Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) nhận thấy học sinh người Ê Đê, Ba Na hạn chế việc tiếp cận kiến thức văn hoá truyền thống của dân tộc. Các em gần như không biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần...
Rất ít học sinh biết đánh cồng chiêng, hát dân ca, hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sau này sẽ gặp khó khăn.
Nữ giáo viên đề xuất Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có đề án cụ thể, đưa những nội dung thiếu sót trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong môi trường học để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Cô cũng cho biết thêm, có những năm tỷ lệ học sinh bỏ học cao, không phải vì kinh tế khó khăn mà vì nhận thức còn hạn chế của gia đình, bản thân các em về việc học tập. Điều này khiến giáo viên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy, vận động học sinh đến trường.
Là người dân tộc Cơ tu, hiện giảng dạy tại một trường mầm non thuộc xã Hòa Bắc, Hòa Vang (Đà Nẵng), cô Trần Thị Bích Thu nêu khó khăn lớn nhất của cô là trẻ dân tộc thiểu số có vốn tiếng Việt hạn chế, chưa mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp; chưa tham gia sôi nổi các hoạt động và mức độ tiếp thu kiến thức không cao.
Hầu hết trẻ dân tộc thiểu số có thể trạng nhỏ bé, bởi đa số cha mẹ trẻ làm nương rẫy, điều kiện khó khăn, chưa thường xuyên tổ chức được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ tại nhà. “Đây là vấn đề tôi trăn trở và rất mong trẻ dân tộc Cơ tu nói riêng, trẻ em vùng kinh tế khó khăn nói chung được hỗ trợ để có thể nâng cao thể trạng, từ đó phát triển tốt hơn”, cô Thu nói.
Tại buổi gặp mặt, nhiều thầy cô cũng bày tỏ trăn trở khi khó khăn cả về cơ sở vật chất, điều kiện sống, môi trường… dẫn đến chất lượng giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Các thầy cô đề nghị tiếp tục quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho đồng bào dân tộc; mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, giúp giáo dục vùng dân tộc nâng cao chất lượng.
Liên quan đến vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số và dinh dưỡng, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Theo đó, cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT cùng Ủy ban dân tộc phối hợp trình Chính phủ có chế độ ăn trưa cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình vì liên quan đến nguồn lực, nhất là giai đoạn vừa qua, chúng ta gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành 20% cho giáo dục địa phương. Theo chương trình mới, nhà trường, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm chất lượng giáo dục. Do đó, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động trong việc đưa các trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc mình vào nhà trường phù hợp.
Ghi nhận nỗ lực, cố gắng, đồng thời chia sẻ với các khó khăn của các thầy cô, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó, nhất là trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nhân dịp này, Thứ trưởng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
HÀ CƯỜNG/VTC.VN