Trong thời gian dịch Covid-19, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh cho biết đang cảm thấy lo lắng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu khi dùng máy tính học online.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức hôm nay (26/11).
Thông tin tại hội thảo, bà Phạm Thị Thủy Phòng Phát triển và Tham gia của trẻ em (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thế giới có 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi, cứ 3 trẻ em sẽ có 1 trẻ sử dụng các thiết bị kết nối internet, mạng xã hội và các ứng dụng di động.
Tại Việt Nam, 66,1% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối internet, trong đó 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1 - 3 tiếng trong một ngày. Tuy nhiên, trong một báo cáo thống kê của khu vực ASEAN, năm 2018 và 2019, Việt Nam lần lượt đứng thứ 2 (sau Indonesia) và thứ 3 (sau Indonesia và Philippines) trong khu vực về số lượng các vụ việc phản ánh liên quan hỉnh ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Phạm Thị Thủy cho rằng, bên cạnh những lợi ích như tìm kiếm thông tin, học tập, giải trí, việc trẻ em tham gia vào môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như trẻ bị bắt nạt, xâm hại tình dục, bóc lột tình dục trên môi trường mạng. Trẻ cũng có nguy cơ phải đối mặt với những hình ảnh, nội dung, ứng xử không phù hợp, bị thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân trái quy định pháp luật, bị dụ dỗ lôi kéo, lừa đảo tham gia vào các hoạt động không lành mạnh trên môi trường mạng, hay dễ nhận thấy nhất là dễ bị “nghiện” internet/ trò chơi điện tử trực tuyến.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, mặc dù có những kết quả rất tích cực, song báo cáo U-report của Liên hợp quốc năm 2019 cho thấy một thực tế rằng 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực. 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và 75% các em không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, tổng đài Đường dây điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà.
“Phương thức học trực tuyến là xu hướng giáo dục trong tương lai vừa được triển khai rộng, ngay lập tức xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại cho trẻ em khi sử dụng và trong bối cảnh mới, những vấn đề xâm hại trẻ em ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Việt Nam cũng đã áp dụng những biện pháp tổng thể, từ truyền thống tới hiện đại, áp dụng các ứng dụng của cách mạng 4.0, huy động sự vào cuộc của liên ngành, liên quốc gia, mọi cá nhân.
Như vậy, mặc dù các quốc gia thành viên đã có những nỗ lực về bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt nói chung và trên môi trường mạng, ASEAN cần tìm cách thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể, toàn diện và mang tính khu vực trong vấn đề này. Chúng ta phải nhấn mạnh vào trách nhiệm và sự tham gia của chính trẻ em trong các nỗ lực này”, bà Hà nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN