Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 9 lần lỗi hẹn và lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Đường sắt đô thị, tuyết Cát Linh - Hà Đông vật vã hơn 12 năm qua, đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vẫn chỉ có thể "hứa" về thời gian vận hành.

 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt lần đầu năm 2008, khởi công từ tháng 10/2011. Tuyến đường có chiều dài 13,05 km gồm 12 nhà ga trên cao và 1 khu Depot.

Ban đầu dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào 2/9/2014, sau đó liên tiếp cả chục lần lùi tiến độ hoàn thành: tháng 6/2015; tháng 6/2016, rồi tháng 12/2016; tháng 2/2017; tháng 10/2017; tháng 9/2018; Tết Kỷ Hợi 2019; 30/ 4/2019. Tuy nhiên, “đích” mới nhất của tuyến này là hoàn thành vào cuối năm 2020 đầu năm 2021.

Về vốn, tuyến Cát Linh - Hà Đông lúc đầu được phê duyệt tổng mức đầu tư là hơn 8.769 tỷ đồng (552 triệu USD) bằng nguồn vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, sau đó bị đội lên 18.001 tỷ đồng (891,9 triệu USD), tương đương mức “đội vốn” là 205,27%. Đến nay dự án chưa đưa vào sử dụng được một ngày nào nhưng đã phải bố trí vốn để trả nợ gốc theo hiệp định vay vốn.

Về lý do tăng vốn, theo chủ đầu tư là Bộ GTVT, do đây là loại hình mới đầu tiên triển khai ở Việt Nam nên chưa nắm được công nghệ, thiếu kinh nghiệm, thiết kế và dự toán chưa sát thực tế; dự án kéo dài dẫn tới chi phí nhân công, thiết bị tăng, tỷ giá tăng…làm tăng vốn đầu tư.

Cùng với đó, dự án metro hiện tại đều hết thời hạn giải ngân vốn theo hiệp định vay và tăng vốn nên phải vay bổ sung. Phát sinh này khiến các dự án kéo dài thêm do thủ tục gia hạn, đàm phán các khoản vay bổ sung mất nhiều thủ tục, thời gian. Ngoài ra, do kéo dài thời gian hợp đồng với các nhà thầu, phải bổ sung chi phí cho nhà thầu, việc này lại vướng trong khâu kiểm toán, dẫn tới kéo dài...

Chị Trần Hà Giang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi hay tin tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đưa vào vận hành chị rất hào hứng và kỳ vọng sẽ không còn phải khổ sở với tắc đường mỗi khi đi về. Tuy nhiên, theo chị Hồng, mong ngóng của chị nhiều năm qua chưa biết khi nào mới thành hiện thực, thấy tàu chạy chị nghĩ sắp được đi, nhưng rồi tàu lại dừng, và chị lại đợi.

Chị Phan Thu Lan (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị làm việc văn phòng nên thường xuyên đi xe buýt từ nhà tới cơ quan trên đường Giảng Võ. Tuy nhiên, khi đi xe buýt lại hay bị tắc đường vào giờ cao điểm nên mất nhiều thời gian.

Từ khi có tuyến BRT thì chị đi 2 chặng, nhưng cũng không tiết kiệm được bao nhiêu thời gian. Do đó, khi hay tin tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị đưa vào vận hành chị rất hào hứng và kỳ vọng sẽ không còn phải khổ sở với tắc đường mỗi khi đi về. Tuy nhiên, theo chị Hồng, mong ngóng của chị nhiều năm qua chưa biết khi nào mới thành hiện thực, thấy tàu chạy chị nghĩ sắp được đi, nhưng rồi tàu lại dừng, và chị lại đợi.

Theo một khảo sát ý kiến người dân Hà Nội về vấn đề sử dụng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi hoàn thành (Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội tiến hành), kết quả cho thấy: 98% người dân được hỏi đều trả lời có biết đến dự án này; 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi thử ít nhất một lần; đa phần người dân trả lời có thể chấp nhận đi tuyến này với giá vé lượt cao hơn giá vé buýt thông thường từ 35 đến 37%. Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận mức vé cao hơn vé xe buýt từ 10 đến 15%.

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư) cho biết, sau gần 1 năm phải tạm dừng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nay gần 100 chuyên gia, nhân sự của tổng thầu EPC (Trung Quốc) đã đến Hà Nội để chuẩn bị việc vận hành thử hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Các nhân sự của Tổng thầu và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Pháp) đều đã sang Việt Nam và đang cách ly phòng dịch.

Dự kiến, trong tháng 12 tới, tuyến đường sắt này sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày để làm cơ sở đánh giá, thực hiện các công việc còn lại, phấn đấu cuối tháng 12/2020 sẽ hoàn thành công tác vận hành thử, diễn tập các tình huống an toàn để tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống kiểm chứng; thực hiện đánh giá theo quy định; tháng 1/2021 bắt đầu nghiệm thu tổng thể, bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Đại diện Bộ GTVT xác nhận, đến đầu tháng 10/2020, dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng (13,05 km cầu cạn cho tuyến đường sắt trên cao; toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu; toàn bộ 12 nhà ga kèm theo hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành; 16 khu đơn thể Depot kèm theo hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh), hoàn thành mua sắm 13 đoàn tàu chuẩn B1, đã vận chuyển và lắp đặt tại dự án.

Liên quan đến công tác vận hành thử toàn hệ thống, Tổng thầu Trung Quốc mới đây đã trình chủ đầu tư các mốc thời gian tiến độ mới. Cụ thể, công tác huy động nhân sự bắt đầu từ ngày 22/10 đến ngày 19/11/2020 (kể cả thời gian cách ly y tế); công tác vận hành thử toàn hệ thống bắt đầu từ ngày 6/10/2020 đến ngày 31/12/2020; công tác bàn giao bắt đầu từ cuối tháng 1/2021 và hoàn thành trong quý I/2021.

Dù vậy, nút thắt lớn nhất đối với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu muốn đưa vào vận hành thương mại nằm ở công tác nghiệm thu an toàn.

Theo đó, đánh giá an toàn hệ thống của dự án được thực hiện bởi đơn vị tư vấn APAVE - CERTIFER – TRICC đến nay không có nhiều tiến triển, do Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn và các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất; chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để Tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.

Bộ GTVT cũng nhận định, đây là vấn đề có tính then chốt, bởi nếu không giải quyết triệt để các tồn tại sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và có khả năng phải kéo dài thời gian hoàn thành đưa vào khai thác.

Vì vậy, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết và đề nghị Tư vấn độc lập tích cực phối hợp đánh giá an toàn hệ thống trong quá trình Tổng thầu vận hành thử toàn hệ thống.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay, các chuyên gia Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục công việc đánh giá an toàn trong giai đoạn vận hành thử. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Bộ Ngoai giao để hỗ trợ.

“Hiện chúng ta đã ký hợp đồng tư với Công ty Tư vấn ACT của Pháp và phải thực hiện đúng theo hợp đã ký. Cùng với đó, ACT là một trong những công ty hàng đầu thế giới về đánh giá hệ thống an toàn các tuyến đường sắt đô thị.

Tư vấn của Pháp có vai trò rất quan trọng, dự án có thể đưa vào vận hành thử nghiệm hay không phụ thuộc vào kết quả đánh giá của đội ngũ này. Chỉ khi nào vận hành thử toàn hệ thống và kết quả đánh giá an toàn hệ thống mới quyết định được”, đại diện Bộ GTVT nhìn nhận.

Các chuyên gia giao thông đã chỉ ra, đa số các dự án Metro ở nước ta đều chậm tiến độ, đội vốn lớn có nhiều nguyên nhân, trong đó có năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Về phần mình, Bộ GTVT nhận trách nhiệm trên cương vị là chủ đầu tư với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm.

Trong đó, có trách nhiệm của Bộ GTVT và Ban quản lý dự án Đường sắt (chủ đầu tư); trách nhiệm của địa phương về giải phóng mặt bằng chậm, trách nhiệm của nhà thầu thiết kế, nhà thầu giám sát, thi công... Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, thời gian qua, Chính phủ, Bộ GTVT đã làm việc với phía Chính phủ và Sứ quán Trung Quốc để thúc đẩy công việc tại dự án này.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia giao thông), đáng ra, nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm thì có thể thuê đơn vị quản lý từ nước ngoài, hoặc liên danh – liên kết để học hỏi kinh nghiệm. Dù đưa ra lý do gì thì các chủ đầu tư vẫn chưa làm tròn trách nhiệm. Và khi đã xảy ra tình trạng trên, phải làm rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm minh, không phải nêu ra vậy rồi tất cả đều “bình an”, chưa thấy ai bị phê bình hay kỷ luật gì từ các dự án metro.

Đội vốn ít còn có thể chấp nhận, chứ đội vốn nhiều thì cần làm rõ nguyên nhân. Cùng với đó, cần xử lý tình trạng có một số chủ đầu tư lựa chọn giải pháp an toàn, làm đúng quy trình nhưng chậm tiến độ chỉ bị khiển trách, còn làm nhanh mà sai có thể bị kỷ luật.

Về giải pháp, trước tiên có thể thay các ban quản lý dự án thiếu năng lực bằng thuê đơn vị quản lý dự án nước ngoài. Nếu đơn vị chuyên nghiệp quản lý dự án, chắc chắn sẽ hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, do quy định của ta không có việc doanh nghiệp quản lý dự án, nên cần sửa đổi điều này để có thể áp dụng cơ chế thuê quản lý dự án. Cùng với đó, khi vay vốn ODA cũng cần lựa chọn đối tác đáng tin cậy, đối tác không tin cậy sẽ không vay.

Ngày 28/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án được khởi công cách đây gần 10 năm. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từ 8/10 chuyên gia tư vấn của Pháp đã sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án. Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện - Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị.

Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống. Có một số tồn tại mà bản thân chủ đầu tư, thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các định hướng để giải quyết theo đúng pháp luật và với tinh thần: Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra.

"Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất. An toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT, TP Hà Nội làm thủ tục bàn giao tài sản dự án đúng quy định pháp luật. Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên…phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại một lần nữa làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Hội trường Diên Hồng sáng 3/10, các đại biểu Quốc hội đã dành trọn thời gian để nói về việc phát triển đường sắt đô thị. Theo các đại biểu, TP.HCM và Hà Nội đang đô thị hoá mạnh mẽ và phát triển bùng nổ, trở thành những siêu đô thị 10 triệu dân với nhiều nét tương đồng. Vì thế, việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị được coi như giải pháp “cứu cánh”, mang tính then chốt của cả hai thành phố.

Tuy nhiên việc triển khai các dự án đường sắt đô thị hiện nay có khá nhiều vấn đề, mà mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần, gây bức xúc dư luận.

Đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, thứ 10, không để kéo quá dài gây bức xúc dư luận.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo không để sai hẹn về đích thêm lần thứ 9, thứ 10 (Ảnh: Quochoi.vn)

Trao đổi lại ý kiến này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, "qua những dự án hiện nay, thì chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc”.

“Với những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, chúng tôi đại diện Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án mà chúng ta khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Sau gần 10 năm thi công, trải qua 4 nhiệm kỳ Bộ trưởng GTVT, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông từ một công trình vận tải vì lợi ích dân sinh, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đã trở thành nỗi thất vọng của người dân thủ đô. Gánh nặng nợ công đè nặng lên mỗi người dân. Đến nay vẫn chưa có lãnh đạo nào của Bộ GTVT phải chịu kỷ luật vì để xảy ra những việc này.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có 9 năm để trả nợ cả gốc lẫn lãi cho China EximBank do vay vốn để làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Với gần 700 công nhân vận hành toàn tuyến, dự án được cho là sẽ tiếp tục ngốn tiền ngân sách trong quá trình vận hành. Hà Nội dự kiến phải chi 14,5 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ giá vé cho hành khách đi tàu.

Các chuyên gia giao thông có năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, Hà Nội không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bởi nó không giải quyết được nhiều vấn đề trên hành lang này trong thời điểm hiện tại, nó đã quá chậm so với thời điểm vàng xây dựng tuyến và kỳ vọng đột phá.

"Nếu đưa dự án vào hoạt động từ năm 2014 thì hiệu quả sẽ tích cực hơn bây giờ gấp nhiều lần. Bởi từ năm 2011 đến nay, trong khi tuyến đường sắt vẫn chưa xong thì hành lang Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi, Hào Nam, Cát Linh mọc lên hàng chục cao ốc với hàng chục ngàn căn hộ”, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB GTVT, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị nói./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận