Theo dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của Bộ GD-ĐT, về việc quản lý và sử dụng học phí, cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng thu, chi học phí của cơ sở giáo dục công lập phải tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán và báo cáo tài chính hằng năm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục sử dụng học phí theo theo nguyên tắc tự đảm bảo thu, chi và chịu trách nhiệm về quản lý tài chính đối với hoạt động của mình. Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở giáo dục thực hiện quản lý các khoản thu, chi học phí theo chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính và cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Dự thảo quy định của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.
Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.
Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu tối đa 10 tháng/năm. Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng dẫn đến thời gian học không đủ 9 tháng đối với giáo dục mầm non phổ thông và 10 tháng đối với giáo dục đại học thì học phí được thu theo số tháng học thực tế (trường hợp không triển khai học trực tuyến thì không thu học phí).
Chỉ thực hiện thu học phí khi tổ chức học trực tuyến hoặc khi bố trí học bù. Mức thu học phí đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học và chi phí phát sinh cần thiết để tổ chức dạy học nhưng không vượt quá quy định tại Nghị định này đối với cơ sở giáo dục công lập; không vượt quá tổng thu học phí tính theo số tháng tối đa của 01 năm học đã công khai từ đầu năm học đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian học, mức thu học phí, chính sách miễn giảm học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học quy định mức thu cụ thể trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự việc bất khả kháng.
Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học chế tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, song tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.
Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp học phí vào Ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc nhà nước để quản lý, sử dụng. Định kỳ (tối đa 5 ngày làm việc), đơn vị phải làm thủ tục chuyển toàn bộ số tiền đã thu học phí vào tài khoản của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để quản lý theo quy định./.
Nguyễn Trang/VOV.VN