đâu thi công đến đó”.
Theo ông Nguyễn Đình Cương (Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất), công tác đền bù giải phóng mặt bằng đến nay đã giải quyết xong. Huyện cũng chi trả xong cho 174 hộ dân bị ảnh hưởng và đã lập biên bản, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long.
"Yêu cầu đơn bị thi công, chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thi công. Từ ngày khởi công từ tháng 3 năm 2017 và tiến độ cũng rất chậm. Hiện nay công tác bồi thường đã xong thì yêu cầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ", ông Nguyễn Đình Cương cho biết.
Người dân, chính quyền địa phương đang mong chờ công trình nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng để giải tỏa ùn tắc, tai nạn giao thông và sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN