Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng ở TP.HCM liên tục đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi mua bán, cầm cố sổ BHXH để nhận trợ cấp BHXH một lần. Thế nhưng, hiện nay tình trạng mua bán sổ BHXH của người lao động bắt đầu quay trở lại, nhất là thời điểm cuối năm.
Chiêu trò mua bán hấp dẫn
Chỉ cần lên Facebook, vào các nhóm dành cho công nhân ở các khu công nghiệp, đặc biệt là khu vực Bình Dương, có thể dễ dàng bắt gặp các bài viết mời chào công khai mua bán sổ BHXH. Những lời mời chào với nội dung hấp dẫn như: “thu gom tất cả các loại sổ BHXH, thời gian nhanh chóng, có tiền dễ dàng”, “thanh lý sổ BHXH trước thời hạn”; “ai mượn hồ sơ đi làm mà không rút được tiền bảo hiểm thì cứ nhắn cho mình…”…So với mấy tháng trước các đối tượng để số điện thoại công khai thì hiện nay chỉ đăng thông tin, rồi mời chào nhắn tin riêng để chốt giao dịch.
Tại TP.HCM, tình trạng rao mua - bán sổ không phổ biến trên mạng xã hội như Bình Dương nhưng đã xảy ra ở một số địa bàn vùng ven. Mới đây, BHXH huyện Củ Chi, TP.HCM phát hiện hàng loạt công nhân trên địa bàn huyện ủy quyền cho một người làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần. Trước vụ việc đáng ngờ, lặp đi lặp lại nhiều lần, cơ quan bảo hiểm đã chuyển hồ sơ sang công an huyện điều tra.
Qua xác minh cho thấy, một chủ tiệm cầm đồ ở xã Trung An, huyện Củ Chi, đã nhận cầm cố sổ BHXH của nhiều công nhân, ngoài ra còn mua sổ BHXH của một số công nhân ở các tỉnh xa. Thông qua hợp đồng ủy quyền, ông chủ tiệm này đã đến cơ quan BHXH nhận chế độ BHXH một lần. Công an huyện Củ Chi đã xác định có 49 công nhân thế chấp sổ BHXH vay tiền hoặc bán cả sổ BHXH. Những công nhân khai nhận do cần tiền gấp để trị bệnh cho người thân, sinh con, sửa chữa nhà… nhưng vay ngân hàng không được vì không có tài sản thế chấp, nên đã bán sổ BHXH tại cửa hàng cầm đồ để nhận tiền một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, BHXH huyện Củ Chi cũng đã phối hợp với công an huyện phát hiện 8 công nhân cầm cố sổ BHXH kèm theo CMND, sổ hộ khẩu và thẻ ATM để vay từ 2 - 30 triệu đồng tại một cửa tiệm cầm đồ khác trên địa bàn. Có một số công nhân đã “bán non” sổ BHXH của mình với giá 20 triệu đồng, trong khi nếu chờ thêm 5 tháng nữa đến thời hạn nhận tiền tại cơ quan BHXH sẽ được 25 triệu đồng.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, việc cầm cố, mua bán sổ BHXH thường núp dưới hình thức ủy quyền, dùng giấy tờ ủy quyền thực hiện tại phòng công chứng để hợp thức hóa việc mua bán nên cán bộ BHXH khó nhận biết được. Người lao động chỉ cần gọi qua các số điện thoại hoặc gửi tin nhắn là có thể giao dịch và nhận tiền tại các phòng công chứng. Tuy nhiên, số tiền người lao động nhận được từ nơi cầm cố, mua bán sẽ thấp hơn rất nhiều số tiền thực tế nhận từ cơ quan BHXH.
Cũng theo ông Hà, dù tinh vi nhưng BHXH cũng đã phát hiện khi một người được nhiều người ủy quyền và nhiều lần nhận trợ cấp BHXH. Vì vậy BHXH TP.HCM đã chỉ đạo các BHXH quận huyện chú ý những trường hợp được ủy quyền từ 2 lần trở lên, thống kê và chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mua - bán số BHXH: Thiệt đơn, thiệt kép
Lãnh đạo BHXH cho biết, việc mua bán sổ vừa bất lợi cho người lao động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho chính người mua. Người bán sẽ nhận được ít tiền hơn, còn người mua thì cũng không ít rủi ro. Đã có những trường hợp người lao động sau khi đã cầm cố thế chấp, bán sổ rồi nhưng liên hệ cơ quan BHXH báo mất và được cấp sổ mới, nhanh tay nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần.
Người mua, nhận thế chấp sau đó nộp thì không được cơ quan giải quyết. Rủi ro nếu chẳng may người bán sổ, người lao động chết, thì theo quy định của pháp luật là phải giải quyết trợ cấp tuất. Trợ cấp tuất này chỉ giải quyết cho thân nhân người lao động. Vì vậy người nhận cầm cố, thế chấp mua sổ, sẽ không được giải quyết chế độ BHXH một lần.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, hiện nay, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng chế độ BHXH. Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng tình hình Covid-19, nhiều người lao động gặp khó khăn trong vấn đề việc làm nên tình trạng mua bán sổ BHXH núp bóng ký hợp đồng ủy quyền giải quyết chế độ BHXH một lần xảy ra nhiều. Thậm chí có nhiều trang Facebook cá nhân, nhiều người mạo danh là cán bộ, cơ quan BHXH hỗ trợ giải quyết sổ BHXH cho người lao động có nhu cầu. Ngoài ra, các “đầu nậu” này tập trung mua sổ BHXH của những công nhân mượn hồ sơ đi làm, không chính chủ để trục lợi chính sách. Đây là một hành vi bất hợp pháp, sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Cũng theo luật sư Hậu, việc người lao động đi cầm cố, bán sổ BHXH cũng là hình thức nhận BHXH một lần, việc này sẽ thiệt thòi cho người lao động về lâu dài. Người lao động khi đã nhận BHXH một lần thì sẽ không được cộng nối thời gian đóng, chỉ tính thời gian đóng mới thôi. Như vậy người lao động mất cơ hội hưởng lương hưu. Cho nên nếu ngừng đóng BHXH thì có thể bảo lưu thời gian để có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện.
“Người lao động nên cân nhắc lựa chọn việc nhận BHXH 1 lần, không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như BHYT để chăm sóc sức khỏe về già. Và nếu như không may bị thất nghiệp thì người lao động nên đăng ký trợ cấp thất nghiệp, các gói cứu trợ của Chính phủ”, luật sư Hậu cho hay.
Rõ ràng, việc cầm cố, mua bán sổ BHXH vừa bất hợp pháp, vừa bất lợi cho cả người bán lẫn người làm dịch vụ mua bán, cầm cố. Trong khi đó, sổ BHXH có lợi ích về lâu dài, là điểm tựa an sinh ổn định cho cuộc sống người lao động. Vì vậy người dân cần nâng cao ý thức, không nên trao đổi mua bán, cầm cố cuốn sổ “tiết kiệm” có nhiều giá trị vô hình này./.
Kim Dung/VOV-TPHCM