Cần xử lý dứt điểm việc khai thác vàng đã kéo dài nhiều năm ở Sơn La

Tình trạng đào múc đất khai thác vàng trái phép tại bản Lù đã diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, do chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng này lại tái diễn.

 

Vượt qua 6km đường đất gập ghềnh khúc khuỷu, trung tâm xã, bản Lù, xã Chiềng Lương (Mai Sơn) hiện ra đẹp như một bức tranh, với những nếp nhà sàn kiên cố mọc san sát, một bên bản là cánh đồng mới gặt, một bên là sắc xanh của đồi rừng. Điều khác lạ là trong bản có rất nhiều máy xúc, chiếc thì gác gàu ngay sân nhà, chiếc thì nằm nghỉ ngơi tại các bãi đất trống ngoài bìa  ruộng…

Ông Hà Văn Xuân, Bí thư Chi bộ bản cho biết, bản Lù có 259 hộ, trên 1.200 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Dân số đông như vậy, song cả bản chỉ có gần 300 ha đất sản xuất, trong đó, lúa ruộng chỉ khoảng 30 ha.

Về việc bản có nhiều máy xúc, ông Xuân cho biết, chủ yếu là các hộ gia đình tự mua, nghi là để khai thác vàng trên đất của chính gia đình họ. Tuy nhiên, việc bà con khai thác vàng như thế nào, được bao nhiêu thì không ai biết cụ thể….Năm nay 60 tuổi, ông đã từng chứng kiến việc người dân trong bản tự khai thác vàng từ lúc  còn nhỏ xíu, thậm chí, đời bố của ông, người dân trong bản cũng tích cực tìm vận may trên đất của mình rồi.

Cỗ máy nghi là để sàng đãi vàng đặt ở các mảnh ruộng trước sân của một hộ gia đình.

Theo ông Xuân, hiện nay ở bản vẫn có hơn chục hộ thường xuyên duy trì việc khai thác vàng, bất chất cấp ủy, chính quyền điạ phương tuyên truyền, vận động không được làm như thế.

 "Việc khai thác vàng ảnh hưởng rất lớn, một là nước, hai là đất đai sạt lở xuống. Bản cũng đã tuyên truyền, không được làm vàng vì sập lúa, làm vàng là hỏng đất, rồi nước đục vào ruộng và còn ảnh hưởng đến bản khác nữa…Nói chung khi họp thì bà con nghe. Sau khi họp xong đi về là không nghe nữa", ông Hà Văn Xuân cho hay.

Thực tế qua các đợt kiểm tra, xã bản và huyện cũng đã phát hiện nhiều trường hợp cố tình vi phạm.

Đơn cử, ngày 22/9/2020, UBND xã Chiềng Lương phối hợp với Công an huyện Mai Sơn tiến hành kiểm tra, đã phát hiện hộ ông Lường Văn Te tập kết máy móc chuẩn bị đào múc đất trái phép trên đất nông nghiệp có giấy chứng nhận mang tên ông Lường Văn Lanh (bố của ông Lường Văn Te, đã mất). Qua làm việc, ông Te cho biết, ông Hà Văn Nam (cùng ở bản Lù, xã Chiềng Lương) giới thiệu ông Thủy (không rõ họ, cư trú tại Mộc Châu, Sơn La) đến thống nhất đào bới ao gia đình ông Te với mục đích thăm dò, khai thác vàng nếu được chia cổ phần.

Các mảnh ruộng bị đào xới nham nhở.

Thời điểm kiểm tra, trên đất mang tên ông Lường Văn Lanh chưa thực hiện việc đào, múc đất, song tại khu đất ông Lường Văn Tương (con trai ông Lường Văn Te) gần đó có 1 hố đất đã đào đường kính 1m, sâu khoảng 10m. Tổ công tác đã nhắc nhở yêu cầu ông Tương hoàn trả hiện trạng đất như ban đầu và cam kết không tái phạm... Đến ngày 13/10 vừa qua, nhận được thông tin về việc có hộ xúc đất tại Phong Chợ, bản Lù, UBND xã Chiềng Lương phối hợp với Ban quản lý bản Lù vào kiểm tra, phát hiện hộ ông Lường Văn Te đã xúc đất nông nghiệp với diện tích 475m2…

Trước đó, ngày 27/6/2020, UBND huyện Mai Sơn ra quyết định tạm giữ phương tiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ ông Ngô Đình Đối, số tiền hơn 33 triệu đồng; ngày 28/9/2020, UBND xã Chiềng Lương ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông hộ ông Quàng Văn Tỉnh, số tiền 2 triệu đồng; ngày 19/10/2020 xử phạt hộ ông Lường Văn Te, số tiền 5 triệu đồng cũng với hành vi vi phạm là hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình các thửa đất từ hơn 40m2 đến gần 500m2 mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép...

Theo ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, điều giống nhau ở các vụ xử phạt hành chính tại bản Lù là hầu hết người vi phạm đều nhận sai, thành thật hối lỗi, chấp nhận bị xử phạt vì vi phạm hành chính về đất đai. Tuy nhiên, khi các lực lượng rút khỏi địa bàn thì đâu lại vào đấy, người dân lại vẫn thực hiện đào múc đất từ chỗ này sang chỗ khác, nếu không may bị lực lượng chức năng bắt quả tang thì lại tỏ ra hối lỗi…

"Thời gian vừa rồi cả thường trực Ủy ban luôn tích cực phối hợp với công an huyện và các phòng ban chuyên môn của huyện cùng vào làm việc, xác minh và làm tất cả các bước theo quy trình. Tuy nhiên, để thu máy móc của dân thì rất khó, đặc biệt, thu được để di chuyển máy từ trong bản ra xã thì rất khó và khổ, đường xa, đi lại vất vả, máy của bà con thì đa phần là máy cũ, nếu hỏng hóc giữa đường thì rất khó cho anh em. Cả kinh phí nữa, nếu họ không phối hợp thì phải thuê người lái máy xúc ra, máy hỏng nữa thì làm thế nào? Còn thuê xe này xe kia để chở ra thì xã không có kinh phí, rồi phương án để có kinh phí trông coi tại bản 24/24 giờ", ông Thỏa nói.

Máy sàng đãi vàng đặt cạnh nhà một hộ dân trong bản.

Thống kê trong toàn huyện Mai Sơn, 9 tháng năm 2020, qua tăng cường tuyên truyền và kiểm tra việc khai thác khoáng sản trái phép tại các xã Tà Hộc, Chiềng Ve, Chiềng Lương và Chiềng Chung, các lực lượng chức năng đã tạm giữ 11 máy nổ, 4 máy nghiền tự chế, 1 máy phát điện, 2 máy khoan cầm tay…và đã xử phạt hành chính 13 trường hợp, tổng số tiền trên 170 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, do không có cơ sở xác định rõ việc đào múc đất tại bản Lù, xã Chiềng Lương có phải khai thác vàng hay không, nên hiện tại, huyện chỉ mới áp dụng các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về hủy hoại đất theo quy định tại Nghị định số 91 năm 2019 của Chính Phủ. Tuy nhiên, mức này còn thấp, các đối tượng dễ chấp hành, do đó không có cơ sở thực hiện biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của các đối tượng vi phạm.

Một hộ gia đình đang đào xúc đất tại bản Lù.

Đề cập trách nhiệm để sự việc tái diễn nhiều lần trong nhiều năm mà không có biện pháp xử lý dứt điểm, bà Hoàng Thị Hồng cho biết: "Những năm trước, kể cả năm 2019, đoàn liên ngành cũng có thành lập. Tuy nhiên, chưa quyết liệt, thiếu cả về lực lượng, lực lượng công an chính quy ở xã cũng chưa có. Vì hoạt động của Đoàn liên ngành gặp nhiều khó khăn. Năm nay, chúng tôi thành lập Đoàn liên ngành mà trước đây Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường là đoàn phó thường trực, nhưng năm nay phó thường trực là lực lượng Công an. Vì vậy, năm 2020, chúng tôi đã phải xây dựng kế hoạch để khắc phục ngay từ ban đầu", bà Hồng quả quyết.

Bà Hồng cho biết thêm, để giải quyết dứt điểm việc người dân đào múc đất bừa bãi nghi là khai thác vàng, gây hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình các thửa tại bản Lù, trước mắt, huyện sẽ chỉ đạo lực lượng công an thường xuyên bám nắm cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Sau đó, sẽ đề xuất với Sở Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh Sơn La xem xét, có hướng khảo sát, thăm dò trữ lượng khoáng sản để đưa vào quy hoạch nhằm quản lý tốt hơn trong thời gian tới./.

Nhóm PV/VOV-Tây Bắc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận