Phương Thảo là gương mặt tiêu biểu, đi đầu trong lĩnh vực phim tài liệu độc lập ở nước ta. Một trong những bí quyết thành công của chị là sự giản dị, tôn trọng và đồng hành với nhân vật.
Thưa đạo diễn Trần Phương Thảo, chị đến với phim tài liệu độc lập từ sự thôi thúc nào?
Tôi theo học Đại học Ngoại thương. Những năm sinh viên, tôi dịch và lồng tiếng cho CLB điện ảnh của Trung tâm Văn hóa Pháp. Cú hích đưa tôi đến với phim tài liệu là thời điểm tôi được đi dịch cho đoàn làm phim tài liệu của một đạo diễn trẻ người Pháp. Bộ phim có tên là “Gạo rang”, nói về các nhà quay phim của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Thời kỳ chiến tranh rất đói khổ. Nhưng họ đã dành khẩu phần gạo của mình, rang lên để giữ lại những thước phim nhựa. Tôi cảm thấy rất hấp dẫn, vì thông qua việc làm phim, mình được làm quen với những con người có lịch sử, giàu vốn sống. Tôi thực sự muốn khám phá xã hội Việt Nam được xây dựng như thế nào, hoạt động ra sao từ phía bên trong. Bộ phim gần đây nhất tôi làm về con đường Bưởi của Hà Nội ở giai đoạn giải tỏa cuối cùng để làm cầu vượt. Tôi được quay thế giới của các cô đồng nát, của các anh phá dỡ. Quá trình làm phim “Đi tìm Phong” đến phút cuối Phong còn bảo: “Chị không thể nào hiểu được người chuyển giới đâu, không thể hiểu được bọn em nghĩ gì đâu”. Tôi thừa nhận có thể có những điều mình không hiểu, nhưng quan trọng là mong muốn được hiểu.
“Đi tìm Phong”là hành trình đi tìm mình của một người chuyển giới đã mang về cho chị nhiều giải thưởng quốc tế, cũng là phim tài liệu độc lập đầu tiên ra hệ thống rạp thương mại. Nhìn lại quãng thời gian thực hiện bộ phim này, chị thấy có điều gì đặc biệt?
“Đi tìm Phong” là ví dụ rất hay khi nói về phim tài liệu độc lập. Thậm chí, tôi từng đặt câu hỏi ngược lại, liệu “Đi tìm Phong” có phải là phim độc lập hay không? Bởi vì quá trình sản xuất bộ phim này không giống chúng ta vẫn hình dung về phim tài liệu độc lập tại Việt Nam. Độc lập không có nghĩa là phải gian khổ. Quá trình sản xuất phim thuận lợi ngay từ đầu. Bộ phim có nhà sản xuất và nhà sản xuất rất có điều kiện về mặt tài chính. Độc lập thì không nhất thiết là ý tưởng của phim phải đến từ đạo diễn, tức là đây không phải ý tưởng của chúng tôi mà ý tưởng của nhà sản xuất - bạn của nhân vật chính. Dựa trên tiêu chí đấy có nghĩa là tôi không phải đi tìm Phong. Em Phong ngay từ đầu đã đồng ý vào phim, bởi vì em tin tưởng người bạn của em. Bây giờ, sau khi phim đã hoàn thành một thời gian và mình có điều kiện để nhìn lại, thì theo nghĩa nào đấy, bộ phim cũng rất độc lập.
Vậy sự độc lập ấy đến từ góc độ nào?
Đây là một dự án phim không giới hạn về thời gian hoàn thành. Chủ đề bộ phim hơi tế nhị, nhân vật chính là con người thực. Con người ấy phải đưa ra quyết định một đi không trở lại - nghĩa là khi Phong phẫu thuật rồi thì em sẽ không trở lại được như trước. Do vậy, quá trình làm phim không được ảnh hưởng đến quyết định cá nhân của Phong. Tôi từng nghĩ rằng, việc làm phim không quan trọng bằng hành trình cùng Phong đi tìm lại điều mà em ấy cho rằng vốn thuộc về mình. Chỉ khi em tìm được chính mình thì em mới có thể tiếp tục sống, tiếp tục tìm được tương lai. Nhà sản xuất còn nói nếu phim hoàn thành, 3 năm sau chẳng hạn, ở thời điểm ấy mà xã hội Việt Nam vẫn có quá nhiều định kiến ảnh hưởng đến đời sống của Phong thì nhà sản xuất chấp nhận lùi thời điểm phát hành phim, có thể 5 năm hoặc 10 năm sau. Độc lập theo nghĩa đấy. Tức là nó không nằm trong khuôn khổ nào, và mình hoàn toàn có quyền tự do quyết định là phim sẽ như thế nào.
Nhân vật trong các bộ phim tài liệu độc lập do chị thực hiện: “Giấc mơ là công nhân” (năm 2006); “Trong hay ngoài tay em” (năm 2011); “Đi tìm Phong” (năm 2015); “Bưởi” (năm 2019) đều là những con người bé nhỏ, có những hoàn cảnh éo le, thậm chí bên lề. Góc nhìn của chị về các nhân vật như thế nào?
Có một yếu tố mang tính chuyên môn tôi muốn chia sẻ. Đó là vị trí của máy quay phim. Nhân vật trong các phim tài liệu độc lập, dù là yếu thế đi chăng nữa, nhưng với cách làm phim đồng hành với nhân vật đã giúp họ hoàn toàn làm chủ trước máy quay. Nhân vật biết đây là phim về họ, điều gì quan trọng, điều gì cần chia sẻ với công chúng. Khi đi làm phim về những lĩnh vực mà tôi không biết thì chính nhân vật dạy cho tôi rất nhiều về đời sống. Sự cân bằng giữa đạo diễn và nhân vật sẽ mở ra đối thoại nhiều hơn so với phim tài liệu có lời bình. Sự độc lập của nhân vật cũng là một thành tố góp phần tạo nên nét riêng của dòng phim này. Chính là nhân vật cho chúng ta hiểu thêm những cách nhìn nhận đời sống, cách người ta tồn tại trong cuộc sống với tư thế tinh thần ra sao.
Là đạo diễn, chị có chỉ đạo được diễn xuất của nhân vật?
Nhân vật trong phim tài liệu độc lập là con người thật ngoài đời, tình huống là tình huống thật ngoài đời. Đạo diễn có thể quan sát rất tinh tế sâu sắc, nhưng không thể chỉ đạo được diễn xuất, cũng như không thể áp đặt được tình huống. Để trở thành nhân vật trong phim là cả một quá trình dài, ở đó đạo diễn và nhân vật cùng học hỏi lẫn nhau. Đến một thời điểm khi cả hai có sự tin tưởng, ăn ý với nhau, việc diễn trước ống kính trở thành không diễn - lúc đấy bộ phim mới thực sự sâu sắc và sống động, tự nhiên. Cả hai phải có một động lực sâu thẳm và mạnh mẽ để làm việc cùng nhau, chấp nhận nhau, hòa hợp cùng nhau, không bị đứt gánh giữa đường. Động lực ấy như một chìa khóa để mở ra các cánh cửa khác.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện, chúc chị luôn tìm được nhân vật của mình!
Anh Thư thực hiện