300.000 tỷ đồng cho giao thông khu Đông TP.HCM: Lập kế hoạch thì dễ, làm mới khó

Rõ ràng đầu tư cho giao thông đi trước một bước sẽ tạo ra các đòn bẩy để kích thích các ngành nghề, lĩnh vực khác phát triển, nhất là khu vực phía Đông.

 

Vấn đề lúc này là các cấp, các ngành của thành phố phải gấp rút tháo gỡ xong các điểm nghẽn giao thông ở khu vực phía Đông để giải phóng các tồn đọng.

Để phát triển hạ tầng giao thông khu Đông bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới, TP.HCM dự kiến cần 300.000 tỷ đồng.

Đây là nội dung được đưa ra trong kế hoạch phát triển giao thông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM vừa được Sở Giao thông Vận tải ban hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện được điều này, cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh và giải quyết những vấn đề cốt lõi.

Nút giao Trạm 2 (quận Thủ Đức), một trong những nút giao trọng điểm ở khu Đông TP.HCM, hồi đầu tháng 10. Ảnh: Vnexpress

Theo kế hoạch của Sở GTVT, có 4 nhóm giải pháp trọng tâm cần được tập trung triển khai để phát triển đồng bộ hạ tầng ở khu Đông thành phố từ nay đến năm 2030 gồm: chương trình đô thị thông minh; đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường vận tải hành khách công cộng và nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông thủy để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn, kết nối các mạng lưới sông lớn.

Cụ thể, khu TP. Thủ Đức trong tương lai sẽ hướng tới hình thành hệ thống giao thông thông minh hiện đại, thông qua việc đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông thông minh; đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông; đầu tư hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo và triển khai số hóa cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phía đông, trên cơ sở đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030, Sở GTVT sẽ ưu tiên tập trung vào các dự án kết nối liên vùng, đầu tư khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3; kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực gồm Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng… Đồng thời cải tạo các nút giao thông chính để chống ùn tắc như nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức...

Bên cạnh hoàn thiện hạ tầng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện đó là nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân khu đô thị sáng tạo phía đông đến năm 2040, mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông. Đồng thời, đầu tư hệ thống xe buýt nhanh (BRT). Đặc biệt, vai trò của tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) được nhận định rất quan trọng.

"Tôi kỳ vọng được đổi mới, để người dân được nâng cấp cuộc sống lên. Rộng mở thêm, không còn kẹt xe nữa".

"Và nếu như khu vực phía đông này được đầu tư tốt thì nó cũng sẽ tạo cho những khu vực như phía Nam, phía Bình Chánh, nó cũng sẽ kích theo".

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong các dự án trọng điểm trong chương trình phát triển hệ thống giao thông phía đông TP.              Ảnh: Pháp luật TP.HCM.

Đồng tình với kế hoạch của Sở GTVT, tiến sỹ Võ Kim Cương (nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cho rằng, việc phát triển thành phố phía Đông là cần thiết, góp phần tạo đột phá cho thành phố. Tuy nhiên, cần có sự cân đối vốn và chọn thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó là một quy hoạch và chương trình phát triển theo kế hoạch rõ ràng.

“Yếu tố quan trọng nhất vẫn là quy hoạch, và sau đó là phải có một kế hoạch phát triển, chương trình phát triển theo kế hoạch. Và từ kế hoạch đó, tôi muốn có một chương trình huy động nguồn lực. Phải biết huy động nguồn lực, từ dân, từ nước ngoài, tức là mọi nguồn lực, chứ không phải là chỉ có nhà nước bỏ tiền đâu tư”.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia quy hoạch đô thị), việc xây dựng giao thông phía đông thực sự cần thiết và cần phải làm ngay. Song, cần có một đề án liên Sở, để đưa ra được dự án hạ tầng phát triển cụ thể cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, cần có tư duy theo kinh tế thị trường, để tạo nguồn thu cho ngân sách.

“Mình đưa ra một đề xuất, dự án hạ tầng của mình sẽ có những giai đoạn phát triển thế nào. Và trong từng giai đoạn mình xây xong thì nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội ra sao. Nó đẻ ra những cơ hội thế nào để mình tăng nguồn thu ngân sách. Và thu ngân sách đó nó giúp chúng ta thu hồi lại vốn đầu tư đã bỏ ra để xây dựng hạ tầng, để mình đầu tư cho những tuyến khác.”

Cũng theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành phố phía đông rất cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh và chi tiết, giải quyết ba vấn đề cốt lõi gồm: Trung tâm đô thị nằm ở đâu; hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối đô thị như thế nào và việc quy hoạch đô thị mới phải là động lực để chỉnh trang khu đô thị hiện hữu. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng đề xuất, thành phố nên thành lập 1 tiểu ban để nghiên cứu sâu những kinh nghiệm của nước ngoài, điển hình là phố đông Thượng Hải. Ngoài ra, giải quyết được vấn đề cốt lõi từ việc tạo nguồn thu và huy động nguồn vốn cũng vô cùng quan trọng.

"Một thành phố phía đông mà đúng như tiêu chí là đô thị thế kỷ 21 thì mình sẽ cần đến nguồn vốn khổng lồ, có thể lên đến hàng trăm tỷ đô la. Và nếu mình ngồi mình chờ ngân sách thì chắc cả trăm năm mới làm được. Thì chỉ có cách là mình vừa chi, vừa tạo nguồn thu xoay vòng, và thu hút đầu tư thì mới làm được chuyện này trong vòng vài chục năm”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân,Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí Thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, ngoài nguồn lực tài chính, việc phát triển hạ tầng giao thông để xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông cần có sự đoàn kết và thống nhất giữa các ban ngành. Ngoài ra, phải làm nhanh và chi phí thấp.

“Làm thế nào chúng ta làm nhanh và chi phí thấp. Đã làm chậm mà chi phí cao là không được. Theo tôi, cái này là một kinh nghiệm của Việt Nam. Khi nào mình yếu, mình đoàn kết thì mạnh, đã yếu mà từng người riêng lẻ là không có ăn thua…”.

Rõ ràng, việc phát triển hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, vẫn còn yếu nhiều tố mà thành phố cần phải làm, đó là 1 bản quy hoạch hoàn chỉnh, giải quyết những vấn đề cốt lõi về nguồn vốn và cần có sự liên kết giữa các ban, ngành.

TP.HCM kỳ vọng bứt phá nhờ TP sáng tạo phía đông. Ảnh: Thanh niên

“300 ngàn tỷ đồng cho giao thông khu vực phía Đông - lập kế hoạch thì dễ, làm mới khó” (Bình luận của VOV Giao thông)

Việc thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung các nỗ lực để thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức được người dân của thành phố đặc biệt quan tâm. Đây là cơ sở để thành phố trong thành phố có cơ hội để bứt phá, hình thành nên khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông mang tầm vóc quốc tế. Tạo động lực để cho cả thành phổ phát triển trong nhiều năm tiếp theo.

Vấn đề lúc này là nếu chỉ sáp nhập mà không có các chính sách, đề xuất đột phá và hành động thực chất sẽ không có nhiều ý nghĩa, nhất là đối với cơ sở hạ tầng, giao thông.

Hiện nay tại 3 quận này, giao thông kết nối theo hưởng mở, liên thông với nhiều luồng tuyến cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đó là các tuyến cao tốc Long Thành- Giầu Dây, Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành; hệ thống kho vận cảng dịch vụ logictis dọc sông Sài Gòn. Kể cả tuyến đường sắt trên cao Bến Thành - Suối Tiên. Đây là những mặt mạnh, mở ra cơ hội tương tác cao giữa thành phố Thủ Đức tương lai với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, giao thông ở đây cũng đang đối diện với nhiều thách thức khi mà nhiều tuyến đường ra vào các cảng sông ngày càng ùn tắc nghiêm trọng. Có tuyến đường như Nguyễn Duy Trinh, vòng xoay Mỹ Thủy luôn là các điểm đen về tai nạn giao thông; gây bao lo lắng cho người đi đường. Đường vành đai 2 đi qua các quận nói hoài nhưng đến nay vẫn còn một đoạn chưa khép kín. Riêng đề án đường vành đai 3 thực chất chỉ đề cập trên văn bản giấy tờ, chưa được triển khai trên thực tế.

Việc mới đây Sở GTVT đề xuất tổng mức đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng cho giao thông ở khu vực phía Đông đến năm 2040 là sự chuẩn bị cho sự phát triển dài hơi của khu vực. Mở ra các cơ hội đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa hiện đại ở đây.

Tuy nhiên, từ kế hoạch đến việc triển khai là một khoảng cách rất xa nếu không quyết tâm và thể hiện các nỗ lực. Vì hiện nay, vốn đầu tư cho giao thông nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó. TP.HCM cần số tiền rất lớn cho nhiều khu vực để cải thiện tình hình giao thông chứ không chỉ khu vực phía Đông.

Do vậy, các cấp, các ngành của thành phố cần lên các kế hoạch cụ thể, chi tiết từ đó huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài theo các hình thức phù hợp. Đặc biệt là các đoạn đường làm có trọng tâm trọng điểm, làm thí điểm để các nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích và hiệu quả rõ rệt. Từ đó tham gia nhiều hơn. Tránh tình trạng kêu gọi nhiều nơi, đầu tư nhiều chỗ, theo kiểu rải mành mành, khiến nhiều tuyến đường luôn dang dở, không thể kết nối như hiện nay.

Một yêu cầu nữa để các công trình giao thông phát huy hiệu quả, phải quy hoạch có tầm nhìn và quản lý quy hoạch chặt chẽ. Để các con đường cây cầu làm ra không trở nên chật hẹp, bất cập. Việc quản lý hệ thống giao thông thông minh cũng cần có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực để quản trị, điều hướng giao thông.

Rõ ràng đầu tư cho giao thông đi trước một bước sẽ tạo ra các đòn bẩy để kích thích các ngành nghề, lĩnh vực khác phát triển, nhất là khu vực phía Đông sẽ hình thành nên các đô thị mới văn minh, hiện đại; tạo cơ sở thay đổi các đô thị hiện hữu. Vấn đề lúc này là các cấp, các ngành của thành phố phải gấp rút tháo gỡ xong các điểm nghẽn giao thông ở khu vực phía Đông để giải phóng các tồn đọng do đường thiếu, cầu yếu trong khi người và phương tiện mỗi ngày một đông như hiện nay.

Có làm được như vậy mới mong các kế hoạch dài hơi về phát triển giao thông cho khu vực phía Nam được thực hiện như kỳ vọng. Vậy nên lập kế hoạch thì dễ nhưng làm mới khó. Đó là thách thức đặt ra mà thành phố phải tập trung vượt qua trong thời gian tới.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận