Anh Nguyễn Mạnh Huy công nhân một công ty may, khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương cho biết, những năm trước, dịp cuối năm, anh thường phải làm tăng ca đến 10h đêm, thậm chí cuối tuần cũng tăng ca kín lịch vì quá nhiều đơn hàng. Thu nhập những tháng này cũng vì thế mà cao đột biến so với những tháng khác trong năm. Có tháng, anh nhận lương hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, năm nay, anh Huy cũng như nhiều đồng nghiệp khác chỉ mong “vất vả”, “bận rộn” mà không được.
“Sản phẩm chủ yếu xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, nên hoạt động bị ngưng trệ, số lượng đơn hàng rất ít. Hằng tuần lao động đều được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Những ngày thường cũng chỉ làm theo giờ hành chính. Lương hưởng theo năng suất, không có việc nên lương thưởng đều bị giảm mạnh”, anh Huy chia sẻ.
Theo dự đoán của anh Huy, thưởng Tết năm nay cũng có thể ít hơn những năm trước. Do đó, để đảm bảo cân đối chi tiêu của gia đình, những tháng cuối năm, anh phải nhận thêm việc sơn nhà, lắp đặt điện nước vào buổi tối hay những ngày cuối tuần.
“Thu nhập thấp hơn trước, nhưng chi phí học hành của con cái và nhiều khoản khác đều không giảm, nên nếu không tìm việc làm thêm sẽ rất khó khăn, chật vật”, anh Huy chia sẻ.
Chị Bùi Lan Anh (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định nghỉ việc tại công ty cũ ngay từ đầu tháng 11 - thời điểm không mấy lao động chọn “nhảy việc” do muốn được hưởng nguyên lương thưởng Tết.
Chị Lan Anh cho biết, dù sắp Tết, áp lực kinh tế rất lớn, song chị cũng quyết định nghỉ làm để tìm công việc mới với mức thu nhập phù hợp hơn. Hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng sự kiện bên chị nhận tổ chức giảm mạnh, nhiều tháng do giãn cách xã hội, nhân viên công ty phải nghỉ việc không lương. Những tháng gần đây, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh doanh dần cải thiện, song công việc rất vất vả, thường xuyên phải đi sớm về muộn tổ chức sự kiện nhưng mức lương chị Lan Anh nhận được cũng chỉ giao động từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Là người ngoại tỉnh lên Hà Nội đi làm, với mức lương này, chị Lan Anh chỉ đủ trả tiền nhà, chi tiêu cá nhân, mà không hề có tích lũy.
“Công ty cũng đã thông báo chung chung rằng mức thưởng Tết năm nay có thể bị cắt giảm sâu, hoặc không có. Năm ngoái, mỗi nhân viên được thưởng 1 tháng lương cơ bản, tương đương với 4 triệu đồng. Mức lương quá thấp, nhiều người không trụ được cũng đã phải nghỉ việc”, chị Lan Anh cho biết.
Chị Đỗ Thu Thanh (Hải Dương) hiện đang làm việc tại một trung tâm dạy tiếng Nhật ở Hải Dương cho biết, năm nay, phần lớn lao động tại công ty đều không hy vọng vào mức lương thưởng Tết.
Chuyên dạy tiếng Nhật cho người đi xuất khẩu lao động, du học Nhật Bản, nhưng từ đầu năm đến nay, cả thị trường trong nước và Nhật Bản đều chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, việc đưa lao động, du học sinh sang Nhật bị ngưng trệ. Công ty chị Thanh phải cho nhân viên nghỉ việc không lương từ tháng 4 đến đầu tháng 9. Thời điểm hiện tại, số lượng học viên theo học giảm mạnh, nhiều giáo viên tại trung tâm phải làm việc luân phiên.
Chị Thanh cho biết, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài hết năm nay, công ty chị sẽ buộc phải đóng cửa.
“Thưởng Tết hàng năm khoảng 2 triệu đồng, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, chúng tôi được thông báo trước thưởng Tết sẽ giảm. Tuy nhiên, vấn đề lo lắng hơn cả là có nguy cơ mất việc nếu dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp”, chị Thanh lo ngại.
Sẵn biết làm bánh, thời gian gần đây, chị Thanh cũng phải tự làm thêm các loại bánh ngọt, rao bán online để bù thêm vào phần thu nhập bị thâm hụt do dịch bệnh./.
Từ 1/1/2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Luật lao động quy định thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp trong mọi trường hợp. Khoản thưởng được đưa ra căn cứ theo kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. |
Nguyễn Trang/VOV.VN