PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW chia sẻ những trăn trở về nghề giáo.
PV: Thưa ông, theo ông giáo viên có vai trò gì trong công cuộc đổi mới giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0?
PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ: Giáo viên có vai trò hết sức quan trọng, “đại kế giáo dục người thầy là gốc”.
Trước đây vai trò người thầy chủ yếu truyền thụ kiến thức, hiện nay giáo dục đặt trọng tâm vào việc phát triển năng lực phẩm chất nên người thầy có vai trò mới.
Người thầy là người tổ chức, điều hành, cố vấn trong tổ chức dạy học. Cố vấn là hướng dẫn các em học sách giáo khoa thế nào, đọc tài liệu ra sao. Khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, thầy giáo phải hướng dẫn các em tra mạng, tham khảo tài liệu trên mạng thế nào, lọc thông tin ra sao. Quan trọng là giúp các em hiểu đúng các thông tin, sự kiện.
Phải định hướng cho các em một tư duy quan trọng là tư duy phê phán. Tất nhiên dạy được trẻ có tư duy phê phán thì thầy phải am hiểu, phải có trình độ.
Làm sao phải đào tạo được 5 phẩm chất và 10 năng lực mà Bộ đã quy định cho học sinh...
PV: Người thầy có nên được quyền chủ động hơn trong việc dạy học, thưa ông?
PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ: Đúng vậy! Bộ GD&ĐT phải để cho giáo viên tự chủ hơn. Chính bản thân giáo viên cũng cần tự phát huy tính chủ động. Mình muốn dạy cho học sinh phát triển năng lực thì mình cũng phải phát huy năng lực bản thân: năng lực tự chủ, năng lực sáng tạo…
Nhưng do cơ chế của chúng ta nên giáo viên vẫn còn ngại trong phát huy năng lực, suy nghĩ của mình, e sợ cái nọ cái kia. Có điều gì bức xúc hay thấy không hợp lý họ không dám nói thẳng, sợ bị chuyển trường…
Áp lực từ nhiều phía: bị áp lực từ dưới lên, đồng nghiệp nhận xét, rồi ý kiến từ trên trường xuống, rồi thành tích chỉ tiêu phân phối trường này bao nhiêu tiên tiến, trường kia bao nhiêu tiên tiến…
Cũng có lý do khác khiến thầy cô giáo chưa toàn tâm toàn ý với nghề giáo. Một trong số đó là do xã hội chưa thực sự coi trọng nhà giáo.
Hơn nữa, về chế độ đãi ngộ mà ta đã nói mãi, lương giáo viên thấp. Với mức lương 5-6 triệu/ tháng nuôi 2 đứa con làm sao đủ. Tôi biết nhiều giáo viên phải làm thêm, phải bán hàng online. Nhà nước nên tăng lương cho giáo viên ở một chế độ thỏa đáng thì người ta sẽ tận tâm. Nếu người thầy tận tâm thì chất lượng giáo dục sẽ nâng lên.
Thêm nữa về vấn đề tôn vinh nhà giáo. Xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú còn khắt khe. Ví dụ một cô giáo lên miền núi 10 năm theo tôi đã xứng đáng là nhà giáo ưu tú, chúng ta cần phải có sự thay đổi.
PV: Có một thực trạng là các trường sư phạm khó thu hút thí sinh giỏi. Theo ông chính sách mới về hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm mới đây liệu có giúp thu hút được người giỏi vào sư phạm?
PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ: Theo tôi, cùng với chính sách miễn học phí, chính sách hỗ trợ 3,6 triệu đồng sinh hoạt phí có đóng góp cho việc thu hút học sinh vào sư phạm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay tuyển được hơn 5.000 thí sinh, các thầy rất phấn khởi.
Nhưng đó không phải gốc gác vấn đề, quan trọng là đầu ra có xin được việc làm hay không, chế độ đãi ngộ thế nào. Tôi biết nhiều học sinh giỏi có giải quốc gia nhưng không vào sư phạm mà chọn trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân. Đáng ra giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn Sử, môn Văn thì phải vào sư phạm Sử, sư phạm Văn nhưng các em không vào mà đi học trường khác.
Đầu ra, chế độ đãi ngộ và kèm theo nhiều chính sách tôn vinh của Đảng và Nhà nước, sự tôn vinh của xã hội chứ hỗ trợ dù rất tốt cũng không phải là vấn đề căn cơ của đầu vào sư phạm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.
5 phẩm chất và 10 năng lực cần phát triển cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới:
5 phẩm chất: Yêu nước, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ, nhân ái.
10 năng lực: Tự chủ và tự học; năng lực thể chất; năng lực thẩm mỹ; năng lực tin học; năng lực công nghệ; năng lực khoa học; năng lực toán học; năng lực ngôn ngữ; giải quyết vấn đề và sáng tạo; giao tiếp và hợp tác.
|
Thục Hiền/VOV2 (thực hiện)