'Cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn để xử lý nạn sách giả, sách lậu'

Đó là ý kiến của bà Trần Phương Thảo, TGĐ Thái Hà Books về vấn nạn sách giả, sách lậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản cũng như quyền lợi của tác giả.

 

PV: Thưa bà, Thái Hà Books là một đơn vị có khá nhiều sách bị làm giả trên thị trường. Thái Hà biết sách của mình bị làm lậu từ khi nào? Và khi biết mình bị xâm phạm quyền lợi như thế thì công ty có hành động như thế nào?

Bà Trần Phương Thảo: Chúng tôi phát hiện cuốn sách lậu đầu tiên của mình cách đây 10 năm, đó là cuốn "Think and grow rich" (13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu). Chúng tôi cũng có những đầu sách khá hay như "Đọc vị bất kỳ ai", "Người nam châm", "Những nguyên tắc thành công"… thì đến tận thời điểm bây giờ vẫn bị làm lậu.

Sách lậu thì có 2 phiên bản: sách giấy và sách số (audio book và e-book). Chúng tôi đã vài lần gửi công văn trực tiếp lên Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, Cục Xuất bản, Cục Bản quyền… về việc bị in lậu sách giấy. Chúng tôi cũng có 1 lần làm việc với thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông.

Với các phiên bản sách giấy, sau 2 lần làm việc chúng tôi thấy rất khó khăn.

Thứ nhất, để có thể khởi kiện, những đơn vị liên kết xuất bản tư nhân như chúng tôi thì cần phải làm việc với những nhà xuất bản cấp phép cho cuốn sách đấy. Và chính nhà xuất bản phải gửi đơn lên Cục xuất bản và các cơ quan chức năng thì vấn đề mới được giải quyết chính thức theo đúng qui trình trình tự pháp luật. Nếu phải thông qua một nhà xuất bản thì việc đấy khá là rắc rối.

Thứ hai, có lần chúng tôi cũng đã cung cấp sách lậu, sách giả cho cơ quan chức năng thì họ trao đổi là chúng tôi bắt buộc phải cung cấp thông tin là đơn vị làm lậu địa điểm in ở đâu, đã in lậu của chúng tôi bao nhiêu sản phẩm… thì điều đó rất khó vì chúng tôi chỉ là đơn vị làm ăn kinh doanh bình thường thôi. Nếu phải điều tra như vậy tôi nghĩ đấy là phần việc của công an.

Bà Trần Phương Thảo, Tổng giám đốc Thái Hà Books.PV: Bà có nói rằng các công ty sách (những người bị hại) gần như phải làm thay phần việc của các cơ quan điều tra. Đây có phải là điều bất cập, vô lý?

Bà Trần Phương Thảo: Tôi thấy rõ ràng điều này không hợp lý! Nhưng tại sao điều này vẫn diễn ra mười mấy năm nay?

Bởi vì sách giả không gây chết người! Ví dụ một lon coca giả hay một cái bánh trung thu giả… thì lập tức báo chí và cơ quan chức năng sẽ cùng vào cuộc, có khi chỉ cần một thông tin thôi là sẽ được điều tra vì liên quan đến y tế, sức khỏe con người. Nhưng sản phẩm sách của chúng tôi nếu có bị làm giả thì chưa thấy ai chết cả. Nhưng thực tế là đang chết cả một thế hệ!

Vì rõ ràng chúng ta đang nuôi dưỡng những mầm mống ăn cắp ăn trộm. Chúng tôi cảm thấy điều đấy rất nản. Các đơn vị sách không thể đứng lên làm thay cho các cơ quan công an được.

PV: Vậy giải pháp của công ty trong thời điểm hiện tại khi nạn sách giả, sách lậu vẫn đang diễn biến phức tập là gì, trong lúc chờ đợi các cơ quan chức năng tiến hành điều tra?

Bà Trần Phương Thảo: Trong tất cả các cuộc họp có đại diện của Hội Xuất bản và Cục Xuất bản thì tôi vẫn kiến nghị rằng, tất cả các thành viên trong Hội Xuất bản cần liên kết với nhau, cùng đưa ra qui định chung là những thành viên của hội không làm lậu sách của nhau. Hội Xuất bản hãy đại diện cho các thành viên làm việc với Cục Xuất bản, cơ quan chức năng, cơ quan công an.

Thực ra cũng có các cá nhân trong Hội Xuất bản rất nhiệt tình, như anh Lê Hoàng trong Tp.HCM rất quyết liệt, hay gần đây Cục trưởng mới Cục Xuất bản là anh Nguyễn Nguyên thì tôi cũng đánh giá rất cao năng lực và tâm huyết của anh ấy. Tôi hy vọng sẽ có sự phối hợp. Chứ từng đơn vị, cá nhân riêng lẻ lên tiếng thì thực sự không ăn thua.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Anh Tuấn/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận