Có trường hợp, nhân viên ngân hàng "ép" khách hàng vay vốn phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe,.. nếu không sẽ không được vay tiền hoặc bị trì hoãn duyệt hồ sơ.
Là người thường xuyên đến ngân hàng để giao dịch, chị Trần Thu Hương (Q. Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, khách hàng đến ngân hàng đều nhận được những lời mời chào của người bán bảo hiểm với những mức chiết khấu cao, có quà tặng.
Có trường hợp, khách hàng được tư vấn mua bảo hiểm còn “lãi” hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng:
“Bây giờ hầu như đến ngân hàng nào cũng thấy người ta chào mua bảo hiểm, nhất là bảo hiểm sức khoẻ. Khi mà mua, vay tiền thì bắt buộc các bạn ý phải chào mời, giống như vào ngân hàng hay nghe các bạn ý mời mở thẻ thì đấy cũng là chỉ tiêu ngân hàng đề ra, yêu cầu các bạn ý phải làm”, chị Hương cho biết.
Không chỉ người gửi tiết kiệm, mà người đi vay cũng được chào mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Chị Nguyễn Mai Hoa (trú tại Q. Hà Đông, Hà Nội) - khách hàng đến vay 800 triệu để mua chung cư là một ví dụ. Khi đến một ngân hàng tìm hiểu thông tin về lãi suất vay vốn mua căn hộ chung cư, chị Hoa được nhân viên ngân hàng tư vấn, nếu mua thêm một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với mức phí khoảng 10 triệu đồng năm đầu tiên thì chị sẽ được hưởng lãi suất vay là 0%:
“Khi làm hồ sơ giải ngân thì ngân hàng có yêu cầu mua một gói bảo hiểm nhân thọ để bảo lãnh cho khoản vay. Nếu như có chuyện gì xảy ra thì khoản bảo hiểm đó nó sẽ đảm bảo cho khoản chi trả. Ngân hàng bảo, quy định là phải như vậy, không thì chị cứ tham gia rồi năm sau bỏ đi cũng được, không cần phải tham gia tiếp. Chị không đồng ý với quy định đó. Tự nhiên bị mua đắt hơn mấy chục triệu mà mình không được dùng khoản vay đó. Cuối cùng ngân hàng không giải ngân", chị Hoa nói.
Được biết, hiện không ít ngân hàng thương mại có liên kết với các doanh nghiệp bảo hiểm. Đơn cử như Manulife Việt Nam đang hợp tác cùng Techcombank, SCB, ACB. Hay Ngân hàng Quốc Tế VIB ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với Prudential trong thời hạn 15 năm.
Đề cập vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên học viện Tài chính cho rằng:“Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động kinh doanh đều phải theo nền kinh tế thị trường, không thể bán hàng theo kiểu “bán bia kèm lạc”. Tuy rằng chúng ta nói là mời chào nhưng nó gần như mang tính chất kèm theo, mang tính bắt buộc để khách hàng buộc phải mua các gói bảo hiểm này. Rõ ràng, đây là hình thức kinh doanh rất không thị trường”
Trao đổi với phóng viên, luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho rằng, theo quy định tại khoảng 4, điều 10, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ định, yêu cầu hoặc ép buộc, ngăn cản tổ chức cá nhân tham gia bảo hiểm bị pháp luật nghiêm cấm. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 40-100 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức: “Sở dĩ còn xảy ra tình trạng này là do những người vay, giao dịch phải chứng minh ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng có hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với gói vay, đồng thời việc xử phạt hành chính đối với hành vi này vẫn chưa thực sự phổ biến mặc dù đã có hành lang pháp lý”.
Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm một cách lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Công văn 7928 về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. Các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Nói cách khác là "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn.
Đặc biệt, các ngân hàng phải rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN